Mỹ đề nghị mình và Iran cùng rút quân, Syria thẳng thừng bác

Syria vừa mới bác một đề nghị từ phía Mỹ rằng mình sẽ rút lực lượng khỏi căn cứ Al Tanf ở tỉnh Homs và ở vùng đông sông Euphrates (Syria), để đổi lại ba nhượng bộ từ chính phủ ông Assad, trong đó có điều kiện Iran rút khỏi Syria, báo Al Akhbar (Lebanon) đưa tin ngày 28-8.

Mỹ đề nghị mình và Iran cùng rút quân khỏi Syria

Theo Al Akhbar thì một máy bay riêng của Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) chở một nhóm “vài quan chức từ các cơ quan tình báo và an ninh Mỹ” hạ cánh xuống sân bay quốc tế Damascus hồi cuối tháng 6. Nhóm quan chức này sau đó lên một đoàn xe hướng về trung tâm Damascus gặp lãnh đạo Văn phòng An ninh Quốc gia Syria – Thiếu Tướng Ali Mamlouk.

Cuộc gặp kéo dài 4 tiếng. Hai bên bàn về nhiều khía cạnh của cuộc chiến bảy năm ở Syria trước khi phía Mỹ đưa ra đề nghị: Rút quân khỏi căn cứ Al Tanf và đông sông Euphrates đổi lấy ba điều kiện - Iran rút hoàn toàn khỏi Syria, chia sẻ chiến lợi phẩm dầu với Syria, hợp tác về tình báo khủng bố.

Lính thủy đánh bộ Mỹ trong một đợt huấn luyện ở Syria ngày 23-7. Ảnh: US AIR FORCE

Lính thủy đánh bộ Mỹ trong một đợt huấn luyện ở Syria ngày 23-7. Ảnh: US AIR FORCE

“Tôi xác nhận thông tin phần lớn đáng tin” - cựu đại sứ Anh tại Syria Peter Ford nói với Sputnik về thông tin trên Al Akhbar.

“Một số nguồn tin công khai đã nói về chuyện này từ tháng 6, rằng Mỹ đã đề nghị rút quân ở căn cứ Al Tanf trong một thỏa thuận với các điều kiện từ đó có thể thấy Mỹ ngầm đồng ý với chiến dịch tái chiếm phía nam của chính phủ Syria. Cũng theo các nguồn tin này trong số các điều kiện có chuyện Iran rút khỏi miền nam” – ông Ford nói với Sputnik.

Lực lượng Iran ở miền nam Syria, gần cao nguyên Golan là nỗi đau đầu của Israel – đồng minh của Mỹ.

Syria nói gì?

Al Akhbar cho biết ông Mamlouk đã trả lời phía Mỹ từng đề nghị một. Về chuyện Iran rút khỏi Syria, ông Mamlouk nhấn mạnh theo quan điểm chủ quyền của Syria thì Mỹ là một “lực lượng xâm lược”. Trong khi đó, không như Mỹ, Iran được chính phủ Syria mời đến giúp bình định cuộc nội chiến.

“Quý vị dùng sức mạnh để vào lãnh thổ chúng tôi khi không được phép và quý vị cũng có thể ra đi theo cách đó. Syria không phải là một đất nước đứng riêng biệt mà là một phần của một trục rộng lớn” – ông Mamlouk nói, nhấn mạnh liên minh giữa Tổng thống nước này Bashar al-Assad với Iran và Hezbollah.

Cuối tuần rồi Bộ trưởng Quốc phòng Iran Amar Hatami dẫn đầu một phái đoàn quân sự cấp cao sang thăm Iran và ký một thỏa thuận quân sự quan trọng. Theo thỏa thuận này, các cố vấn quân sự Iran sẽ tiếp tục ở lại Syria trong thời gian tới.

Tổng Tham mưu trưởng quân đội Iran Mohammad Bagheri (trái, nhìn ống nhòm) và các quan chức cấp cao quân đội Iran trong chuyến thăm tỉnh Allepo (Syria) tháng 10-2017. Ảnh: AP

Tổng Tham mưu trưởng quân đội Iran Mohammad Bagheri (trái, nhìn ống nhòm) và các quan chức cấp cao quân đội Iran trong chuyến thăm tỉnh Allepo (Syria) tháng 10-2017. Ảnh: AP

Al Akhbar ngày 28-8 cũng đưa tin nhóm vũ trang Hezbollah (Lebanon) đã nhận một yêu cầu chính thức từ chính phủ Syria tiếp tục ở lại nước này sau khi quân chính phủ tái chiếm được tỉnh Idlib từ phe nổi dậy, giúp cho công tác tái thiết. Hezbollah bị phương Tây xem là cánh tay của Iran.

