Ngày đầu tới lớp, có em liên tục cúi gằm mặt xuống đất, có em quay mặt vào tường nói chuyện một mình, có em không biết cầm đũa muỗng, có em nghe tiếng sấm sét là chui tọt vào góc cầu thang run rẩy…
“Trước tụi nhỏ đâu được như bây giờ đâu. Những hôm trời nắng gắt, tụi nó la hét uýnh lộn, mở cửa dí nhau chạy rần rần. Giờ ngoan hết rồi, tự lo được sinh hoạt cá nhân, biết đi chợ, nấu ăn, ra đường biết chào cô chú, ông bà, chào chị xinh đẹp… nhờ các cô giáo đó. Tụi nhỏ thương và nghe lời các cô giáo lắm”, chị Hồ Thị Nguyệt Ánh (51 tuổi) – hàng xóm ở đây kể lại.
Các cô giáo trong lời kể của của chị Ánh không phải là ai xa lạ bởi với các học viên tại cơ sở Bảo trợ xã hội Trái tim (4/17 Phạm Huy Thông, quận Gò Vấp), các cô Nguyễn Thị Thúy Hoa, cô Hồ Thị Kim Thoa và cô Nguyễn Thị Thanh Thủy như là những người mẹ thứ hai trong cuộc đời họ.
Hiện tại cơ sở Bảo trợ xã hội Trái tim là chốn đi về mỗi ngày có 18 học viên, mỗi người một cuộc đời bất hạnh, có người mắc bệnh Down, bạch tạng, bại não hoặc thiểu năng trí tuệ, hoàn cảnh gia đình khó khăn, mất bố mẹ, cha mẹ ly dị, họ được các cô nuôi dạy, chăm sóc, phục hồi… hoàn toàn miễn phí.
7 giờ sáng, những tia nắng của một ngày mới bắt đầu len lỏi qua những hàng cây, nắng tan mềm trên vai áo người đi đường. Trước cửa cơ sở Bảo trợ xã hội Trái tim, một chàng trai đội nón lưỡi trai tĩnh lặng trên ghế đá trước cửa cơ sở. Hỏi chuyện mới biết anh là Nguyễn Trương Quốc Khang, học viên nơi đây.
Năm nay Khang 29 tuổi. Nhà Khang cũng ở Gò Vấp, đi xe máy chừng 15 phút thì tới nơi. Sáng nay cũng như mọi ngày, ba chở Khang đi học, rồi mới đi làm. Ông chạy xe ôm, làm từ sáng sớm tới tối mịt mới về. Ba mẹ li dị ngày Khang còn nhỏ, bà nội đưa anh về nuôi. Khang kể chuyện, ba phải làm việc rất vất vả mới đủ tiền lo cho gia đình. “Mình học ở đây từ năm 2007. Ban đầu nhiều người cũng không biết. Mình chậm phát triển, khi quên khi nhớ. Các cô giáo ở đây tốt lắm. 8 giờ mới bắt đầu học, ba đưa mình đi học sớm để còn đi làm”, Khang nói ngắn gọn.
Thấy chúng tôi đứng trò chuyện, một người phụ nữ bước tới. Chị là Hồ Thị Nguyệt Ánh. Không chỉ là người dân sống lâu năm tại đây, mà có một khoảng thời gian trước đó, chị còn phụ các cô giáo chăm nom học viên. “Không kiên nhẫn, chịu khó thì không làm được đâu. Bao người tới rồi đi, chỉ có ba cô giáo vẫn còn trụ lại đó, làm lâu năm nhất là cô Hoa. Tụi nhỏ hồi đầu mới vào đâu ngoan như bây giờ”, chị cười, ánh mắt xa xăm như nhớ về khoảng thời gian rất nhiều năm về trước.
Câu chuyện chị nhớ nhất là vào một ngày Tết, Bình – bị thiểu năng và cũng là học viên lớn tuổi nhất của trung tâm đột nhiên mất tích. Đi từ chiều mà tối mịt vẫn chưa về. Gia đình cậu học viên tá hỏa đi tìm, lên cơ sở, hỏi những người hàng xóm xung quanh cũng không thấy. Không ai biết anh chàng đi đâu cho tới khi nhận được cuộc điện thoại của cô giáo.
Té ra, Bình bỏ nhà đi thăm cô Thoa. Nghỉ Tết tận hai tuần, nhớ cô giáo quá nên Bình đi tìm. Nhưng nhà cô ở Gò Vấp, mà chẳng hiểu sao Bình đi lạc tận Củ Chi, đi xa quá Bình quên luôn đường về nhà.
“Đến lúc đói, mệt, nó ngồi ngay cây xăng khóc. Người ta hỏi chuyện, nó nói ú ớ, chỉ nhớ mỗi số điện thoại cô giáo. Nhân viên ở đó bấm gọi báo cô giáo rồi cô báo cho người nhà mới biết tới đón về. Thương cô giáo lắm”, chị Ánh cười kể chuyện.
Cô giáo mà Bình đi tìm là cô Hồ Thị Kim Thoa. Mỗi lần nhắc lại câu chuyện này, cô Thoa vẫn còn bàng hoàng. Cô hỏi chuyện thì Bình bảo: “Bình cứ tới ngã 4, Bình rẽ trái, rồi lại rẽ phải, rồi quẹo… chỉ biết phải đi tìm thăm cô thôi”. Đâu ai ngờ, chàng trai ấy ngày xưa lúc mới vào lớp đã khóc nhè, đòi về nhà vì “Bình nhớ mẹ quá à”.
Sau Khang có hai học viên nữa tới sau đó. Tùng được một bác xe ôm chở tới, em bị tật ở chân và khó khăn trong việc nói chuyện. Tới nơi em ngồi im trên ghế đá, chúng tôi hỏi em có trả lời nhưng không rõ nghĩa.
“Còn kia là Tú mê gái, nhà ở quận 12”, chỉ sang cậu bạn ngồi cạnh, Khang giới thiệu. Tú chẳng phản ứng gì, sau khi uống xong ly cà phê và ăn sáng, anh lôi trong túi xách ra lon nước ngọt uống tiếp. Ăn uống xong, Tú lững thững đi đâu chẳng rõ, Khang cười bảo: “Kệ đi, lát về ấy mà. Tú thích đi chơi nhưng cũng thích đi học lắm.”
8 giờ kém 20, cô Thoa tới mở cửa. Vừa thấy cô giáo chạy xe tới, Tùng lê đôi chân tập tễnh tiến đến, gương mặt ánh lên nụ cười hiếm có, nụ cười duy nhất chúng tôi thấy suốt gần 30 phút trò chuyện, giọng nói bập bẹ: “Cô! Cô”. Còn Tú chạy vội tới giúp cô giáo dắt xe vào lớp học.
Tú 29 tuổi. Nhìn Tú hôm nay dạn dĩ, biết dắt xe máy vào lớp giúp cô giáo, không ai ngờ trước đó chàng trai này vốn rất sợ đám đông, sợ sấm sét và vô số những nỗi sợ không tên khác.
“Lúc mới vào đây, thấy khách đến, có đông người là Tú đi trốn. Để Tú quen dần, mỗi lần đi chợ, các cô thường đưa Tú đi cùng. Những ngày đầu, các cô giống như phải cặp nách Tú đi. Em run lắm, bấu chặt, về tới nhà tay các cô bầm tím dấu ngón tay. Tú còn sợ sấm sét. Mỗi lần, trời chuyển mưa, con ngồi ở góc cầu thang, run cầm cập: “Sợ quá, sợ quá””, cô Thoa trầm ngâm nhớ lại. Dường như, mọi chuyện mới như ngày hôm qua.
Cô Thoa cười bảo đúng hôm đó còn cúp điện nữa, nóng nực quá chừng. Cô trò vừa nói lúc thì lát sau trời đổ mưa thiệt. Tú reo lên: “Mát quá, mát quá!”. Vậy là Tú quen và không còn sợ sấm sét từ đó. Còn nỗi sợ đám đông thì Tú bỏ lâu rồi. Đi chợ nhiều, riết Tú quen. Tú nói nhiều hơn, Tú còn biết đi “ngắm gái” quên luôn đường về đây này.
Tại cơ sở, mỗi em lại có sở thích, thói quen, và cả những nỗi sợ hãi riêng. “Long thích hip hop, Tú, Sang thì thích nhạc bolero. Bình, Dũng, Phát thì thích nhạc thiếu nhi. Sơn thích Trái tim mùa đông, Tóc em đuôi gà. Nên khi mở nhạc, các cô cũng mở theo thứ tự tên trên bảng điểm thưởng, theo sở thích của từng bạn. Dạy các em, nhiều khi cũng phải dạy mẹo”, cô Thoa cười.
Thành Sơn sức khỏe rất yếu, em phải ngồi xe lăn để di chuyển. Hồi mới vào lớp, em còn không cầm đũa, muỗng được. “Nhưng Sơn rất thích ăn bún bò Huế. Lần đó, các cô nấu bún bò, tập để Sơn làm quen với muỗng đũa. Cô nói với Sơn rằng: nếu Sơn gắp được một cọng bún, Sơn sẽ được một chấm đỏ”, cô Thoa nhớ lại. Bàn tay run rẩy cầm chắc đôi đũa rồi lại rớt, lại gắp tiếp… mỗi lần nhớ lại, các cô vẫn không khỏi rưng rưng. Bữa trưa ngày hôm ấy kéo dài cả tiếng đồng hồ. Nhưng rồi, Sơn cũng làm được. “Đó là một chàng trai nghị lực và rất thông minh”, các cô giáo mỉm cười tự hào nói về cậu học viên của mình.
Sơn đã biết tự gắp, xúc ăn. Dũng “ca sĩ” không còn ngồi quay mặt vào tường lẩm nhẩm nói chuyện một mình, chàng trai còn bận dệt vải vừa nghêu ngao hát “con cò bé bé” kia kìa. Bình đã biết nấu cơm. Thủy bị câm điếc bẩm sinh nay đã chắc tay ở những công đoạn dệt may rất khó….
“Chúng tôi dạy các em cách bật tắt bếp gas, cách nấu mì, cách pha nước chanh, cách cầm đũa, cách nói lời cảm ơn, xin lỗi, dạy các em ăn xong tự đưa bát đi rửa, dạy các em nghề dệt vải… Ở nhà, nhiều gia đình vì thương con, vì sợ cháy nhà, sợ bẩn, sợ hư hỏng…mà làm thay tất cả. Nhưng hãy tin vào các em. Ba mẹ đâu sống cả đời để lo cho con được”, Cô Hoa, quản lý cơ sở Bảo trợ xã hội Trái tim chia sẻ.
“Tụi nhỏ ngoan và giỏi lắm”, câu nói được các cô lặp đi lặp lại rất nhiều lần trong suốt cuộc trò chuyện, ánh mắt dịu dàng nhìn những học viên của mình. Các học viên mỗi người đến một giờ, chẳng ai giống ai, phải đến tầm 10 giờ trưa, con số mới được 11/18 học viên.
Hơn 9 giờ sáng, Sang mới tới lớp học. Vừa vào lớp, anh chàng vội vã mở túi, lấy ngay chai nước hoa Enchenter dúi ngay cho cô Thoa: “Tặng cô”. Khựng lại một chút, cô cảm ơn cậu học viên dễ thương rồi hỏi quà này là mẹ tặng hay cậu lấy của mẹ tặng. Sang cười. “Quà này cô nhận, nhưng lát cô sẽ gửi tiền về con gửi lại mẹ. Mẹ bán đâu được bao nhiêu đâu”. Hỏi chuyện mới biết, té ra, học trò thương cô giáo nên có gì ngon, đẹp đều mang tới tặng cô tất.
“Có bữa, thấy Tú xách đến chai dầu gội clear men tặng cô giáo. Cô bất ngờ lắm, hôm đó không phải ngày lễ gì, thêm nữa lại thấy dầu gội cho đàn ông, cô mới gọi về gia đình. Té ra mẹ Tú vừa mua cho con chai dầu gội, xức thơm, Tú giấu mẹ cất vào túi, mang lên lớp tặng cô. Nên con có tặng gì, mình đều phải gọi về gia đình hỏi lại. Lỡ con có lén ba mẹ mang lên tặng cô thì cũng không được rầy la nặng nề, chỉ nói với gia đình, rồi nhẹ nhàng nhắc nhở, khuyên bảo con. Nếu nặng lời, sau này, con sẽ giấu, không bao giờ kể với mình nữa”, cô Thủy tiếp lời.
Nhưng cũng vì thế mà nhiều câu chuyện dở khóc dở cười xảy ra. Có cậu học trò bữa đó, nhà có đám giỗ, nấu xôi gấc. Con ăn thấy ngon ơi là ngon nên con vò hai nắm nhỏ, buộc thiệt chặt trong mấy lớp bao bóng, cất thiệt kĩ dành tặng hai cô. Mà ngặt nỗi, giỗ hôm thứ 6, thứ hai mới học. Lúc mở ra thì xôi đã bốc mùi…
Ở tầng trệt của cơ sở, nổi bật là bảng điểm thưởng ghi rõ tên, tuổi của từng học viên và những chấm đỏ, chấm đen dày đặc. Trong đó, đa phần là những chấm đỏ. Hiểu đơn giản, chấm đỏ là khen, chấm đen là phạt.
“Con ngoan, con đi chợ, con rót nước cho cô, con biết pha cà phê mời khách, con giúp đỡ bạn, con không ngắt nhéo bản thân mình làm chảy máu, con làm ra sản phẩm đẹp…rất nhiều lý do để con được chấm đỏ. Con sẽ bị chấm đen nếu con đánh bạn, gây lộn, nói dối, uống nước ngọt quá nhiều dù các cô đã nhắc nhở,… Mỗi chấm đen sẽ bị trừ 1 ngàn đồng, số tiền đó sẽ chuyển sang cho những bạn ngoan được chấm đỏ. Tiền sẽ quy thành quà: con gái thì thích sữa tắm, con trai thì cà phê, dầu gội,…”, cô Thoa chỉ lên bảng điểm nói.
Tại cơ sở Bảo trợ xã hội Trái tim, hàng tháng cơ sở không thu học phí, mà học viên còn được nhận lương. “Lương đó là để động viên, giúp các em có thêm động lực đi học và cố gắng. Em ít thì được 30 ngàn, em nhiều thì được 150 ngàn. Ngày tết, các em cũng được thưởng lương tháng thứ 13. Nhưng khi gửi tiền lương, phải đổi ra thiệt nhiều tiền lẻ: như tờ 20 ngàn không thích đâu, phải đổi ra 20 tờ 1 ngàn đồng các em mới vui”, cô Hoa chia sẻ.
18 học viên nhưng vì đa phần các em có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Có gia đình ở xa quá, nên một tuần cha mẹ chỉ đưa các em đến học được 2-3 buổi.
Cô Hoa tốt nghiệp ngành sư phạm tiểu học, rồi về dạy tại một trường chuyên biệt ở quận Bình Thạnh (TP.HCM). Mỗi lần nhớ lại "cơ duyên" đến với công việc này, cô giáo trẻ lại mỉm cười: đó là khi đại diện tổ chức phi lợi nhuận của Nhật đến thăm và tặng những khung dệt cho lớp phục hồi chức năng mà cô đang giảng dạy. Con đường bảo vệ và phát triển kỹ năng sống cho các trẻ mắc bệnh Down, bại não, thiểu năng trí tuệ, giúp các em hòa nhập cộng đồng bắt đầu khi cô giáo trẻ "tốt nghiệp" lớp kỹ năng học từ người Nhật dạy.
Đến năm 2007, những người Nhật về nước. Cô Hoa một mình đứng ra gồng gánh nuôi dạy trẻ. Những người bạn Nhật ngỏ lời chia sẻ tiền thuê nhà cho Hoa cùng 3,3 triệu đồng tiền lương mỗi tháng miễn cô đừng bỏ những đứa trẻ bất hạnh chơi vơi giữa cuộc đời. Tình thương dành cho các em đã khiến cô Hoa không thể chối từ.
Với cô Hoa, đã từng có một trường quốc tế ở Q.7 (TP.HCM) nhận cô về dạy với mức lương cao nhưng hằng ngày nhìn những học viên dần hồi phục cô không đành. Cô Thủy, cô Thoa cũng từng có những công việc ổn định cho riêng mình, nhưng vì tình thương dành cho các học viên kém may mắn này mà các cô vẫn ở đây đến bây giờ. “Có lần ông xã tới đây, lũ trẻ chạy ra lễ phép mừng đón, ổng thương quá chấp nhận cho cô dạy ở đây, kinh tế gia đình ổng nói để ổng gánh thay”- cô Thủy khoe.
Hơn 10 năm đã trôi qua, bao nhiêu giáo viên đến rồi đi. Đồng lương ít ỏi, áp lực công việc nên dù rất thương các em, nhiều cô giáo cũng đành xin nghỉ. Có thời điểm khó khăn nhất, các cô phải đi xin cơm chay từ thiện mỗi trưa cho học trò.
Lúc đầu xin nhiều, người ta không cho, sau đó chính các cô giáo đã mời đơn vị từ thiện lên cơ sở tham quan. Những suất cơm nghĩa tình đã giúp cô trò vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, đó là những kí ức mà các cô không bao giờ quên.
Hằng ngày, các cô tất bật dạy nghề dệt, may cho các em, cùng nhận hàng gia công cho những người khách bên ngoài. Họ may đủ thứ, bán kiếm tiền lo cho học viên. Nhiều người hiểu ra việc của cô Hoa và đồng nghiệp họ cảm thông và chia sẻ, cơ sở này là nhà của một người quen cho các cô thuê với giá tượng trưng, còn những người ở chợ thì “vừa bán vừa cho” khi mỗi buổi trưa các học viên đến, có lúc cơ sở nhận được kẹo bánh, và cả lì xì của những mạnh thường quân xa lạ.
Nhìn một lượt hết cơ sở, lướt qua tủ trưng bày các sản phẩm dệt rực rỡ màu sắc, được làm nên từ bàn tay những chàng trai, cô gái kém may mắn. Biết chúng tôi sắp về, các học viên xếp một hàng ngay ngắn và tiễn chúng tôi ra đến tận ngoài đường.
Tạm biệt “những người bạn” và ba cô giáo hiền, đường về nhà lòng chúng tôi bâng khuâng mãi về câu nói của cô Hoa, “mong cái máy may cũ đừng hư, mong cho sản phẩm các em dệt ra sẽ bán được nhiều, để các em không bị đói”.