Sau hơn 30 năm kể từ sự kiện Gạc Ma, có một người phụ nữ ngược xuôi trên những chuyến xe, tìm về quê hương của 64 chiến sĩ đã hy sinh để tìm lại kỷ vật của các anh.
Tháng 3- 1988, Việt Nam đưa tàu ra xây dựng cụm đảo chìm Gạc Ma - Cô Lin - Len Đao trong bối cảnh Trung Quốc liên tục chiếm đóng trái phép các bãi đá thuộc chủ quyền của nước ta tại Quần đảo Trường Sa.
Rạng sáng 14- 3- 1988, khi bộ đội Việt Nam đang chuyển vật liệu lên bãi Gạc Ma thì Trung Quốc đưa tàu chiến đến cướp cờ, giết hại chiến sĩ. Tàu HQ-604 và HQ-605 bị bắn chìm. 64 chiến sĩ hy sinh, 9 người bị bắt.
Tàu HQ 505 bị bắn cháy đã lao hết tốc lực lên bãi, trở thành cột mốc sống bảo vệ chủ quyền Cô Lin. Việt Nam giữ được Cô Lin, Len Đao. Còn Gạc Ma bị Trung Quốc chiếm trái phép từ đó.
Hơn 30 năm sau, trong căn nhà nhỏ của mình ở TP. HCM, chị Trần Thị Lan (nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu lập hồ sơ xếp hạng di tích, Trung tâm Bảo tồn di tích TP) lần giở từng trang trong tập hồ sơ về 64 chiến sĩ, kể cho tôi nghe về những kỉ niệm trong hành trình đi tìm lại kỷ vật của các anh.
Trải lòng về cơ duyên đến với hành trình đi tìm kỷ vật của 64 liệt sĩ hy sinh trong trận Gạc Ma, chị Lan chỉ cười hiền: “Có lẽ là mình có duyên với các anh”.
Đó là vào năm 2016, chị vô tình biết được một người bạn của mình đang thực hiện dự án xây dựng Khu tưởng niệm 64 chiến sĩ Gạc Ma tại Khánh Hòa. Người bạn này ngỏ ý muốn chị cùng tham gia, đi tìm lại kỷ vật của các anh để đưa về trưng bày ở khu tưởng niệm. Vốn là cán bộ của Trung tâm, lại có “máu” sưu tầm các kỷ vật, chị nhận lời.
Chị tìm tất cả những bài báo, tư liệu, hình ảnh về 64 liệt sĩ để có thêm thông tin rồi liên lạc với nhiều nguồn, lên kế hoạch để bắt đầu hành trình tìm kiếm. Trong tận sâu tâm khảm của mình, chị Lan không chỉ muốn tìm kiếm lại kỷ vật của các anh, mang ra trưng bày để nhiều người biết đến. Điều chị mong mỏi nhất là với hành trình trở về này, có thể chia sẻ và xoa dịu đi những mất mát của họ.
Lúc mới bắt đầu, chị Lan vẫn còn làm việc ở Trung tâm nên chỉ có thể tranh thủ những ngày nghỉ, ngày lễ và cả kỳ nghỉ phép để đi tìm. Chị cứ xách balo đi bằng nhiều phương tiện, máy bay có, rồi lại nhảy xe đò, đi bộ để tìm đến nhà các anh. Mỗi lần đến một tỉnh, chị lại được các anh em trong Liên đoàn lao động các tỉnh giúp đỡ.
Chị tâm sự, phải di chuyển nhiều, lại mất nhiều thời gian thuyết phục gia đình để có được kỷ vật nhưng chưa bao giờ chị bỏ cuộc. Chính ý chí kiên định đó của chị đã lôi kéo được cả chồng cùng tham gia. “Anh nói càng đi mới thấy điều này thật sự có ý nghĩa khi có cơ hội hiểu và thấu cảm hết nỗi đau của gia đình các liệt sĩ, cảm nhận được giá trị của các kỷ vật nên muốn cùng tôi hoàn thành tâm nguyện này”, chị Lan kể.
Và trong gần ba năm tìm về 64 gia đình các anh, chị Lan hiểu những đớn đau mà người thân của các anh đã trải qua. Nén nhang mà chị thắp trên bàn thờ các anh càng khiến chị hiểu rõ hơn một điều: Vì sao trong suốt ngần ấy năm, nước mắt của sự mất mát vẫn chảy xuyên qua nhiều thế hệ: bố mẹ, vợ, con cháu của các anh. "Tôi cũng từng đi sưu tầm các hiện vật gắn với nhiều cột mốc lịch sử của đất nước, nhưng khi tìm về các hiện vật, kỷ vật của các anh chiến sĩ hy sinh trong trận Gạc Ma thì xúc động nhiều lắm. Cảm giác thật khó tả. Thời kỳ đất nước còn chiến tranh, bao nhiêu người đã ngã xuống rồi. Những tưởng khi đất nước đã giành được độc lập, mọi người được sống trong hòa bình thì sẽ không một ai phải hy sinh nữa. Nhưng không, máu của các anh lại đổ xuống, người dân mình lại chịu đựng nỗi đau mất người thân. Có ai ngờ các anh lại hy sinh khi đất nước đã hòa bình, xót xa thay!”, chị Lan xúc động kể.
Khi bắt tay vào làm việc này, chị Lan biết rõ việc chị làm sẽ vấp phải nhiều khó khăn, vì với gia đình các anh, đó là những kỷ vật cuối cùng để họ nhớ về con, về chồng, về cha. “Nhưng tôi khát khao là tất cả mọi người khi đến khu tưởng niệm sẽ biết đến câu chuyện đó, để thấm và để hiểu qua từng kỷ vật”, chị trải lòng.
Chị mất nhiều thời gian để có được chiếc radio catsett của liệt sĩ Trần Văn Chức vì gia đình không muốn, phải họp bàn nhiều lần rồi mới quyết định. Chị cũng chứng kiến giọt nước mắt của ông Vũ Văn Nghiệp, bố của liệt sĩ Vũ Văn Thắng khi đưa kỷ vật của con cho chị sau bao lần đắn đo; cả câu nói của vợ liệt sĩ Phan Huy Sơn mãi khiến chị thấy day dứt... Cũng có những chuyến đi, chị trở về tay không.
Chính những tình cảm, giọt nước mắt và hoàn cảnh gia đình của các chiến sĩ lại là động lực để chị ngày đêm hoàn thành hành trình tìm kiếm của mình; để làm sao nhanh chóng đưa các hiện vật vào khu trưng bày; để người thân của các anh tận mắt thấy những kỷ vật đó nằm trang trọng ở đó và được nhiều người biết đến.
Đến thời điểm này, chị Lan đã tìm và bàn giao 21 khoản, gồm 35 hiện vật trong đó có 12 hiện vật giấy ảnh, 63 tấm ảnh chân dung liệt sĩ cho ban quản lý Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma. Tất cả được trưng bày tại phòng trưng bày của khu tưởng niệm.
Trong suốt ba năm, cái ngày chị thấy hạnh phúc nhất chính là ngày gia đình của các anh đến tham quan khu tưởng niệm và nhìn thấy kỷ vật của các anh được trưng bày ở đó. “Chị Ninh, vợ liệt sĩ Sơn gọi điện và khóc òa trong điện thoại. Chị nói rằng đến đây rồi chị mới càng cảm nhận được ý nghĩa của những kỷ vật đó. Nhiều cô chú, anh chị là người thân của các anh cũng hay gọi điện báo với tôi rằng họ đang ở đó và muốn gửi lời cảm ơn đến tôi”, chị Lan xúc động.
Lời cảm ơn không phải là mục đích ban đầu của hành trình tìm kiếm mà chị Lan đặt ra nhưng lại giúp chị nhận rõ giá trị của hành trình của mình: Những chiếc áo, tấm ảnh, bằng tốt nghiệp... là những vật tưởng chừng như vô tri vô giác nhưng đằng sau nó là cả một kỷ niệm, chứa đựng tình cảm, sự hy sinh của các chiến sĩ và gia đình họ. Khi thật sự muốn lắng nghe thì sẽ hiểu được tiếng nói bên trong nó.
Hơn nữa, hành trình này giúp chị có thêm những gia đình mới. Họ coi chị như một người con, người em trong gia đình và luôn sẻ chia những niềm vui hay khó khăn trong cuộc sống. “Đó là điều mà tôi chưa bao giờ nghĩ tới”, chị Lan cười hiền.
Trong số kỷ vật mà chị Lan tìm kiếm, có những tấm ảnh của các anh đã mờ nét theo thời gian. Chị cất công đi xin lại từng tấm ảnh, tìm người để phục chế lại. Chị tìm được 63 di ảnh của các anh, duy nhất chưa thể tìm được di ảnh của một liệt sĩ.
Hỏi chị rằng, hành trình tìm kiếm giờ đã kết thúc, chị có mãn nguyện hay chưa? Chị bảo: “Điều ước duy nhất của tôi bây giờ là làm sao để tìm cho được tấm ảnh của liệt sĩ còn lại, đưa về khu trưng bày. Thêm nữa, tôi vẫn duy trì việc liên lạc với gia đình các anh, trong khả năng của mình nếu giúp dược gì cho các anh thì tôi cũng muốn làm. Vì hầu hết, hoàn cảnh gia đình các anh còn khó khăn”.