Về chia sẻ dầu, ông Mamlouk nói Mỹ cứ xếp hàng chờ đi.

“Các công ty Mỹ có thể tiến vào lĩnh vực năng lượng của Syria thông qua các công ty phương Tây hay Nga” - ông Mamlouk nói, thêm rằng Syria không hứng thú làm ăn với các nước muốn lật đổ chính phủ mình.

Về chia sẻ tình báo khủng bố, ông Mamlouk nói Syria có một “cấu trúc thông tin khổng lồ” về khủng bố nhưng chuyện công khai lại “liên quan đến sự tiến triển trong quan điểm chính trị của quý vị về Syria”. Ông Mamlouk cũng cho biết Syria có chia sẻ các thông tin này với UAE và Jordan.

Thế của Mỹ tại Syria ngày càng yếu

Theo cựu đại sứ Anh tại Syria Ford đề nghị rút quân khỏi căn cứ Al Tanf “cho thấy điểm yếu của Mỹ ở Syria”.

“Hồi tháng 6, phía Mỹ biết họ không thể ngăn chặn chiến dịch tái chiếm phía nam của chính phủ Syria. Họ có thể làm gì, vô cớ không kích Syria để rồi chấp nhận rủi ro xung đột với Nga và nguy cơ Israel bị Iran trả đũa?” – ông Ford nói rằng “vì thế ý tưởng tìm kiếm một thỏa thuận với Syria ra đời”, vì dù sao Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng không thể cho thấy sự yếu ớt.

“Không may cho phía Mỹ, phía Syria rõ ràng không đánh giá cao căn cứ Al Tanf. Có thể nói Al Tanf đối với Mỹ giống như một của nợ hơn là một tài sản, với hàng ngàn người tị nạn sống trong điều kiện tệ hại xen lẫn giữa hàng trăm phần tử nổi dậy. Tại sao Syria phải trả giá để đỡ gánh nặng cho Mỹ?” - ông Ford đặt câu hỏi.

“Sự bác bỏ của Syria cho thấy nước này có sự đánh giá khôn ngoan về các lựa chọn hạn chế của Mỹ. Điều này cũng phản ánh quan điểm chiến lược của Syria với Iran” - ông Ford nhận định.

Lính Mỹ tại trụ sở lực lượng các tay súng người Kurd ở TP Malikiya, tỉnh Al-Hasakah (Syria) năm 2017. Ảnh: REUTERS

Lính Mỹ tại trụ sở lực lượng các tay súng người Kurd ở TP Malikiya, tỉnh  Al-Hasakah (Syria) năm 2017. Ảnh: REUTERS

Về điều kiện thứ hai và thứ ba – muốn Syria chia sẻ dầu và thông tin tình báo khủng bố, ông Ford nói Mỹ muốn hai điều này có thể xoa dịu bớt sự thất thế của Mỹ ở nam Syria.

Theo ông Ford, việc muốn Syria nhượng bộ về dầu rõ ràng không liên quan đến lời Mỹ nói trước kia rằng đến Syria chỉ để đánh IS và bảo vệ nhân quyền.

Thực ra Mỹ có các dự án dầu ở Syria - ở phần đất Syria tại cao nguyên Golan nơi Israel đang kiểm soát. Ban cố vấn công ty năng lượng Genie Energy Ltd. đang có dự án ở đây gồm có cựu Phó Tổng thống Mỹ Dick Cheney, tài phiệt truyền thông Mỹ Rupert Murdoch, cựu Giám đốc CIA James Woolsey, cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Bill Richardson, nhà đầu tư người Anh Jacob Rothschild.

“Nhìn xa hơn, điều rút ra từ vụ thương lượng thất bại này là phía Mỹ không nghi ngờ gì một lúc nào đó sẽ còn trở lại với một đề nghị tương tự, mà lần này có thể là phía đông bắc. Dù thế trong lần tới họ cũng ở thế yếu hơn, vì vị thế của họ ở khu vực không bền vững về dài hạn khi đối tác của họ - lực lượng tay súng người Kurd đang thương lượng với chính phủ Syria” – ông Ford dự đoán.

“Với chiến thắng trong tầm mắt, Syria sẽ chỉ quan tâm đến thỏa thuận nếu Mỹ không chỉ nhượng bộ rút quân mà cả các con bài vũ khí hóa học, tái thiết, trừng phạt, hòa đàm Geneva và khả năng cả chuyện chủ quyền cao nguyên Golan. Mà điều này không có khả năng xảy ra” – theo ông Ford.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm