Những ngày Tết cổ truyền của Việt Nam (VN) tại Bentiu, Nam Sudan thuộc châu Phi xa xôi chưa bình ên vì tiếng súng, các y, bác sĩ của bệnh viện (BV) dã chiến, trái tim dù nôn nao hướng về quê nhà nhưng vẫn không quên nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe theo điều động của phái bộ Liên Hiệp Quốc tại Nam Sudan.
Áo dài thiên thanh dưới tiết trời 20°C
Trải qua ba năm dài huấn luyện tại VN, BV dã chiến cấp 2 số 1 với 63 y, bác sĩ đã lên đường thực hiện nhiệm vụ tại Nam Sudan từ tháng 10-2018. Lần đầu tiên VN cử lực lượng quân y làm nhiệm vụ tình nguyện của Liên Hiệp Quốc, đây vừa là trách nhiệm nhưng cũng là vinh dự của VN. Trong dịp Tết vừa qua, có 13 người trong số 63 y, bác sĩ tình nguyện ở phái bộ Nam Sudan được phép trở về nhà đón Tết cùng gia đình, số còn lại phải túc trực tại Nam Sudan tiếp tục công việc.
Chỉ biết mình được duyệt phép cho về nhà sát giờ lên máy bay, dược sĩ Quản Văn Chi (sinh năm 1978, trước đây công tác tại BV Quân y 175) cho hay rất hồi hộp khi đến sân bay Doha (Ấn Độ) để quá cảnh trở về nước và chứng kiến sự háo hức về quê ăn Tết cổ truyền của mọi người.
Trước khi về nước, anh Chi chia sẻ đã kịp tham gia buổi tiệc tất niên chia tay do BV tổ chức với sự tham gia giao lưu của đại diện các đơn vị công tác tại phái bộ Nam Sudan, trong đó có đơn vị của Mông Cổ, cùng đón Tết vào thời điểm như VN.
Không khí về đêm xuống dưới 20oC nhưng buổi tiệc càng lúc càng ấm cúng khi tất cả cùng quây quần bên nồi bánh chưng xanh đỏ lửa bập bùng.
Tại buổi tiệc tất niên, mọi người đều rất bất ngờ với các tiết mục múa hát trong bộ áo dài thiên thanh in hình ảnh hoa sen tươi thắm gợi nhớ quê nhà của 10 chị em phụ nữ. “Dù điều kiện làm việc vất vả, các chị em vẫn cố gắng tập luyện để đêm tiệc tất niên thêm nhiều màu sắc” - anh Chi chia sẻ.
Anh Chi kể VN và Nam Sudan chênh lệch múi giờ bốn tiếng đồng hồ, khí hậu khắc nghiệt nên khi mới qua công tác, hầu hết anh chị em đều mệt mỏi nhưng đã cố gắng thích nghi nhanh chóng. “Nhiệt độ ban ngày có thể lên đến gần 50oC nhưng ban đêm xuống dưới 20oC, độ ẩm chỉ
30%-35% nên hầu hết da đều khô, nứt nẻ nên mọi người phải tìm đủ phương pháp bảo vệ da tay chân. Mùa khô bên đó kéo dài 8-9 tháng nên nước nôi phải dùng rất tiết kiệm mới đủ. Mới qua không biết nên anh chị em xài hơi nhiều” - anh Chi vui vẻ kể.
Ngoài ra, mỗi người chỉ được cho 2 Gb Internet nên xài rất tiết kiệm và chỉ gọi về nhà khi cần thiết, ai có việc cần thiết hơn thì mua thêm cục phát sóng WiFi.
Do BV đóng tại vùng giao tranh, tập trung dân tị nạn nên việc tìm mua những vật dụng cần thiết cũng hết sức khó khăn. Có những món ăn ở VN khá phổ biến nhưng bên Nam Sudan lại khá xa xỉ như thịt heo và do thiếu gia vị quê nhà nên các món ăn cũng có vị khá lạ.
Chính vì thế, trong hành lý quay trở lại Nam Sudan sau Tết, hành trang anh Chi mang theo không chỉ là mì tôm mà còn thêm bánh mứt đặc trưng ở VN để chia sẻ hương vị Tết quê nhà với các anh chị em chưa được về quê dịp này.
10 chị em phụ nữ trong bộ áo dài xanh biểu diễn các tiết mục đặc sắc phục vụ không khí Tết tại Nam Sudan. Ảnh: TL
“Nội, ngoại yên tâm, con vẫn ấm lòng”
Năm đầu tiên ăn Tết xa chồng và con trai, chị Bùi Thị Xoa, điều dưỡng BV dã chiến (trước đây công tác tại khoa Ngoại BV Quân y 7B (Quân khu 7)), chia sẻ Tết về nỗi nhớ nhà càng da diết hơn. “Dù ăn Tết ở nơi xa Tổ quốc nhưng chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm và giúp đỡ của Cục Gìn giữ hòa bình VN. Các anh chị đã mang lá dong, nếp, thịt ba chỉ, đậu xanh sang bên đây để gói bánh chưng nên BV dã chiến thấy ấm lòng hơn” - chị Xoa tâm sự.
Dầu vậy, chị Xoa vẫn thèm những món dưa hành, giò lụa, giò thủ mà ở Bentiu điều kiện nghèo nàn không thể làm được. Năm mới đến, chị Xoa mong ước: “Sang năm mới, chỉ mong luôn có một sức khỏe tốt để có những ngày tháng công tác tốt, hoàn thành nhiệm vụ một năm tại đây và mong gia đình hai bên nội, ngoại luôn yên tâm, con sẽ công tác tốt, bình an trở về”.
Trong khi đó, hai cha con anh Khuất Bình Thu, chồng Thiếu tá Bùi Thị Xoa, không khỏi cảm thấy trống vắng khi nhà cửa, mâm cúng bàn thờ gia tiên không có bàn tay chị Xoa, người phụ nữ duy nhất trong nhà. Trong đêm giao thừa, anh Thu đã chụp ảnh bàn thờ gia tiên chia sẻ với vợ. Trước đó, anh cũng không bỏ lỡ theo dõi cuộc sống của vợ cùng các đồng nghiệp qua cầu truyền hình và phim tư liệu về không khí đón Tết của BV dã chiến được phát vào đêm 30 Tết. “Tôi vẫn thường động viên vợ gia đình sẽ luôn là hậu phương vững chắc, vợ cứ yên tâm công tác tốt” - anh Thu bày tỏ.
“Hello, Việt Nam!”
“Không có hoa mai, hoa đào, đơn vị đã đi chặt cành khô và gắn hoa giấy lên, dưới ánh đèn nhấp nháy đem lại không khí Tết. Toàn bộ bánh chưng được làm ra từ bàn tay khéo léo của các y, bác sĩ BV dã chiến” - Thiếu tá Nguyễn Thành Công, Giám đốc chuyên môn BV dã chiến cấp 2 số 1 VN, chia sẻ.
Theo Thiếu tá Công, ngày nghỉ Tết cổ truyền, BV đã xin phái bộ cho các anh chị em nghỉ một, hai ngày Tết, chỉ nhận ca trực cấp cứu để đón một cái Tết thật sự.
Trải qua hơn ba tháng công tác tại Nam Sudan, BV dã chiến cấp 2 số 1 đã khám chữa bệnh cho hơn 400 lượt bệnh nhân ngoại trú, hơn 20 bệnh nhân nội trú, thực hiện hơn 10 ca phẫu thuật khó, một số ca sốt rét nặng, phức tạp.
Đơn vị đã được chỉ huy y tế phái bộ đặc biệt khen ngợi. Sắp tới, BV dã chiến cấp 2 số 1 sẽ tổ chức các đợt huấn luyện phối hợp, chia sẻ kinh nghiệm giữa các BV và nhân viên y tế ở Bentiu, Nam Sudan.
Dù chức năng của BV không có quy định điều trị cho người dân nhưng dưới sự chỉ đạo của chỉ huy y tế phái bộ, BV đã nhận và điều trị vài ca. Người dân ở Bentiu giờ đây mỗi khi bắt gặp màu quân phục của BV dã chiến đều đáp lại rất tình cảm bằng câu chào “hello, VN”.