Tại hội nghị thượng đỉnh ba bên ở Tehran hôm 7-9, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran không đi đến một thỏa thuận rõ ràng về số phận của tỉnh Idlib, thành trì cuối cùng còn nằm trong tay nhóm nổi dậy ở Syria, khi đề xuất ngừng bắn của Ankara bị Moscow thẳng thừng bác bỏ.
Trong bối cảnh quân đội Syria dưới sự hậu thuẫn của Nga đang tận dụng đà chiến thắng tập hợp lực lượng quanh Idlib nhằm giải phóng hoàn toàn thành trì này khỏi tay quân nổi dậy, có khả năng xảy ra ba kịch bản ở Idlib: Một cuộc tấn công khốc liệt, một trận chiến dai dẳng hoặc trận đánh giáp lá cà giữa các phe nổi dậy theo sau một thỏa thuận hòa giải với chính phủ Damascus. Dù xảy ra kịch bản nào thì người dân vô tội hiện bị mắc kẹt ở tỉnh Idlib mới phải trả giá cao nhất.
Các thế lực ở Idlib
Theo bình luận viên Mariya Petkova và Farah Najjar của Al Jazeera, có năm thế lực lớn nhiều khả năng sẽ định đoạt tương lai của Idlib, gồm quân đội chính phủ Syria cùng hai đồng minh Nga và Iran, cũng như Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ.
Lực lượng lớn nhất trên bộ là quân đội của Tổng thống Bashar al-Assad, người luôn thể hiện mong muốn giành lại "từng tấc đất" của Syria thông qua giải pháp quân sự. Mục tiêu của chính phủ Assad là giành lại toàn bộ chủ quyền lãnh thổ hợp pháp và không phải nhượng bộ trước phe nổi dậy.
Bằng chiến dịch tấn công giải phóng Idlib, quân đội Syria sẽ đẩy phe nổi dậy vào tình thế không chốn dung thân và sẽ không còn bất cứ vai trò nào trong các tiến trình đàm phán hòa bình tương lai.
Lực lượng Mỹ tại Syria. Ảnh: REUTERS
Về ngắn hạn, chiến dịch giải phóng Idlib còn giúp quân đội Syria giành lại hai tuyến cao tốc huyết mạch, gồm tuyến M4 nối TP cảng Latakia với Aleppo, Raqqa và khu vực nhiều dầu mỏ Deir Ez-zor, cùng tuyến M5 nối thủ đô Damascus với Aleppo, từ đó khơi thông dòng chảy thương mại với Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu.
Iran không có lợi ích chiến lược trực tiếp ở Idlib, nhất là khi khu vực này không có người Hồi giáo dòng Shiite bị vây hãm. Tuy nhiên, Tehran có chung mục tiêu với Damascus trong việc loại bỏ phe nổi dậy bằng chiến dịch quân sự, cũng như mong muốn củng cố sự hiện diện quân sự lâu dài tại quốc gia này bất chấp sức ép từ Mỹ, Israel và Nga đòi nước này rút quân.
Trong khi đó, đồng minh quan trọng của Syria là Nga thì lại muốn một giải pháp nhanh chóng và hòa bình hơn để thu hồi tỉnh Idlib, đó là thuyết phục phe nổi dậy đầu hàng và trở thành một sư đoàn mới thuộc quân đội Syria, thay vì một cuộc chiến hao người tốn của kéo dài.
Chỗ trú ẩn tạm thời dưới một đường hầm bí mật ở Idlib. Ảnh: REUTERS
Moscow hy vọng việc giải giáp vũ khí của phe nổi dậy sẽ buộc Thổ Nhĩ Kỳ, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ chấp nhận một giải pháp chính trị có lợi cho Damascus và Moscow, đồng thời tạo thêm động lực cho họ trong các cuộc đàm phán về chấm dứt lệnh trừng phạt của phương Tây.
Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia bảo trợ cho nhiều nhóm nổi dậy ở Idlib, lại muốn ngăn chặn một chiến dịch quân sự ở đây và duy trì phần nào ảnh hưởng của họ đối với khu vực. Ankara lo sợ một cuộc tấn công tổng lực của quân đội Syria vào Idlib sẽ đẩy hàng triệu người tị nạn và phiến quân vào lãnh thổ nước này.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan từng lên kế hoạch thuyết phục nhóm phiến quân Hayat Tahrir al-Sham (HTS) thân al-Qaeda giải tán để Syria và Nga không còn cớ tấn công Idlib. HTS đang kiểm soát 60% diện tích Idlib và bị Mỹ, Nga, Liên Hiệp Quốc coi là tổ chức khủng bố. Tuy nhiên, nỗ lực này của Ankara dường như không thành công, khi lãnh đạo HTS tuyên bố sẽ tử thủ đến cùng.
Một phi công Nga trên chiếc tiêm kích Su-25M tại một căn cứ ở Syria. Ảnh: FT
Mỹ, quốc gia từng hỗ trợ và cung cấp vũ khí cho nhiều nhóm nổi dậy, lại không có nhiều lợi ích chiến lược ở Idlib, khi phần lớn những tay súng nổi dậy "ôn hòa" được Mỹ hậu thuẫn đã gia nhập các nhóm phiến quân Hồi giáo. Bản thân Washington cũng muốn diệt trừ HTS và đã nhiều lần thực hiện các vụ tấn công bằng tên lửa phóng từ máy bay không người lái nhắm vào các thủ lĩnh nhóm này.
Tuy nhiên, Mỹ không muốn đánh mất ảnh hưởng trên chiến trường Syria. Tổng thống Mỹ Donald Trump từng cảnh báo Syria, Nga và Iran không được "liều lĩnh tấn công Idlib" và đe dọa sẽ có biện pháp quân sự nếu phát hiện quân đội Syria sử dụng vũ khí hóa học tại đây.
Washington muốn cạnh tranh ảnh hưởng với Moscow trong tiến trình chính trị tương lai ở Syria, đồng thời không muốn Tehran hiện diện quân sự lâu dài ở quốc gia này. Tổng thống Trump từng ngỏ ý muốn rút lực lượng quân sự khỏi Syria nhưng gần đây đổi ý và khẳng định quân đội Mỹ sẽ đóng quân vô thời hạn ở nước này.
Hậu quả nếu tấn công tổng lực Idlib
Tỉnh Idlib là nơi có hơn 3 triệu người đang sinh sống trong khu vực có diện tích 1.437 km2. Với sự bế tắc của hội nghị ba bên tại Tehran, nhiều khả năng quân đội Syria dưới sự yểm trợ của không quân Nga sẽ mở chiến dịch quân sự tấn công Idlib trong thời gian tới. Và nếu trận chiến này diễn ra, điều khiến các chuyên gia lo lắng là một cuộc tấn công tổng lực có thể gây ra thiệt hại nặng nề cho dân thường ở khu vực này, theo Al Jazeera.
Lo ngại xảy ra tấn công hóa học, người dân Idlib đã bắt đầu có biện pháp phòng ngừa. Ảnh: REUTERS
Tổng thống Erdogan từng cảnh báo về cuộc “tắm máu”, trong khi đặc sứ của Liên Hiệp Quốc về Syria Staffan de Mistura nói rằng Idlib sẽ là “trận bão hoàn hảo” nếu không tránh khỏi một cuộc tấn công tổng lực.
"Ở Idlib, một viên đạn bắn ra có thể giết chết hai người. Một chiến dịch quân sự cũng có thể gây ra làn sóng di cư khổng lồ" - Marwan Kabalan, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách Arab, nói.
Fadel Abdulghani, người sáng lập Mạng lưới Nhân quyền Syria, dự đoán khoảng 1 triệu người sẽ đổ về biên giới Thổ Nhĩ Kỳ khi chiến dịch tấn công bắt đầu.
Mỹ thời gian gần đây liên tục cảnh báo sẽ tấn công chính phủ Syria nếu phát hiện dấu hiệu sử dụng vũ khí hóa học ở Idlib, thậm chí đang họp bàn với Anh, Pháp về kế hoạch quân sự có thể áp dụng ở Syria.
Chuyên gia Kabalan cùng một số chuyên gia phương Tây cho rằng quân đội Syria có thể sử dụng vũ khí hóa học bởi đây là "cách duy nhất để đánh bại quân nổi dậy ẩn nấp trong mạng lưới đường hầm" vốn được xây dựng chằng chịt ở Idlib trong nhiều năm qua. Trong khi đó, các quan chức Nga lo ngại phiến quân và phe nổi dậy có thể dựng lên màn kịch tấn công bằng vũ khí hóa học để đổ tội cho quân chính phủ, tạo cớ cho Mỹ can thiệp quân sự nhằm cứu vãn tình thế.