Ấm tình công nhân lo cho bà cụ nhặt ve chai

Bà là Nguyễn Thị Liên (ngụ tổ 20A, khu phố 4, phường Trảng Dài, TP Biên Hòa, Đồng Nai).

Bảy năm trước, con trai của bà, anh Tâm (46 tuổi), bị tai nạn khi đang phụ hồ. Anh bị gãy cột sống, lại bị suy thận nên nằm liệt một chỗ. Hai ông bà già không biết lấy đâu ra tiền lo cho con đành bán nhà, vay thêm tiền ngân hàng.

Bốn năm sau, chồng bà bị tai biến rồi hai chân yếu hẳn, không đi được. “Tôi như muốn chết đi khi thấy chồng và con dần nằm liệt một chỗ, chỉ biết khóc. Nhưng tôi đâu dám khóc trước mặt chồng con. Tôi giấu hết vì sợ hai cha con buồn lòng rồi nghĩ quẩn” - nhìn chồng rồi nhìn qua con, bà nói.

Mỗi ngày đạp xe hơn 40 cây số

Không thể tự đẩy mình vào bế tắc, bà vùng dậy tìm cách mưu sinh. Thấy nhiều người đi lượm ve chai, bà xin đi theo. Cứ 5 giờ sáng, bà đạp xe đạp đi quanh xóm, hỏi từng nhà mua lại với giá rẻ. Bà đến các khu chợ lục từng thùng rác, gõ cửa từng khu nhà để hỏi, rồi chạy ra vựa ve chai cách nhà gần 20 cây số để bán.

Đoạn đường đi và về hơn 40 cây số chỉ mỗi mình bà lầm lũi dù mưa hay nắng. Những ngày nắng gắt, mắt bà nhòe đi, sợ té, bà xuống xe dắt bộ. Hôm nào mệt quá, bà gửi xe ở vựa ve chai rồi nhờ người trong vựa chở về.

Buổi trưa, bà không về nhà mà tranh thủ đi kiếm thêm nhiều chai, lọ để tăng thêm vài đồng thu nhập. Có hôm bà chỉ ăn củ khoai lang rồi uống nước thật nhiều để no lâu. Ngày khác, bà lại ăn sáng vào lúc 10 giờ để đỡ phải tốn thêm bữa trưa. Hôm nào mệt quá, bà chỉ nhấp vài ngụm nước lấy sức đi tiếp. Mỗi ngày bà bán được 100.000 đồng là nhiều nhất, ít thì 50.000-60.000 đồng.

Về phần hai cha con, bà cứ mua mì gói về để sẵn, ông còn ngồi xe lăn và tập tễnh đi được nên tự xuống bếp chế mì để ăn. Bữa cơm tối là khoảng thời gian ít ỏi cả ba người cùng quây quần bên nhau. Ngày nào bán được nhiều, bà mua hai cái trứng với rau muống về luộc. Còn không thì bắc nồi cơm lên ăn với nước mắm. Có khi cả nhà ăn mì tôm suốt cả ngày để tiết kiệm.


Hằng ngày, bắt đầu từ 5 giờ sáng, bà Liên đã phải đạp xe đi lượm ve chai. Ảnh: THANH TUYỀN

Sống… vì cái tình của hàng xóm

Thấy hoàn cảnh của bà, họ hàng mua cho bà mảnh đất nhỏ. Thời điểm anh Tâm đang nằm bệnh viện, sự giúp đỡ của hàng xóm là chỗ dựa tinh thần để bà Liên vững vàng hơn. “May nhờ có hàng xóm, mấy cô công nhân tốt bụng giúp đỡ chứ nếu không thì chắc tôi không trụ được đến hôm nay” - bà Liên cảm kích.

Nhiều người biết hoàn cảnh của bà thường cho bà ve chai mà không lấy tiền. Chị Nguyễn Thị Kim Uyên (ngụ khu phố 4, phường Tân Phong, TP Biên Hòa, Đồng Nai, là công nhân của một công ty giày dép) là người cho bà Liên mượn tiền để chữa bệnh cho hai cha con suốt nhiều năm qua. Chị Uyên quen với bà Liên khi bà gõ cửa nhà chị để hỏi mua ve chai. Nhiều lần bà ghé đến, chị thường xuyên hỏi thăm về bà, nghe bà tâm sự nên cũng biết được hoàn cảnh bà đang gặp phải.

“Bà đến nhà tôi mua ve chai rất nhiều lần, rồi tâm sự rằng không có tiền để lấy mảnh kim loại đang còn nằm trong sống lưng của anh Tâm, thấy bà khóc nên tôi mới đưa tạm cho bà cầm đỡ 2 triệu đồng để lo cho anh” - chị Uyên kể.

Sau hôm đó, chị Uyên đến công ty của mình, nói với chú bảo vệ hay những công nhân làm cùng với chị để ủng hộ thêm cho bà. Nhiều người chung tay, chị gom được hơn 6 triệu đồng rồi tìm đến nhà bà để trao tận tay. Thấy căn nhà xiêu vẹo, chị lại kêu gọi công nhân người góp chút đỉnh cùng chung tay để quyên góp cất cho bà căn nhà nhỏ. Những lúc bà Liên kẹt tiền thuốc thang cho hai cha con, chị cũng sẵn sàng giúp. Đến nay số tiền bà Liên mượn chị đã lên hơn 40 triệu đồng nhưng chị vẫn không lấy lãi, cũng không đòi.

“Tôi chỉ nghĩ làm sao để giúp bà, ai gần mình có thể vận động được thì cứ làm đã. Giờ tôi có đòi thì bà cũng không có mà trả đâu. Chì chiết bà làm gì, số bà khổ quá rồi” - chị Uyên nói.

Chị Uyên cùng hai người bạn của mình thường xuyên lui tới để hỏi thăm, hỗ trợ những gì bà Liên cần. Mỗi dịp tết đến, chị lại mang quà bánh, một số đồ dùng cần thiết đến nhà để hỗ trợ thêm.

“Cứ kẹt tiền tôi chẳng biết hỏi ai ngoài cô Uyên cả, tôi cũng biết cô không dư dả gì nhưng thực sự chẳng biết tìm đến ai hơn nữa. Nhiều khi thấy mình làm phiền người ta nhưng cái số của tôi nó khổ quá rồi, chẳng nghĩ gì được nhiều hơn. Tôi chẳng biết khi nào mới trả hết số nợ đó, kể cả món nợ ân tình với cô Uyên. Nhờ tình cảm của cô ấy và những người không quen giúp mà tôi thấy ấm lòng” - bà Liên nói.

Ấm thì có ấm đó nhưng tất cả họ cũng chỉ là công nhân với đồng lương ít ỏi. Biết có ai rộng vòng tay tiếp sức cho bà đường dài?!

 

Thấy vợ một mình cáng đáng mọi việc, ông Khỏe xót xa: “Hồi trước tôi khỏe cũng đi lượm ve chai. Rồi hàng xóm ai kêu đi nhổ cỏ, làm rẫy hay chở cái này, cái kia tôi cũng nhận. Nhưng chẳng biết sao tôi lại thành ra thế này chỉ sau một đêm… Thấy vợ mỗi ngày đạp xe về mặt mày tái mét, tôi đau lắm. Nhiều đêm nghĩ quẩn, chỉ muốn chết đi cho xong. Tôi cũng muốn đi bán vé số để phụ thêm nhưng hai chân yếu như vầy, không đi đâu được cả”.

Nghe ông nói vậy, bà liền quay sang: “Ông nói gở, ông đi rồi tôi còn đâu chỗ dựa tinh thần để mà nuôi con tiếp. Cứ sống vậy để còn có người thủ thỉ với tôi chứ…”. Nói rồi, bà quay đi gạt dòng nước mắt chực rơi trên khóe mắt đã mờ đục.

Thời gian gần đây mắt bà ngày càng yếu, hai chân bị suy giãn tĩnh mạch nặng, các khớp gối lại hay đau nhức. Túng quẫn đến cùng cực, cái nghèo, cái khó cứ bám riết lấy cuộc sống của gia đình bà. Bà bảo không ít lần tự hỏi đến khi nào cái khúc quanh trong cuộc đời bà mới kết thúc. Lỡ một mai khi bà yên nghỉ, ai sẽ lo cho hai cha con như bà đã lo chừng ấy năm…

Ấm tình công nhân lo cho bà cụ nhặt ve chai ảnh 2

Đi làm về, bà lại lo cho cả chồng (ảnh) và con từ việc ăn uống cho đến vệ sinh cá nhân. Ảnh: THANH TUYỀN

Nhiều năm liền gia đình bà Liên là hộ nghèo của phường. Chồng và con của bà đều bệnh, bà đã già nhưng vẫn phải đạp xe đi lượm ve chai để lo cho gia đình. Năm ngoái, khi đang đạp xe trên đường thì bà bị người ta đâm phải, tay chân trầy trụa hết. Hồi đó tôi cũng thường kêu gọi hàng xóm góp cái áo, cái quần hay chút quà để giúp đỡ tinh thần cho bà.

Ông NGUYỄN TẤN ĐẠT, từng là tổ trưởng tổ 20A, khu phố 4, phường Trảng Dài, TP Biên Hòa, Đồng Nai

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm