Hôm qua (16-10), Paul Allen, đồng sáng lập Microsoft, cũng chính là bạn thân của tỉ phú Bill Gates, đã qua đời vì căn bệnh ung thư. Nhiều người nói đến Microsoft sẽ gọi ngay tên Bill Gates, trong khi Paul Allen chỉ trở nên nổi tiếng khi ông cho ra mắt quyển hồi ký Idea man (tạm dịch: Người phát kiến) vào năm 2011.
Sự “ăn ý” giữa hai nhà tỉ phú
Gates và Allen gặp nhau lần đầu ở trường Lakeside School khi Allen 14 tuổi và Gates 12 tuổi. Làm bạn nhiều năm, cả hai sáng lập ra Microsoft vào năm 1975. Allen đảm nhiệm vị trí phó giám đốc bộ phận nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới. Đến năm 1983, ông nghỉ việc vì vấn đề sức khỏe. Dù vậy Allen vẫn là cổ đông lớn và là thành viên của hội đồng quản trị.
Trong quyển hồi ký của mình, Allen nói rằng Gates là một người có phẩm chất đặc biệt - một người thông minh, có khả năng cạnh tranh và kiên nhẫn. Sau khi làm bạn với Gates vài năm, Allen viết cho bạn mình rằng ông ấy sẵn sàng lắng nghe và luôn trong tâm thế (cùng với Gates) bắt lấy bất kỳ cơ hội nào để có được niềm vui bằng nhiều cách lạ lùng. “Chúng ta rất hợp với nhau” - Allen nói với Gates.
Allen cũng kể: “Tôi nhớ vào khoảng năm 1974, tôi và Gates đã thảo luận với nhau rằng nếu chúng tôi thật sự thành công, chúng tôi có thể mở một công ty với khả năng phát triển với khoảng 35 nhân viên”. Và Microsoft ngày nay có đến 90.000 nhân viên - vượt rất xa so với ước mơ ban đầu của hai nhà tỉ phú. Năm 1981, Bill Gates và Paul Allen đã thành công rực rỡ khi IBM sử dụng hệ điều hành 16 bit MS-DOS 1.0 của Microsoft cho loại máy tính cá nhân mới của hãng. Tuy nhiên, sự bùng nổ của Microsoft lại diễn ra sau giai đoạn Allen rời khỏi vị trí điều hành tập đoàn này - tức vào năm 1983, khi Microsoft mới có khoảng 500 nhân viên. Điều đó khiến hình ảnh của Allen, vốn từng được mệnh danh là một người tiên phong trong lĩnh vực công nghệ, đã trở nên mờ nhạt.
Tuy nhiên, quyển hồi ký Người phát kiến đã tiết lộ thêm nhiều tình tiết về mối quan hệ khắng khít của Allen và Gates nói riêng cũng như con đường của Microsoft nói chung. Theo đó, những ngày tháng đầu tiên của Microsoft được xây dựng bởi tầm nhìn và ý tưởng của Allen, trong khi Gates chính là người biến những ý tưởng ấy thành hiện thực. Chính Allen, không phải Gates, mới là người nghĩ đến việc khai sinh ra một thế giới có nền công nghệ máy tính giá rẻ và nhà nhà có thể sử dụng. Gates đã nghiên cứu ý tưởng này cho đến khi đủ điều kiện hiện thực hóa. Chính Allen, không phải Gates, là người tạo ra phần mềm Softcard - phần mềm ứng dụng đầu tiên cho máy tính Apple vào năm 1980. Và cũng chính Allen, không phải Gates, đã nhắm đến lợi ích chung khi đặt tên cho công ty là Microsoft chứ không phải là Allen & Gates như đề xuất trước đây, vốn giống tên một công ty luật.
Nói về mối quan hệ với Gates, Allen mô tả bản thân là người đưa ra những phát kiến to lớn và không ai khác, chính Gates là người biến ý tưởng đó thành hiện thực. “Trong suốt tám năm đầu tiên sau khi thành lập, các ý tưởng của tôi chính là chìa khóa của công ty. Gates sẽ kiểm tra các ý tưởng đó” - Allen viết. Ông kể bản thân đã cung cấp hàng chục ý tưởng cho Gates - người có thể tỉnh táo kiểm tra tính khả thi và sau đó hiện thực hóa, tổ chức nhân sự, tiếp thị và bán ra thị trường. “Gates hào hứng hơn với các công việc kinh doanh, vì thế chúng tôi rất có khả năng bổ khuyết cho nhau” - Allen viết trong Người phát kiến.
Paul Allen. Ảnh: GETTY
Paul Allen (trái) và Bill Gates vào năm 1982. Ảnh: SHUTTERSTOCK
Tình bạn qua thăng trầm
Khi được đặt vấn đề liệu có phải Allen thông qua quyển hồi ký muốn tạo ra “di sản” mà ông đã đánh mất khi thế giới gần như lãng quên vai trò của ông tại Microsoft, Allen trả lời: “Tôi không thấy mất mát điều gì. Tôi chỉ thấy điều quan trọng là phải kể ra câu chuyện từ góc độ của tôi một cách chính xác nhất có thể. Chúng tôi có hàng trăm giờ phỏng vấn với những người liên quan và chúng tôi có tất cả tài liệu. Không ai mâu thuẫn về bất kỳ điều gì ghi lại trong quyển sách. Đó chính là sự thật”.
Quyển hồi ký của Allen khiến nhiều người nhìn nhận rõ hơn quá trình hợp tác giữa Allen và Gates. Cả hai từng mâu thuẫn về việc thuê hay không thuê Steve Ballmer (từng là giám đốc điều hành của Microsoft), một người bạn của Bill Gates, từ ĐH Harvard về làm mảng bán hàng và tiếp thị. Allen đã phải miễn cưỡng đồng ý để Gates thuê Ballmer với điều kiện Ballmer sẽ nắm giữ không quá 5% cổ phần. Nhưng sau lưng Allen, Gates vẫn để Ballmer sở hữu 8,75%.
Ngoài ra, Allen kể trong hồi ký việc ăn chia cổ phần tại Microsoft giữa hai nhà sáng lập. Giai đoạn đầu, mức cổ phần Allen hưởng là 40% trong khi Gates nhận 60%; nhưng vào khoảng năm 1982, Gates đã thỏa thuận lại hợp đồng đối tác với Allen để yêu cầu sở hữu 64% cổ phần Microsoft - đây chính là giai đoạn Allen phát hiện mình bị ung thư và bước vào giai đoạn hóa trị. Allen kể rằng ông còn phát hiện Gates thảo luận với Ballmer tìm cách thu hẹp cổ phần của Allen trong tập đoàn, phàn nàn Allen làm việc không năng suất. Điều đó khiến Allen quyết tâm rời bỏ Microsoft.
Một số nhà phê bình quyển sách của Allen cho rằng ông ấy viết sách bằng sự cay cú với người bạn thân. Thế nhưng Allen khẳng định: “Tôi không nghĩ rằng quyển hồi ký có bất kỳ chút cay cú nào. Tôi nghĩ quyển sách kể lại thẳng thắn những gì đã xảy ra và cố chuyển tải đến người đọc những cảm giác chân thật của những người trong cuộc”. Điều quan trọng mà Allen nhấn mạnh chính là cảm giác thất vọng về “sự lãng mạn bất thành” trong tình bạn giữa ông và Gates đã phai dần. “Sau vài năm thì tất cả đã trôi qua, Gates và tôi luôn luôn là bạn của nhau, thậm chí qua bao giai đoạn thăng trầm” - Allen từng nói trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg.
Tỉ phú Bill Gates sau đó cũng nói rằng đối với những gì đã xảy ra trong quá khứ giữa ông và Allen, mỗi người có một cách nhìn nhận khác nhau nhưng Gates khẳng định vẫn tôn trọng tình bạn vốn có với Allen và trân trọng những gì Allen đã đóng góp cho Microsoft. Theo lời kể của Allen khi còn đang chữa bệnh, “Gates đến thăm tôi nhiều lần khi tôi trong giai đoạn nghỉ ngơi sau hóa trị. Tôi rất biết ơn vì điều ấy”.
Chuyện gì xảy ra với quyển hồi ký? Allen thừa nhận: “Tôi nghĩ Gates sẽ ngạc nhiên về quyển hồi ký của tôi. Và ông ấy sẽ muốn thảo luận sòng phẳng về quyển sách đó”. Có người hỏi Allen liệu ông và Gates sẽ giải quyết “chuyện cũ” ở đâu, Allen hóm hỉnh nói: “Có thể Gates sẽ đến nhà tôi. Hoặc có thể tại một nơi công cộng nào đó không quá gây ồn ào. Nhưng làm ơn, đừng đến văn phòng luật sư!”.
Thực tế hai nhà tỉ phú đã không nói nhiều về những câu chuyện quá khứ. Dù quyển sách của Allen gây ra tranh cãi nhưng Allen cũng khắc họa chân dung Gates như một nhà lãnh đạo hết sức tận tụy với nhân viên trong cuốn hồi ký của mình. Còn Gates khi nhận tin bạn mình mất đã nói: “Tôi rất đau lòng vì sự ra đi đột ngột của người bạn lâu năm và thân thiết nhất của tôi”.
Họ đã nói Paul Allen có những đóng góp sống còn với Microsoft nói riêng và cả ngành máy tính nói chung. Là người đồng sáng lập Microsoft một cách kiên trì và thầm lặng, ông tạo ra các sản phẩm, trải nghiệm và thể chế tuyệt vời. Khi làm những điều đó, ông đã thay đổi thế giới. Giám đốc điều hành Microsoft SATYA NADELLA Chúng ta mất đi một người tiên phong vĩ đại trong lĩnh vực công nghệ. Cám ơn Paul Allen vì tất cả đóng góp to lớn đối với thế giới qua sự nghiệp và những công việc thiện nguyện của mình. Giám đốc điều hành Google SUNDAR PICHAI Ngành công nghiệp của chúng ta vừa mất một người tiên phong và thế giới chúng ta vừa mất đi một người mang lại sự tốt đẹp cho người khác. Chúng tôi gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đến bạn bè, gia đình của Allen và mọi người tại Microsoft. Giám đốc điều hành Apple TIM COOK Allen là một nhà lãnh đạo vĩ đại về công nghệ và là một người đàn ông hài hòa, luôn tận hưởng cuộc sống và sự giàu có một cách hết mình, đồng thời cũng tạo ra cho thế giới những điều tốt đẹp như vậy. Giám đốc điều hành Salesforce MARC BENIOFF |