Chúng tôi đi phía sau chị. Giữa dòng xe tải tấp nập, chị vẫn bình thản đạp xe hướng về cầu vượt Cát Lái. Rồi chị dừng lại, dựng chống cho chiếc xe đứng hẳn, chị bước vào bãi cỏ ven đường. Một đứa bé trai trạc chừng hai tuổi vẫn ngồi yên trên xe. Trên mặt bé, chiếc khẩu trang bịt kín chỉ còn chừa đôi mắt. Bé vẫn ngồi yên chờ đợi. Phía sau bé, một bao tải căng phồng.
Chị lầm lũi nhặt từng chiếc ly nhựa, chai nước ngọt mà người sử dụng vứt lăn lóc. Trên xe, đứa bé đưa tay vẫy chị. Chị chạy nhanh đến. Thì ra thằng bé muốn xuống xe để... “tè”. Chị bế bé xuống làm những động tác cần thiết trước khi với lấy chiếc giỏ máng trên ghi-đông bỏ những thứ vừa nhặt được rồi bế bé lên xe đi tiếp.
Hình ảnh mưu sinh giữa khuya của người phụ nữ đơn thân. Ảnh: TCN
Không phải hôm nay là đêm đầu tiên chúng tôi gặp chị trên xa lộ Hà Nội đoạn từ ngã tư Bình Thái về đến cầu vượt Cát Lái. Lần nào cũng thế, vẫn bộ quần áo công nhân bạc màu, vẫn chiếc nón lá tả tơi và đôi bao tay sờn rách, chị cần mẫn tìm kiếm những thứ mà mọi người đã vứt đi để mưu tìm sự sống.
Chúng tôi đến gần hỏi thăm về đứa bé. Chị ngập ngừng trong giây lát rồi sau đó chậm rãi kể: “Quê em ở một tỉnh miền Bắc. Vài năm trước, cuộc sống ngoài ấy khó khăn quá nên một thân một mình vào Nam tìm đến một công ty trên đường Đỗ Xuân Hợp (quận 9) xin làm công nhân. Được một thời gian, em yêu một anh làm cùng cơ quan. Anh người miền Trung, hơn em vài tuổi. Khi em báo tin có thai, anh ấy bảo em phá thai rồi sau đó lẳng lặng bỏ việc ra đi biền biệt đến bây giờ”. Một mình chị đơn thân, tự sinh nở, tự mình mưu sinh nuôi con. Cũng may, nhờ trời đứa bé khỏe mạnh ngày một lớn. Thu nhập bởi đồng lương công nhân không đủ nuôi hai mẹ con, hằng ngày sau giờ làm việc chị đèo con trên xe dọc theo con đường này tìm nhặt phế liệu.
Dưới ánh đèn đêm, đôi mắt chị sáng quắc và đầy cương nghị. Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi và chị đứt quãng vì thằng bé cất tiếng: “Mẹ ơi, con khát nước!”. Chị đứng dậy đến chỗ dựng xe, tìm trong túi xách lôi ra một chai nước. Rót nước vào ly đưa cho con. Thằng bé uống xong, chị bế con lên xe tiếp tục lao vào cuộc mưu sinh.
Để con không mất đi tuổi thơ, trong lúc đèo con đi nhặt ve chai, chị hay dừng lại cho con chơi ở những điểm vui chơi mà con thích. Hôm ấy chúng tôi gặp lại hai mẹ con ở ngã tư Bình Thái. Giữa bãi cỏ, mẹ và con tung tăng đùa giỡn. Có lẽ đây là khoảnh khắc hạnh phúc nhất của hai mẹ con. Chiếc xe đạp mang đầy phế liệu dựng ở phía xa xa như đang nhắc chừng không có cuộc vui nào bất tận.
Chúng tôi gợi ý sẽ giúp chị một số tiền để cùng chị lo cho cháu. Chị nói: “Tôi tuyệt đối không muốn xin xỏ một điều gì. Sinh con ra, tôi phải nuôi cho cháu khôn lớn bằng chính công sức của mình. Tôi nguyện sẽ dạy cho cháu hiểu giá trị của cuộc sống và nhân cách sống ở đời. Anh hãy để số tiền đó giúp những mảnh đời cơ nhỡ hơn tôi. Tôi vẫn còn sức khỏe để lo cho cháu. Hiện nay tôi đang cố gắng vun vén để có được chút vốn kha khá rồi sẽ đưa cháu về quê ở với ngoại học hành nữa chứ”.
Chị đứng lên, bế đứa bé bỏ lên xe tiếp tục lao vào đêm...