Chuyện kể rằng có một cô bé người Konyak rời bản làng ra thủ phủ Kohima của bang Nagaland, Ấn Độ trọ học. Mọi việc bình lặng trôi qua cho đến một ngày, một cuộc xung đột giữa làng cô và một ngôi làng bên cạnh xảy ra. Điều khiếp đảm là dân làng cô đã giết chết đối thủ và lấy đầu đem treo trong làng.
Tin lan truyền khắp nơi và từ đó bao nhiêu ánh mắt nhìn cô học trò nhỏ thì thầm: “Đừng có đụng vào nó nếu không muốn ông nội và cha nó đến chặt đầu”.
Những chiến binh săn đầu người cuối cùng
Chuyện trên xảy ra cách nay đã hơn 30 năm nhưng câu chuyện về bộ lạc săn đầu người vẫn luôn lôi cuốn tôi mãnh liệt. Và đó là lý do thôi thúc tôi gác lại mọi công việc, xách ba lô lên đường…
Ngày đầu tới làng Longwa, ngôi làng lớn nhất của bộ tộc người Konyak (huyện Mon, bang Nagaland, Ấn Độ), tôi chỉ gặp mặt nhà vua của ngôi làng và cung điện ngộ nghĩnh nằm trên đường biên giới của ông. “Muốn gặp những chiến binh săn đầu người thì phải có người địa phương dẫn đi” - anh chàng nhân viên quản lý xuất nhập cảnh tại huyện Mon cho biết. Đó là phong tục ở Nagaland, người lạ mặt không được tự ý xông vào làng.
Tôn trọng yêu cầu này, tối hôm đó tôi về hỏi chủ nhà và được ông hứa sẽ dẫn tôi đi thăm những nhân vật huyền thoại này. Và ông tiết lộ thêm: Cha của ông cũng từng là một chiến binh săn đầu người!
Sáng hôm sau, từ nhà bước ra, ngay góc đường, một cụ già với gương mặt xăm trổ, lỗ tai khoét to đùng để đeo sừng hươu, cổ đeo sợi dây có trang trí những biểu tượng đầu người. Đó chính là hình ảnh biểu trưng của những chiến binh Nagaland. Ông cụ dẫn theo đứa cháu nhỏ, ngồi bán chuối. Thấy tôi lăng xăng, ông cười vui vẻ, khoe hàm răng vẫn còn chắc khỏe.
Cũng giống như ông cụ này, những chiến binh săn đầu người lừng lẫy ngày xưa nay đã là những cụ già hiền từ, sớm hôm vui vầy bên con cháu. Khi tôi đến thăm, các cụ lục tục lôi trên gác bếp ra túi đồ quý cất giữ dao, mác, gậy gộc, vũ khí, những vòng đeo cổ xỏ đầu người… mô phỏng và những chiếc mũ mão độc đáo của mình với vẻ mặt đầy tự hào về một thời oanh liệt.
Những chiến binh săn đầu người Konyak cuối cùng ở làng Longwa, Nagaland, Ấn Độ. Ảnh: CẨM TÚ
Cột mốc đánh dấu thành chiến binh dũng cảm
Vị chiến binh săn đầu người già nhất mà tôi gặp ở làng Longwa nay đã 94 tuổi. Nhà ông cụ cũng như mọi căn nhà truyền thống khác ở làng Longwa, vách dựng bằng gỗ, mái nhà lợp bằng lớp lá cọ dày.
Trong gian bếp khói ám đen, ông nằm ngủ im lìm. Nghe có khách đến nhà, ông ngồi dậy, hơi thở khó nhọc. Xỏ chiếc sừng hươu vào hai tai, ông cho hay mấy hôm nay ông bệnh. Người hướng dẫn kể ngày còn trẻ, khi còn phong tục săn đầu người, ông cụ này đã săn được đến… bốn đầu người. Còn hôm nay, trước mắt tôi là ông cụ hiền lành hiếu khách.
Ttôi hỏi ông giữa cuộc sống bình yên sau này và tháng ngày hoang dã ngày xưa, ông thích điều nào. Không ngại ngần, ông cụ lập tức trả lời ông nhớ những ngày vào rừng săn bắn, câu cá, những buổi tối hát hò, nhảy múa với những thanh niên trai tráng trong làng của ngày xưa. Ông chủ nhà kiêm hướng dẫn viên của tôi cho hay cả làng Longwa còn khoảng 30 chiến binh xăm mặt săn đầu người, tuổi đã trên dưới 80. Tất cả họ đều khỏe mạnh và minh mẫn với những nụ cười hiền hòa, thân thiện.
Nhờ ông chủ nhà phiên dịch, họ kể những hình xăm trên mặt như vầy có từ khoảng năm họ 20 tuổi. Thông thường họ phải mất một đến hai ngày để hoàn thành hình xăm. Và thợ xăm luôn là một phụ nữ. Người hướng dẫn cho biết những cụ già này đã lấy từ một đến hơn 10 đầu kẻ thù. Riêng ông cụ cha của ông chủ nhà tôi đang ở thì ngày xưa đã mang về làng đến bốn đầu người!
Chắc ai cũng tò mò những chiến binh này nghĩ gì khi lấy đầu người khác lại còn xách về. Một ông cụ kể lại, lần đầu tiên ông đi săn đầu người là năm ông 20 tuổi, trong một lần tấn công ngôi làng gần đó. “Chúng tôi không bao giờ đi một mình mà khoảng 4-5 người, phục kích bất ngờ để bắn chết kẻ thù. Sau khi họ bị giết, tôi đã lấy đầu một người và bỏ vào giỏ, chạy về làng” - ông kể.
Sau lưng kẻ thù la hét và bắn cung tên ào ạt nhưng không dám đuổi theo nhóm chiến binh hùng mạnh này. “Khi tôi xách đầu kẻ thù trên tay về đến, dân làng ra nghênh đón và mở tiệc hát hò ăn mừng cả đêm. Cô gái xinh đẹp trong làng tôi yêu đã đồng ý đến với tôi trong đêm đó” - ông bồi hồi kể.
Ông nói trong đời ông từng săn nhiều đầu nhưng cảm giác tự hào của lần đầu tiên săn đầu người là ấn tượng sâu đậm nhất. Bởi đó là cột mốc đánh dấu cậu thanh niên trở thành một chiến binh dũng cảm ở làng.
Giải mã tục lấy đầu kẻ thù của người Konyak
Lại nói về cô bé người Konyak khi ra thủ phủ Kohima trọ học bị bạn bè và xung quanh nhìn bằng ánh mắt soi mói sau sự kiện chiến binh làng cô lấy đầu người làng bên cạnh. Nhiều năm sau, với sự đồng hành của một người bạn từ Mỹ, cô gái tên Phenzin Konyak ngày nào cùng người bạn đồng hành Peter Bos đã nhiều tháng trời ròng rã đi khắp Naga và cho ra đời quyển sách The last tattooed headhunters (tạm dịch: Những chiến binh xăm mặt săn đầu người cuối cùng) kể về bộ tộc mình.
Cuốn sách góp phần giải mã những tò mò của thế giới về những hình xăm kỳ dị trên mặt những chiến binh cùng phong tục săn đầu người từng làm cô xấu hổ và ngượng ngùng suốt thời gian dài. Người Konyak tin rằng chiếc đầu chứa đựng sức mạnh của một con người. Việc lưu giữ những chiếc đầu là cách để bảo trợ ngôi làng, mùa màng tươi tốt. Sọ của những con thú rừng như bò rừng, trâu, dê, khỉ hay gấu được treo ở nhà riêng của dân làng. Nhưng những chiếc đầu người săn được thì chỉ được cất giữ ở nhà của tù trưởng và paans (tạm dịch là nhà cộng đồng của những chiến binh).
Người Konyak tin rằng khi chiếm giữ đầu người khác, những người thợ săn sẽ được bảo vệ bởi những người đã chết giờ đã trở thành nô lệ của họ. Việc săn đầu người cũng là chiến tích để những thợ săn tăng vị trí trong cộng đồng và được phép xăm, không chỉ trên gương mặt mà còn thân thể. Nói cách khác, săn đầu người và sở hữu hình xăm là biểu tượng của một chiến binh vĩ đại đối với cộng đồng Konyak.
Tuy nhiên, việc lấy đầu kẻ thù chỉ diễn ra trong một số trường hợp. Đó là khi một thanh niên Konyak cần gia nhập cộng đồng chiến binh trong làng thì việc lấy đầu kẻ thù là một thủ tục để chứng tỏ sự trưởng thành và tinh thần dũng mãnh. Hoặc khi người Konyak trả thù việc người thân bị giết hay một khế ước hôn nhân giữa các làng bị phá vỡ. Việc lấy đầu người sẽ xảy ra khi hiệp ước về quyền đi câu, nơi săn bắn hoặc phân chia lãnh thổ bị vi phạm.
Cuối cùng, đây là một cống phẩm khi lập một ngôi làng mới hoặc khi đặt một cái trống mới. Việc dâng đầu người như một lời chúc tặng sức mạnh và cũng làm kẻ thù khiếp sợ, không dám xâm lấn. Truyền thống lấy đầu người giữ vị trí quan trọng trong văn hóa Konyak. Nhiều lễ hội diễn ra sau mỗi trận giao tranh với những bài hát, thơ ca, điệu múa ăn mừng chiến thắng.
Đến những năm đầu thế kỷ 20, khi những người Anh đến đây, tục lấy đầu người vẫn là truyền thống quan trọng của người Konyak, làm khiếp đảm những người phương Tây. Tuy nhiên, phong tục đã bị luật nghiêm cấm vào năm 1953. Đi kèm với nó, truyền thống xăm trên mặt và cơ thể khi đến tuổi trưởng thành của người Konyak cũng bị bãi bỏ.
Xứ sở săn đầu người giờ có bình yên? Ngày nay, khi tôi đến Nagaland, những ngôi nhà truyền thống ở đây vẫn còn treo rất nhiều sọ thú rừng trên vách nhà. Nagaland vẫn cho phép người dân sở hữu súng săn và quyền săn bắn. Tuy nhiên, những chiến tích đầu người đã bị chính phủ yêu cầu chôn hết. Nhưng rải rác đâu đó ở các ngôi làng Konyak, người ta tin rằng họ vẫn lén lút giữ bộ sưu tập kinh dị này.
Nagaland bây giờ có bình yên không? Tôi thực sự không dám trả lời. Bởi nơi đây cùng với Kashmir vẫn được xem là hai vùng nguy hiểm nhất ở Ấn Độ. Người ta vẫn cảnh báo chiến tranh, khủng bố, đánh bom và bạo loạn có thể xảy ra ở Nagaland bất cứ lúc nào, dù rằng những ngày tôi đến Nagaland rất đỗi hiền hòa… |