Ngày 7-9, tại thủ đô Tehran (Iran) diễn ra cuộc gặp ba bên giữa Tổng thống Iran Hassan Rouhani, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, bàn cách chấm dứt bạo lực ở Syria.
Nga và Iran là đồng minh của chính phủ Syria, trong khi đó Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh phe nổi dậy. Trước khi cuộc gặp diễn ra, nhiều nhà quan sát nhận định cuộc gặp mang tính quyết định đến số phận tỉnh Idlib, cứ điểm cuối cùng của phe nổi dậy, và chính phủ Syria đang chuẩn bị tấn công tổng lực vào.
Từ trái sang: Tổng thống Iran Hassan Rouhani, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp nhau tại Tehran, Iran ngày 7-9. Ảnh: REUTERS
Tại cuộc gặp ở Tehran, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã nỗ lực cứu phe nổi dậy Syria nhưng không thành. Ông Erdogan đã kêu gọi một lệnh ngừng bắn ở Idlib, cho rằng cuộc tấn công của chính phủ Syria sẽ gây ra một trận thảm sát và thảm họa nhân đạo lớn.
Tuy nhiên, Tổng thống Nga Putin không đồng ý với lý lẽ ở Iblib, ngoài phe nổi dậy còn có các phần tử khủng bố Mặt trận Nusra và IS - không nằm trong khuôn khổ đàm phán hòa bình. Cũng theo ông Putin, phe nổi dậy đang chuẩn bị có hành động khiêu khích, kể cả sử dụng vũ khí hóa học.
Tổng thống Iran Rouhani cũng ủng hộ đánh vào Idlib, rằng đây là điều không thể tránh được để có được hòa bình bền vững cho Syria. Ông Rouhani khăng khăng chính phủ Syria nhất thiết phải tái lập kiểm soát trên toàn bộ lãnh thổ, rằng cuộc chiến ở Syria sẽ tiếp tục đến khi nào phe nổi dậy đầu hàng hoàn toàn.
Tổng thống Nga Putin cho biết ông đồng ý với hai người đồng cấp Iran và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cùng phối hợp giải quyết vấn đề nhân đạo ở Syria.
Xe quân sự Mỹ ở TP Manbji, Syria. Ảnh: REUTERS
Bên cạnh số phận phe nổi dậy ở tỉnh Idlib, vai trò của Mỹ ở Syria cũng là một chủ đề được bàn đến trong cuộc gặp.
Tổng thống Iran Rouhani kêu gọi chấm dứt ngay lập tức sự hiện diện của Mỹ và Israel trên lãnh thổ Syria.
“Sự hiện diện bất hợp pháp của Mỹ ở Syria - vốn chỉ làm tình hình thêm leo thang - phải được chấm dứt ngay lập tức” - ông Rouhani nói với hai người đồng cấp Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tại cuộc gặp.
Phần mình, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cho rằng việc Mỹ vũ trang lực lượng dân quân người Kurd ở Bắc Syria là nguồn cơn chính gây bất ổn và là đe dọa lớn với an ninh quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ.