Chảo lửa Syria trở nên nóng hơn bao giờ hết khi phương Tây đang gấp rút bàn chuyện đánh vào và quân đội nước này chuẩn bị tấn công tổng lực vào tỉnh Idlib - cứ điểm cuối cùng của phe nổi dậy, đặt dấu chấm hết cho cuộc nội chiến đã kéo dài bảy năm.
Lần tấn công thứ ba sẽ có thêm nước Đức?
Wall Street Journal (WSJ) dẫn lời cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton ngày 10-9 cho biết: Mỹ đang bàn với Pháp và Anh, hai đối tác cùng nã hơn 100 tên lửa vào Syria tháng 4-2018, lên kế hoạch phối hợp tấn công quân sự Syria nếu chính phủ nước này sử dụng vũ khí hóa học trong khi đánh tỉnh Idlib. Trong một cuộc gặp riêng gần đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng tuyên bố sẽ lệnh thực hiện tấn công quân sự quy mô lớn vào Syria nếu Tổng thống Syria Bashar al-Assad gây thảm sát ở tỉnh Idlib, WSJ dẫn nguồn tin có mặt trong cuộc gặp này cho biết.
Anh và Pháp đã phát tín hiệu về khả năng này. Tại Anh, Bộ trưởng về Trung Đông Alistair Burt ngày 10-9 tuyên bố trước Quốc hội Anh: “Cùng với Mỹ và Pháp, chúng tôi sẽ phản ứng nhanh chóng và thích hợp nếu chính phủ ông Assad tiếp tục lặp lại việc sử dụng vũ khí hóa học”. Bộ Ngoại giao Pháp cũng cảnh cáo sẽ tấn công nếu chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học: “Pháp sẽ tiếp tục thực thi lằn ranh đỏ đối với việc sử dụng vũ khí hóa học và sẽ sẵn sàng hành động nếu vũ khí này được sử dụng”.
Ngoài ba nước Mỹ, Anh, Pháp, Reuters dẫn thông tin từ người phát ngôn chính phủ Đức Steffen Seibert ngày 10-9 cho biết nước này cũng đang bàn với đồng minh Mỹ và châu Âu khả năng triển khai quân sự ở Syria nếu chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học ở tỉnh Idlib. Trước đó, báo Bild (Đức) cho biết Bộ Quốc phòng Đức đang cân nhắc khả năng tham gia vào liên minh Mỹ-Anh-Pháp có hành động quân sự với Syria.
Theo lời cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Bolton ngày 10-9, cuộc tấn công lần này sẽ mạnh hơn rất nhiều so với hai lần nã tên lửa vào Syria tháng 4-2017 và tháng 4-2018. Ông Bolton bác bỏ các cáo buộc từ phía Nga rằng Mỹ và các đồng minh đang phối hợp với các lực lượng chống đối ở Syria thực hiện tấn công hóa học nhằm tạo cớ đánh vào Syria. Trong khi đó, nhiều quan chức Mỹ dẫn thông tin tình báo nói ông Assad đã bật đèn xanh cho quân đội sử dụng khí chlorine trong lúc đánh Idlib nếu cần thiết. Syria trước sau vẫn bác bỏ mình sử dụng vũ khí hóa học.
Fars News Agency (Iran) ngày 10-9 cho biết Mỹ đang có các bước đi củng cố sức mạnh ở căn cứ al-Susah, phía Đông tỉnh Deir ez-Zor (Syria) do Các lực lượng dân chủ Syria (SDF) kiểm soát. Mỹ cũng triển khai một đoàn 100 xe tải chở thiết bị quân sự từ Iraq về các khu vực không xác định ở Syria cũng do SDF kiểm soát. Sputnik (Nga) đưa tin Mỹ cũng đang tăng cường sức mạnh ở căn cứ al-Tanf (Đông Nam Syria). Trang tin Task & Purpose (Mỹ) cho biết Mỹ đã gửi 100 lính thủy đánh bộ đến căn cứ này, tổ chức tập trận bắn đạn thật mà theo CNN là nhằm dằn mặt Nga vốn có ý định đánh các nhóm nổi dậy gần căn cứ al-Tanf. Theo truyền thông thì Mỹ sẽ sử dụng sức mạnh này để bảo vệ mình và đồng minh khi cần thiết.
Người dân Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ xuống đường phản đối quân chính phủ Syria đánh vào tỉnh Idlib. Ảnh: AFP
Tay súng nổi dậy tại tỉnh Idlib, Syria. Ảnh: AFP
Điểm nóng Idlib
Tỉnh Idlib có thể nói đang là điểm nóng nhất Syria và thu hút sự chú ý của rất nhiều nước liên quan cuộc nội chiến. Tái chiếm tỉnh Idlib và các vùng phụ cận ở Tây Bắc Syria từ phe nổi dậy, chấm dứt cuộc nội chiến bảy năm đang là mục tiêu hàng đầu của chính phủ ông Assad.
Theo WSJ, dù khẩn trương bàn kế hoạch phối hợp đánh Syria nhưng Mỹ và các đồng minh vẫn đang nỗ lực hết mức ngăn quân chính phủ Syria tấn công vào tỉnh Idlib, nơi có khoảng 70.000 tay súng nổi dậy cũng như các nhóm phiến quân khác và hơn 3 triệu dân thường.
Gặp ba bên tại Tehran (Iran) ngày 7-9, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã nỗ lực cứu phe nổi dậy Syria nhưng không thể thuyết phục được Tổng thống Iran Hassan Rouhani và Tổng thống Nga Vladimir Putin chịu can thiệp để ông Assad đừng đánh vào tỉnh Idlib. Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh phe nổi dậy thì Nga và Iran là đồng minh của chính phủ Syria.
Lý lẽ của ông Putin là ở Idlib, ngoài phe nổi dậy còn có các phần tử khủng bố thuộc Mặt trận Nusra và IS, không nằm trong khuôn khổ đàm phán hòa bình. Có thể thấy rõ quan điểm của Nga trong việc nước này đưa một đội tàu chiến đến Địa Trung Hải gần đây. Trong khi đó, ông Rouhani cho rằng đánh vào Idlib là điều không thể tránh được để có được hòa bình cuối cùng và bền vững cho Syria.
Có thể thấy khả năng chính phủ Syria từ bỏ tấn công tỉnh Idlib là không khi hiện quân đội Syria đã tập trung quân về xung quanh địa phương này, sẵn sàng triển khai chiến dịch. Những ngày này quân đội Syria liên tục thả truyền đơn kêu gọi phe nổi dậy đầu hàng. Hình ảnh chia sẻ trên các trang mạng xã hội cho thấy từng đoàn xe bọc thép và xe tải quân sự của quân đội Syria tiến về các khu vực tiền tuyến ở tỉnh Idlib. Theo các nhóm quan sát xung đột Syria, những ngày gần đây Nga đã thực hiện hơn 70 trận không kích nhắm vào tỉnh Idlib, trong khi quân Syria thả hàng chục quả bom chùm xuống đây.
Dù thế, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar ngày 10-9 vẫn tiếp tục kêu gọi chấm dứt các cuộc tấn công trên không và trên bộ nhắm vào tỉnh Idlib, thiết lập lệnh ngừng bắn ở khu vực này.
Nguy cơ thảm họa nhân đạo lớn nhất thế kỷ 21
Ngày 10-9, trong một bài viết trên WSJ, Tổng thống Erdogan cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã làm hết sức ngăn chặn đổ máu ở nước láng giềng Syria, giờ ông kêu gọi cộng đồng quốc tế, đặc biệt Nga, Iran, Mỹ, chung tay ngăn chặn ông Assad gây thảm họa ở tỉnh Idlib. Một khi chính phủ Syria đánh vào Idlib, không chỉ Thổ Nhĩ Kỳ mà cả châu Âu và xa hơn nữa phải gánh các rủi ro nhân đạo và an ninh.
Thổ Nhĩ Kỳ đã phải nhận 3,5 triệu người tị nạn từ Syria chạy sang trong mấy năm nay, nhiều hơn bất kỳ nước nào trên thế giới. Mới nhất, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ không nhận thêm bất kỳ người dân tỉnh Idlib chạy vào nước mình.
Không chỉ Thổ Nhĩ Kỳ mà cả Liên Hiệp Quốc (LHQ), Mỹ và nhiều tổ chức nhân đạo đều lên tiếng cảnh báo: Nếu quân chính phủ Syria tấn công tỉnh Idlib, sẽ có một thảm họa nhân đạo lớn xảy ra.
Với biên giới Thổ Nhĩ Kỳ ở phía Bắc, vốn đã đe dọa sẽ đóng cửa không đón người Syria chạy sang, rất nhiều người dân tỉnh Idlib sẽ không biết chạy đi đâu. LHQ đã yêu cầu các bên mở một hành lang nhân đạo để sơ tán dân thường nhưng chưa biết kết quả thế nào.
Theo số liệu từ Văn phòng Điều phối nhân đạo LHQ (OCHA) ngày 10-9, đã có hơn 30.000 người rời bỏ nhà cửa ở Tây Bắc Syria và có thể con số này sẽ lên đến 800.000 người nếu quân chính phủ Syria đánh vào tỉnh Idlib. Giám đốc OCHA, ông Mark Lowcock, cảnh báo trận đánh này có nguy cơ gây ra thảm họa nhân đạo kinh khủng nhất thế kỷ 21.
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc họp khẩn về Idlib Giữa lúc số phận tỉnh Idlib chưa biết ra sao thì các nỗ lực ngoại giao vẫn rất khẩn trương. Ngày 11-9 (giờ Mỹ), Hội đồng Bảo an LHQ họp khẩn về tình hình tỉnh Idlib. Cùng ngày, đặc phái viên LHQ về Syria, ông Staffan de Mistura, gặp các thành viên trong liên quân quốc tế Mỹ dẫn đầu nhằm tìm hướng giải quyết hòa bình cho Syria. Ngày trước đó, ông Mistura cũng đã đối thoại với các đại diện của Iran, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ tìm hướng ra cho Syria.
Tại Geneva (Thụy Sĩ), các quan chức LHQ cho biết đang vận động thành lập một ủy ban hiến pháp mở đường cho một chính phủ chuyển tiếp Syria. Tuy nhiên, theo WSJ, hướng đi này sẽ phải phụ thuộc vào kết quả số phận phe nổi dậy ở tỉnh Idlib sắp tới. |