“Đêm trường” tảo hôn ở Mường Lát - Bài 1

Người mẹ 19 tuổi liệt nửa người sau 2 lần sinh nở

LTS: Những bé gái chưa qua hết thời thiếu nữ đã phải làm vợ, làm mẹ. Những bữa cơm hiếm hoi mới có thịt cá. Đàn trẻ thơ không có khai sinh. Phía trước họ là một tương lai tối tăm. Các cấp chính quyền huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa đang thực hiện các giải pháp căn cơ nhằm giải thoát những bé gái nơi này khỏi nạn tảo hôn.

Ngày ngày Giàng Thị Lan lên rẫy kiếm bắp ngô, hạt lúa để chăm chồng, nuôi con. Cuộc đời người mẹ trẻ ở bản Suối Lóng, xã Tam Chung (huyện Mường Lát) này chìm nghỉm trong đói nghèo, bệnh tật, chưa thấy tương lai…

Ở vùng đất này, bao đời nay tảo hôn, tảo hôn cận huyết thống đã để lại nhiều hệ lụy, khiến những đứa trẻ còi cọc, nghèo đói, lạc hậu, không tuổi thơ, bị cưỡng đoạt học tập.

Cuộc đời tàn lụi trong những căn nhà không ô cửa sổ

Khi những giọt nắng cuối trời rơi qua miền biên viễn huyện Mường Lát cũng là lúc nhiều đứa trẻ tiếp tục bữa cơm với rau cải rừng chấm muối sống qua ngày, chờ thu hoạch cây xoan.

Mị trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ có một ô cửa sổ nhỏ để nhìn và hy vọng vào tương lai, nhưng ở đây nhiều phận người ngày đêm lầm lũi trong ngôi nhà không có cửa sổ. Họ chỉ biết ngày ngày lên nương mưu sinh nuôi chồng, chăm con.

Phó Chủ tịch UBND xã Tam Trung (huyện Mường Lát) Ly Sa đưa tôi đến ngôi nhà chông chênh bên sườn núi của Giàng Thị Lan. Ngổn ngang trong nhà là những củ sắn còn nguyên mùi đất mới mà chồng Lan lấy về để ăn độn thêm. Bởi theo Lan, gia đình có chín người, trong khi đất canh tác quá ít vì đã trồng xoan rồi, dù được Nhà nước cấp gạo nhưng cũng không đủ ăn.

Lan bồng con với gương mặt tiều tụy, vàng vọt, đôi mắt u sầu. Nhìn về khoảng không vô định trong chiều lạnh vùng biên, Lan kể về cuộc đời mình trong ngôi nhà không ô cửa sổ, chật chội đông người ấy.

14 tuổi, không học hành, không hôn lễ, không nhẫn cưới, Lan bắt đầu cuộc sống vợ chồng sau một lần gặp gỡ “người ta”. Từ đó, cuộc sống của Lan là chuỗi ngày lên nương, làm rẫy quần quật không kể ngày đêm nhưng cái đói, cái nghèo đeo đẳng, bám riết, trong khi còn phải nuôi chồng ăn học với hy vọng chồng học xong có một công việc tốt hơn.

Năm lớp 11, chồng Lan bỏ học về nhà, Lan vụt tắt hy vọng về ngày mai. Thêm vào đó, Lan bị liệt nửa người sau lần sinh đứa con thứ hai do cơ thể chưa hoàn thiện, cộng với lao lực thường xuyên.

Đêm, gió mùa đông bắc tràn về, từ ngôi nhà Lan sinh sống chỉ còn ánh đèn leo lét chập chờn như chính cuộc đời của Lan. Lặng lẽ kéo chăn đắp cho chồng, con đang co quắp ngủ rồi một mình ngồi trong bóng tối, muốn đốt lửa để xua tan cái lạnh nhưng Lan sợ mọi người tỉnh giấc. Và cứ thế, bóng tối và giá lạnh đã theo Lan suốt năm năm ròng nơi đại ngàn thâm sơn cùng cốc này.

“Mỗi đêm như vậy, em chỉ nghĩ là ngày mai kiếm gì để ăn và tự hỏi tương lai là gì?” - Lan kể.

Tảo hôn ở vùng biên Mường Lát (Thanh Hóa) khiến cho nhiều thế hệ ở nơi này rơi vào cảnh đói nghèo, túng quẫn. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Luẩn quẩn đói nghèo

Đến ngôi nhà của chàng trai trẻ Hầu Văn Hạnh (20 tuổi) ở sườn núi bản Pom Khuông, hai con của Hạnh lem luốc, không quần áo đang lăn lê dưới nền đất giữa căn nhà không có đồ đạc gì giá trị ngoài vài cái nồi chỏng chơ.

Hạnh đi từ sáng sớm, còn người vợ cũng lên nương… Trưa, chúng tôi trở lại thì vợ chồng Hạnh đang chuẩn bị ăn cơm. Mâm cơm chỉ có một bát rau cải, nước canh và một bát muối ớt để chấm. Hạnh bảo mua một chai nước mắm thì bằng hai ngày ăn gạo nhưng cũng không có tiền mua vì chẳng làm gì ra tiền.

Nhà nghèo, Hạnh học chưa hết lớp 1 thì nghỉ. Giờ đây Hạnh không biết chữ, không viết nổi tên của mình. Biết là đói khổ nhưng cũng chẳng thể thay đổi, vì xin đi làm ở đâu người ta cũng từ chối. “Có lúc ân hận vì bỏ học, giờ nghèo đói cũng đành chịu thôi” - Hạnh rớt nước mắt kể.

Mai Thị Xinh (19 tuổi) là vợ Hạnh từ lúc 14 tuổi kể rằng: “Sống với anh Hạnh có cơm ngon, rau ngọt và cũng đỡ hơn trước. Nhưng mùa đông thì lạnh lắm vì nhà chỉ có mỗi cái chăn, bốn vách gió lùa lạnh buốt nên có hôm phải đốt lửa để ngủ cho đỡ rét. Sợ nhất khi trời mưa, nước lớn chảy qua nhà như muốn cuốn trôi tất cả”.

Giàng Thị Lan (19 tuổi) ở bản Suối Lóng (xã Tam Chung, huyện Mường Lát) trở nên tiều tụy sau hai lần sinh nở, lao lực kiếm miếng ăn mỗi ngày.
Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Những đứa con không khai sinh

Ông Sùng A Phàng, Trưởng bản Suối Lóng, kể về trường hợp gia đình Lâu Thị Xúa và Sùng A Chầu đều sinh năm 2003 nhưng “cưới” nhau từ năm năm trước, giờ có thêm hai đứa con nhỏ, đói nghèo quanh năm. “Chúng lập gia đình ở tuổi còn nhỏ quá, lo cho bản thân còn chưa được, nói gì chăm lo cho con cái. Quanh năm chạy gạo, bữa đói, bữa no thì còn nghèo mãi” - ông thở dài nói.

Còn bà Ly Sa nói rằng đa số những đứa trẻ kết hôn chưa đủ tuổi muốn tách hộ để được hưởng chính sách an sinh xã hội, trong khi đó nhiều đứa trẻ cũng không được khai sinh, hoặc cha mẹ cũng chưa nhận thức được việc đi khai sinh cho con.

Những năm gần đây, UBND xã cử cán bộ xuống tận nơi vận động các gia đình đi khai sinh cho các cháu nhỏ nhưng cũng có nhiều gia đình ỷ lại mà nại nhiều lý do, cuối cùng thì xã phải đến tận nhà để khai sinh cho các cháu nhỏ. Còn những trường hợp cha mẹ đủ tuổi thì động viên làm giấy đăng ký kết hôn. Chưa kể có nhiều trường hợp các cặp đôi không biết chữ, các em phải lăn tay vào bản đăng ký kết hôn để hạn chế trường hợp ly hôn chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ, hoặc khi bị phản bội thì các em có thể tìm đến cái chết.

Bài 2: Ép con lấy chồng cận huyết


Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm