Trong cuộc đời làm báo của mình, tôi có may mắn rất nhiều lần được trò chuyện, phỏng vấn ông Đỗ Mười khi ông trên cương vị chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (sau là Thủ tướng Chính phủ), đặc biệt là khi ông trên cương vị tổng bí thư.
Trước truyền thông
Với cánh báo chí, ông là người thẳng thắn, bộc trực, dễ gần và thân thiện. Ông rất ít khi từ chối trả lời phỏng vấn hoặc trò chuyện với các nhà báo. Giọng sang sảng, đầy nhiệt tình, ông nói say sưa, hùng biện, không triết lý nhiều, rất dễ hiểu, những dẫn chứng đưa ra rất cụ thể và dí dỏm. Ông có cách nói chuyện rất ấn tượng, thường vung tay hoặc đập nhẹ vào người đối thoại một cách chân tình. Điều thú vị là khi gặp những câu hỏi hóc búa, ông thường làm người nghe ngạc nhiên vì đôi khi không trả lời thẳng vào câu hỏi mà đưa ra một câu chuyện nhẹ nhàng, thuyết phục người nghe.
Tôi còn nhớ năm 1992, ông Đỗ Mười vừa đảm nhiệm cương vị tổng bí thư được một năm (ông được bầu làm tổng bí thư năm 1991, tại Đại hội Đảng VII). Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 10 Quốc hội (QH) khóa VIII, khi trả lời PV Bangkok Post về việc tại sao Việt Nam không chấp nhận tranh cử công khai, ông cười, nhìn nữ PV đặt câu hỏi rồi vung tay: “Thế là chị không theo dõi sát tình hình chính trị Việt Nam rồi. Tại kỳ họp thứ 3 của QH khóa VIII tháng 6 vừa qua, QH chúng tôi đã đưa hai ứng cử viên là tôi và đồng chí Võ Văn Kiệt ra để đại biểu đại diện cho dân bầu thủ tướng đấy”.
Nữ PV Bangkok Post hỏi tiếp: “Đảng Cộng sản Việt Nam tại sao không chấp nhận đa nguyên chính trị?”. Ông Đỗ Mười nhìn nữ PV rồi đùa: “Có chồng chưa?”. “Dạ chưa!” - cô PV trả lời. “Thôi, dành thời gian tìm ý trung nhân đi, đa nguyên làm gì!” - ông Đỗ Mười đáp. Cả một rừng PV cười vang. Nữ PV đi thẳng.
Cố Tổng Bí thư Đỗ Mười (bìa trái) trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí, bìa phải là tác giả Lê Thọ Bình. Ảnh: LĐS
“Vết sẹo hòa giải”
Một trong những cuộc gặp ấn tượng nhất với tôi đó là khi Tổng Bí thư Đỗ Mười tiếp phái đoàn QH Mỹ (năm 1992). Ấn tượng bởi cái cách ông Đỗ Mười xử lý tình huống độc đáo và bất ngờ. Phái đoàn QH Mỹ hôm ấy do hạ nghị sĩ bang Florida Peterson dẫn đầu (sau này ông Perteson trở thành đại sứ Mỹ tại Việt Nam).
Sau khi trò chuyện với các thành viên trong đoàn, ông Đỗ Mười quay lại phía hạ nghị sĩ Peterson cười vui vẻ: “Tôi được biết ngài đã là khách của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ lâu rồi”.
Ông Peterson trả lời: “Vâng, thưa ngài Tổng Bí thư”. Ông Đỗ Mười hỏi tiếp: “Khi bị giam ở nhà giam Hỏa Lò, ngài được cư xử như thế nào?”. Ông Peterson ngập ngừng một lúc rồi nói: “Ơn Chúa, tôi vẫn sống!”. Ông Đỗ Mười lại vui vẻ cười: “Thì đương nhiên rồi. Vì thế hôm nay ngài mới ngồi ở đây. Ý tôi muốn hỏi là cách đối xử của chúng tôi với người Mỹ bị giam giữ như thế nào cơ”.
Nói rồi, ông Đỗ Mười vén tay áo lên, vỗ nhè nhẹ vào vết sẹo ở cánh tay: “Bị thực dân Pháp tra tấn trong trại giam Hỏa Lò đấy!”. Ngừng một lát, bất ngờ ông Đỗ Mười hỏi: “Thế ngài có vết sẹo nào không?”. Ông Peterson nói rằng ông có một vết sẹo trên lưng do khi máy bay rơi ông bị thương, rồi bị bắt. Ông Đỗ Mười bảo: “Cho chúng tôi xem vết sẹo của ngài đi!”. Ông Peterson lúng túng: “Tại đây và ngay bây giờ ư?”. “Ngay bây giờ và tại đây” - ông Đỗ Mười nói. Ông Peterson đành phải đứng dậy cởi áo khoác, tháo cà vạt và vén áo sơmi lên.
Ông Đỗ Mười đứng lên, đi lại xem vết sẹo trên lưng ông Peterson. Khi quay lại ghế ngồi của mình, ông nói: “Tôi vẫn muốn hỏi lại ngài câu hỏi đó”. Ông Peterson trả lời: “Thưa ngài Tổng Bí thư, trong thời gian chiến tranh, cả hai bên chúng ta gây ra nhiều điều cho nhau. Tôi muốn đề nghị với ngài chúng ta bỏ qua quá khứ, hướng tới tương lai”. Nghe tới đó, ông Đỗ Mười đứng dậy, bước nhanh tới chỗ Peterson và bắt tay ông trước khi nói: “Tôi hoàn toàn đồng ý với ngài”.
Vết sẹo mà ông Đỗ Mười vén tay áo cho những người Mỹ xem là hậu quả của những lần thực dân Pháp tra tấn ông trong những ngày ông bị chúng giam cầm tại nhà tù Hỏa Lò.
Sống thanh liêm, giản dị
Là người từng nắm những cương vị quan trọng nhất của đất nước nhưng cuộc sống riêng của ông Đỗ Mười lại rất giản dị.
Ông Nguyễn Thọ Chân, cựu bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH (chú họ ông Đỗ Mười), kể lại rằng khi ông đang là ủy viên Trung ương Đảng, bộ trưởng, đi công tác nước ngoài về, được xếp cho ở nhà khách số 7 Nguyễn Cảnh Chân. Khi ấy ông Đỗ Mười đang là bộ trưởng Bộ Xây dựng. Ông Chân đến đề nghị cháu mình - Bộ trưởng Đỗ Mười bố trí nhà riêng cho ông.
“Cứ nghĩ tiêu chuẩn bộ trưởng là phải có nhà riêng. Ai ngờ anh Đỗ Mười bảo tôi: “Chú cứ ở đấy đi, nhà khách cũng là nhà. Cháu xếp nhà cho chú, người ta bảo vì quan hệ chú cháu”. Nghe anh nói như vậy, tôi đành ở nhà khách suốt 20 năm. Anh lo cho người khác được nhưng không giúp chú mình. Không phải với tôi đâu. Nhà anh ấy cũng rất đơn sơ, sống giản dị, quần áo, đồ đạc xuềnh xoàng” - ông Chân kể.
Còn GS Phạm Thành, cựu giám đốc NXB Sự thật (nay là NXB Chính trị-Sự thật), người sau khi nghỉ hưu đã được ông Đỗ Mười (lúc này là tổng bí thư nhiệm kỳ 2 - NV) mời ra giúp việc cho mình, kể: Nhà ông Đỗ Mười ở phố Phạm Đình Hổ, không phải là một biệt thự lớn, nguy nga, tráng lệ mà là một ngôi nhà cổ kính, đơn sơ cả bên ngoài và bên trong.
“Lần đầu tiên tôi tới nhà ông. Tôi được đưa vào ngồi chờ ông Đỗ Mười trên một ghế mây. Trước mặt tôi là một bàn thờ như vẫn có ở bao nhà khác với tấm ảnh chân dung chị Tạ Thị Thanh, vợ ông lúc đó vừa qua đời. Một lúc sau, tôi được đưa vào phòng khách. Nói là phòng khách thì không hoàn toàn đúng. Bởi vì ở đây ông Đỗ Mười vừa làm việc vừa tiếp khách và có lẽ vừa nằm nghỉ nữa. Bởi vì bên cạnh bàn làm việc, tôi thấy có kê một chiếc giường con vừa một người nằm. Trên bàn làm việc để mấy chồng sách và chồng tài liệu khá cao. Tiếp nối bàn làm việc là bàn tiếp khách dài với hai dãy ghế ở hai bên. Kề ngay phòng làm việc hay phòng khách kiêm phòng ngủ là phòng ăn của gia đình.
Có lần ông Đỗ Mười còn dẫn tôi đi xem thư viện của ông. Đấy là một căn phòng rộng như phòng khách, có bố trí rất nhiều kệ sách với đủ loại sách tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Trung Quốc, tiếng Nga. Rõ ràng đấy là một thư viện tuy chật hẹp nhưng chẳng khác gì của một cơ quan nhỏ. Có lẽ các phòng ở tầng trên là nơi ở của gia đình thì cũng giản dị và đơn sơ chứ không có gì đặc biệt” - GS Phạm Thành kể.
Cựu Tổng Bí thư Đỗ Mười từ trần Theo tin từ Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, ông Đỗ Mười, cựu Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, sau một thời gian lâm bệnh nặng, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ trong và ngoài nước tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc nhưng do tuổi cao sức yếu, ông đã từ trần hồi 23 giờ 12 phút ngày 1-10, tại BV Trung ương Quân đội 108. Thông tin về lễ tang ông Đỗ Mười sẽ được thông báo sau. Ông Đỗ Mười sinh ngày 2-2-1917, tại xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội. Ông đã được trao tặng huy hiệu 80 năm tuổi Đảng. (Theo TTXVN) Nhà lãnh đạo gần dân, coi trọng dân Bà Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch QH, có lần kể lại câu chuyện cảm động về cựu Tổng Bí thư Đỗ Mười: “Khi tôi làm bí thư Tỉnh ủy Sơn La, có lần bác Mười lên tỉnh, bác yêu cầu đưa bác lên nương tận mắt xem bà con sản xuất. Chúng tôi đã mời bác đi thăm. Trông thấy bác, bà con reo lên: “Bác ơi, bác đã lên nương, bác đã là người dân của bản rồi”. Bà con xúm quanh bác chuyện trò vui vẻ, có một chị mạnh dạn nói: “Hôm nay bác đến thăm bà con, không có gì tặng bác, chúng cháu hái rau bí gọi là có món quà quê tặng bác”. Nói rồi chị em chuyển tận tay Tổng Bí thư những mớ rau bí xanh ngon. Bác tươi cười dặn dò: “Các cô, các chú xen canh gối vụ thế này là rất tốt, không lo dân đói nhưng phải chú ý bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước nhé”. Khi về đến cơ quan, bác nói: “Cô Phóng cho chế biến món đặc sản rau bí bà con mới tặng tôi sáng nay nhé”. Chúng tôi và anh em cơ quan đã làm món rau bí xào tỏi để đãi bác và khách Trung ương”. Cựu Tổng Bí thư Đỗ Mười là vậy! Ông không chỉ là nhà lãnh đạo xuất sắc, nhà cách mạng kiên trung mà còn là người gần dân, thương dân, khẳng khái, thân thiện và dễ gần. |