Tờ New York Times hôm 10-10 (giờ Mỹ) dẫn lời các quan chức Bộ Tư pháp Mỹ cho biết một quan chức tình báo Trung Quốc (TQ) đã bị bắt tại Bỉ hôm 1-4, được dẫn độ sang Mỹ hôm 9-10 và đối mặt các cáo buộc thực hiện hành vi gián điệp. Đây được xem là một sự leo thang lớn trong nỗ lực của chính quyền Trump để chứng minh các hoạt động gián điệp mà phía TQ đã và đang thực hiện nhằm vào Mỹ.
Dàn trận công phu bắt giữ nghi phạm
Người bị bắt là ông Yanjun Xu, Phó Giám đốc Cục An ninh quốc gia tỉnh Giang Tô thuộc Bộ An ninh quốc gia TQ, gọi tắt là MSS. Đây là quan chức tình báo TQ đầu tiên bị bắt giữ, điều tra và đang trong quá trình bị truy tố tại Mỹ. Lực lượng chấp pháp Mỹ cho biết ông Xu đã tìm cách đánh cắp các bí mật thương mại từ ba công ty Mỹ, trong đó có GE Aviation - một công ty con của General Electric, có trụ sở tại vùng Evendale, ngoại ô TP Cincinnati thuộc bang Ohio. Đây là một trong những công ty hàng không hàng đầu thế giới chuyên cung cấp hệ thống động cơ máy bay thương mại và máy bay quân sự, điển hình như Boeing Co, Airbus SE.
Tuyên bố của Bộ Tư pháp cho biết ông Xu còn là gián điệp ở hai công ty khác, một trong số đó được mô tả là “một trong những công ty vũ trụ lớn nhất thế giới và là nhà sản xuất hàng đầu về máy bay phản lực thương mại và các hệ thống phòng thủ, không gian và an ninh”; công ty còn lại là một doanh nghiệp (DN) công nghệ hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất máy bay không người lái.
Các chi tiết trong bản cáo trạng dài 16 trang cho thấy việc bắt giữ ông Xu diễn ra đầy kịch tính, được lên kế hoạch một cách công phu và cẩn thận. Ông Xu đã đến Bỉ gặp một nhân viên của GE Aviation để nhận thông tin mật về các thiết kế hệ thống động cơ cánh quạt máy bay mới nhất của công ty này. Ông Xu không ngờ đó là cái bẫy do các cơ quan chức năng Mỹ đã phối hợp với các cộng sự tại Bỉ đặt ra, trong đó còn có sự phối hợp hiệu quả giữa Cục Điều tra Liên bang Mỹ và GE Aviation. Nếu bị buộc tội, ông Xu có thể chịu án tù giam đến 25 năm.
Theo Bộ Tư pháp Mỹ, ông Xu là một trong những quan chức thuộc MSS kể từ năm 2013, được cho là đã tìm kiếm các chuyên gia thuộc ngành công nghiệp hàng không tại một số công ty, một trong số đó là GE Aviation, mời họ đến TQ dưới vỏ bọc các chương trình nói chuyện tại các trường đại học nhưng thực tế là nhằm tìm cách lấy được các thông tin bản quyền sản xuất. Các buổi nói chuyện của các chuyên gia hàng không chủ yếu phục vụ lợi ích của chính phủ TQ và thường bao gồm các cuộc thảo luận mang tính chuyên môn cao, đi sâu vào các vấn đề kỹ thuật như thiết kế hay công nghệ sản xuất của các công ty hàng không.
“Ông Xu và các đồng nghiệp của mình tại MSS đã tìm kiếm các chuyên gia làm việc cho các DN hàng không và trao đổi với họ các bí mật thương mại” - công tố viên tại bang Ohio, ông Ben Glassman, phát biểu trong cuộc họp báo. Ông nói thêm: “TQ đã cho thấy rất rõ ràng rằng nước này đang có một chương trình tìm kiếm và chiếm hữu các thông tin về công nghệ quan trọng hàng đầu trong ngành công nghiệp hàng không và một số lĩnh vực khác”.
Công tố viên Benjamin Glassman thông báo việc Mỹ điều tra ông Xu về hành vi gián điệp kinh tế. Ảnh: THE ENQUIRER
Mỹ sẽ gia tăng cứng rắn với Trung Quốc
“Sự kiện dẫn độ một quan chức tình báo TQ chưa từng có tiền lệ lần này đã phơi bày hoạt động gián điệp kinh tế của chính phủ TQ nhằm chống lại Mỹ” - trợ lý giám đốc FBI, ông Bill Priestap, nói.
Lâu nay Washington cáo buộc TQ thực hiện các nhóm hành vi: (i) Sử dụng các gián điệp kinh tế để mua chuộc hay bàn giao trái phép sản phẩm công nghệ, trường hợp ông Xu là một điển hình; (ii) Sử dụng quyền lực nhà nước ép buộc DN Mỹ hoạt động tại TQ chuyển giao công nghệ, một trong những lý do ông Trump phát động chiến tranh thương mại; (iii) Sử dụng các tiểu xảo để thực hiện hoạt động gián điệp hoặc các cuộc tấn công mạng nhằm vào các DN để đánh cắp công nghệ và thông tin, điển hình như Bloomberg tuần trước tung bài điều tra TQ lắp đặt các con chip gián điệp siêu nhỏ trên bo mạch chủ do hãng công nghệ Mỹ SuperMicro chế tạo và các thiết bị của Apple, Amazon (dù chính phủ Mỹ và các DN sau đó lên tiếng bác bỏ thông tin này, tạo ra các thông tin trái chiều).
Mặc dù ngoài ông Xu, Washington tin rằng vẫn còn rất nhiều gián điệp TQ khác đang hoạt động nhưng đây là một động thái quyết đoán của ông Trump báo hiệu khả năng Washington sẽ tiếp tục “càn quét” các đối tượng mà Mỹ có bằng chứng buộc tội trộm cắp tài sản trí tuệ. “Việc bắt giữ ông Xu cho thấy các cơ quan chấp pháp Mỹ không chỉ có thể phát hiện, ngăn chặn các hành vi gián điệp mà còn có thể bắt giữ các đối tượng nghi phạm” - công tố viên Glassman nói.
Phiên xòa xét xử ông Xu tới đây diễn ra tại tòa án liên bang Cincinnati khả năng tiếp tục công bố thêm các chiêu thức đánh cắp bí mật thương mại của TQ đã và đang thực hiện. Các công tố viên sẽ phải cung cấp thêm bằng chứng để đủ thuyết phục khép tội, trong đó có thể bao gồm các nội dung liên lạc giữa nghi phạm với các quan chức chính phủ TQ hay khẩu cung của các nhân chứng. Điều này chắc chắn làm ảnh hưởng hình ảnh của các nhà lãnh đạo Bắc Kinh. Tuy nhiên, đây chỉ mới là một phần trong một chiến lược dài hạn mà các quan chức Mỹ khẳng định nhằm vào các hành vi trộm cắp bí mật, buộc TQ phải trả giá và mất mặt với cộng đồng quốc tế.
Nhà Trắng hôm thứ Tư cũng vạch ra các quy định mới đối với đầu tư nước ngoài nhằm ngăn chặn TQ tiếp cận các công ty Mỹ. Trong ngắn hạn, động thái cứng rắn của Bộ Tư pháp Mỹ khả năng sẽ khiến cuộc chiến thương mại ăn miếng trả miếng giữa Mỹ-TQ trở nên trầm trọng hơn. Trong khi chính phủ TQ và luật sư của ông Xu chưa có phản ứng, nhiều ý kiến dự báo TQ có thể trục xuất các nhà ngoại giao hoặc các quan chức tình báo Mỹ ở Bắc Kinh.
Ông Xu qua lại với nhân viên GE Aviation thế nào? Việc qua lại thân thiết giữa TQ và nhân viên GE Aviation bắt đầu từ tháng 3-2017. Đây là một mục tiêu quan trọng với TQ bởi DN này sản xuất động cơ máy bay và trực thăng cho Lầu Năm Góc. Theo Bộ Tư pháp Mỹ, nhân viên của GE Aviation được một người TQ mời đến ĐH Hàng không Vũ trụ Nam Kinh để gặp các nhà khoa học TQ. Ở đây, người của GE Aviation được giới thiệu gặp ông Xu và hai bên giữ liên lạc qua email. Tháng 1-2018, ông Xu mời nhân viên GE Aviation quay lại TQ lần thứ hai với lời đề nghị “mang theo thông tin chi tiết về hệ thống và quá trình thiết kế” của công ty. Trong hai tháng sau đó, ông Xu yêu cầu ngày càng nhiều thông tin chi tiết, bao gồm thông tin mật bản thiết kế hệ thống động cơ cánh quạt máy bay mới nhất. Nhân viên GE Aviation và ông Xu trao đổi ngày càng chi tiết dữ liệu mà ông Xu muốn, thậm chí còn cung cấp cho ông Xu tệp tin trong máy tính xách tay do GE Aviation cấp cho nhân viên. Hai người sau đó không gặp nhau tại TQ nhưng thỏa thuận hẹn nhau tại Bỉ để trao đổi nhiều thông tin bí mật hơn vào tháng 4 vừa qua, cũng chính là thời điểm ông Xu bị cảnh sát Bỉ bắt giữ. Thông tin về nhân viên của GE Aviation và thời điểm công ty hợp tác với FBI cho đến nay vẫn được giữ kín, tuy nhiên GE Aviation cho biết bí mật của công ty không bị lộ. FBI kêu gọi doanh nghiệp Mỹ hợp tác Công tố viên Glassman nói với báo chí hôm 10-10 rằng các công ty Mỹ nên biết rằng TQ đang tìm cách sở hữu tài sản trí tuệ của họ không chỉ bằng các biện pháp như xâm nhập hệ thống mạng mà còn thông qua chiêu thức mua chuộc nhân viên của công ty. “Các DN cũng cần nhận thức được việc hợp tác với các lực lượng chấp pháp liên bang, như trường hợp GE Aviation hợp tác với FBI bắt ông Xu có thể ngăn cản các đối tượng trộm cắp tài sản trí tuệ, đồng thời đưa họ ra xét xử trước tòa và buộc họ chịu trách nhiệm với những gì họ đã làm” - ông Glassman nói. |