Dẫn chúng tôi qua những bản làng của người H'Mông, bà Ly Sa, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Chung, nói rành rọt từng nguyên nhân dẫn đến tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống chủ yếu xuất phát từ đói nghèo, lạc hậu, ít việc làm hoặc làm nhưng nguồn thu để chăm lo cho đời sống là quá thấp.
Bà Ly Sa trong cuộc vận động đồng bào dân tộc H’Mông xóa bỏ các hủ tục, trong đó có vấn nạn tảo hôn.
Nhận diện rõ tảo hôn do đâu?
Từ đó, dẫn đến tình trạng ép gả, bắt nghỉ học lập gia đình khi những đứa trẻ chưa lớn, các điều kiện cần để chăm lo cho con nhỏ còn thiếu và yếu. Nhưng sâu xa hơn, việc cho con lập gia đình sớm là để có thêm nhân lực tham gia hỗ trợ, gánh vác việc nhà cho người lớn, giảm bớt miệng ăn hoặc là để cho nhà chồng có người làm thêm.
Theo bà Sa, lúc còn nhỏ ở với cha mẹ, các em thường phải lao động từ rất sớm khiến trẻ em nơi này gần như rất ít có thời gian học tập, vui chơi mà trong điều bình thường các em đáng được hưởng. Chưa kể các em còn bị chi phối từ cha mẹ với suy nghĩ hẹp hòi, cha mẹ không học đâu có chết, mà có học thì cũng không kiếm được việc làm, vì thế nhiều trẻ em gái chọn phương án lấy chồng.
Hơn nữa, ở tuổi 14-15 chưa lấy chồng thường bị cho là “ế” hoặc khó lấy chồng, vì thế các em thường lựa chọn cách lấy chồng hoặc vợ để tránh “ế”. Từ đó, nhiều cha mẹ trẻ em thường đồng ý gả con sớm và ngược lại, nếu gia đình hoặc chính quyền ngăn cản, không cho lấy nhau thì ăn lá ngón tự tử.
Ngoài ra, theo bà Sa, những nguyên nhân dẫn đến đói nghèo, tảo hôn chính là tình trạng học sinh bỏ học, mang thai ở tuổi vị thành niên khi vào thế đã phải cưới. Chưa hết, đó còn là sự tác động của mặt trái của mạng xã hội, nhiều đứa trẻ dễ bị dụ dỗ, lôi kéo…
Qua đây việc can thiệp, ngăn chặn việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống là rất khó khăn, chưa kể những khó khăn mà người dân nơi này thường phải đối mặt chính là lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, bà Ly Sa trăn trở khi kể về hành trình ngăn chặn tảo hôn.
Những đứa trẻ lớn lên ở vùng biên hôm nay đang ngược dốc cuộc đời và
được kỳ vọng vươn lên thoát nghèo và nạn tảo hôn tồn tại trong đồng bào H’Mông đã qua nhiều thập niên. Ảnh trong bài: ĐẶNG TRUNG
“Chặt đứt” tảo hôn ở trẻ em gái
Theo bà Ly Sa, cách để ngăn chặn tảo hôn là hằng tháng phải thống kê được số lượng trẻ em gái 12-16 tuổi, từ đó có những buổi sinh hoạt cộng đồng, các phiên chợ vùng cao qua các vở kịch, vở diễn nói về tình trạng tảo hôn, những trẻ em gái có khát vọng vươn lên học tập.
Cùng với đó, các già làng, trưởng bản, thanh niên, phụ nữ, thầy cô giáo cần phải nắm rõ, nhận biết từng trẻ em gái có biểu hiện tảo hôn để sớm có biện pháp ngăn chặn ngay bằng việc chia sẻ, nắm bắt tâm lý, động viên, thậm chí hỗ trợ về kinh tế để làm thay đổi suy nghĩ của các em.
Những cán bộ tham gia trực tiếp tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn cần được tập huấn các kỹ năng, kiến thức cơ bản hôn nhân gia đình, pháp luật để từ đó tư vấn cho cha mẹ, trẻ em gái nhận biết được nguy hại của tảo hôn gây ra những hệ lụy, bà Sa đề xuất.
Trưởng phòng Dân tộc huyện Mường Lát - bà Trương Thị Huyên cho rằng tình trạng tảo hôn đã ngấm sâu vào một bộ phận người H'Mông ở vùng biên này. Tuy nhiên, theo bà Huyên, thời điểm này cần phải thực hiện nhiều giải pháp cấp thiết cụ thể, thiết thực.
Một là phải thực thi nghiêm các quy định pháp luật về công tác phòng chống tảo hôn. Qua đó xử lý nghiêm trường hợp vi phạm pháp luật về hôn nhân, gia đình và xem là biện pháp quan trọng làm giảm bớt nạn tảo hôn hiện nay.
Hai là, thực hiện ngay việc thi đua, khen thưởng đối với cán bộ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở làng bản, xã giảm thiểu các cặp đôi tảo hôn.
Ba là, cần đảm bảo chi phí hỗ trợ cho các hoạt động tư vấn, trợ giúp pháp lý tại cộng đồng và lưu động tại thôn bản cho cả các bậc cha mẹ đang có con trong độ tuổi vị thành niên, học sinh. Từ đây, tổ chức các câu lạc bộ thi đua giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong thanh niên, phụ nữ, các trường học trên địa bàn bằng các hoạt động ngoại khóa, các tổ nhóm giao lưu văn hóa, tại trường học và hoạt động hòa giải tại cộng đồng.
Cuối cùng là mỗi thành viên tham gia phải cam kết không tảo hôn và đây là biện pháp hữu hiệu nhất để “chặt đứt” nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Chủ tịch UBND huyện Mường Lát Nguyễn Văn Bình cho biết: “Trên địa bàn toàn huyện có 38 bản người H'Mông, tập trung chủ yếu ở các xã Pù Nhi, Trung Lý, Mường Lý, Tam Chung. Chúng tôi đã thực hiện các chương trình kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi từ đó đã giảm thiểu tảo hôn trong đồng bào H'Mông và đời sống người dân được nâng lên.
Tuy nhiên, theo ông Bình, để chặn hoàn toàn tảo hôn, huyện đang thực hiện thêm các giải pháp căn cơ nâng cao hiệu quả tuyên truyền, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về dân số lấy giáo dục, y tế làm căn bản hướng đến trẻ em nghèo, tạo ra nhiều việc làm, sinh kế cho người dân”.
Tôi rời Mường Lát trong hành trình đi tìm lời giải vì sao những trẻ em gái tuổi 14-15 đã “vùi” cuộc đời thanh xuân bên dòng sông Mã. Những câu chuyện ở nơi này đã khiến tôi day dứt, ám ảnh bởi những câu hỏi bao giờ vùng biên này thoát khỏi nạn tảo hôn để biết bao nước mắt, nỗi đau ấy sẽ được khép lại.