Phiên toà xét xử sơ thẩm vụ án ly hôn và tranh chấp tài sản chung vợ chồng giữa nguyên đơn là bà Lê Hoàng Diệp Thảo (46 tuổi) và bị đơn là ông Đặng Lê Nguyên Vũ (48 tuổi, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên) diễn ra trong suốt hai ngày 20 và 21-2-2019. Phiên toà đã kết thúc phần tranh luận và hiện đang tạm nghỉ.
Vợ chồng ông Vũ – bà Thảo là những doanh nhân nổi tiếng tạo thương hiệu cà phê Trung Nguyên và cà phê hòa tan Trung Nguyên (G7). Trong đó, ông Vũ là người đã được tạp chí National Geographic Traveller và và tạp chí Fobers Asia vinh danh là “Vua cà phê Việt Nam”.
Tại toà, ông Vũ và bà Thảo đã có nhiều tranh cãi, đấu khẩu về triết lý sống, những mâu thuẫn gia đình, cách chăm sóc con cái và đường hướng xây dựng Trung Nguyên phát triển.
Bà Thảo và các luật sư cung cấp một bức thư được cho là của các con ông Vũ viết gửi cho bố. Nội dung bức thư có đề cập đến việc chu cấp cho mỗi người con 5% tài sản của ông Vũ. Tuy nhiên, ông Vũ lắc đầu và nói sẽ đọc vào thời điểm khác. Ông nói chính người lớn hướng các các con vào nhiều chuyện.
Ông Vũ: “Tình cảm của các cháu tôi ghi nhận. Cái này không cần thiết. Tôi nói với các con của tôi, không phải 5% hay là bao nhiêu phần trăm. Bà nội của con hiện nay 70 tuổi rồi, không ai mà muốn tiền bạc hết. Ba cũng vậy. Chỉ có mẹ của con là khác. Nói những điều phải không nghe. Giờ dẫn ra đây, đứng trước toà nói những thứ như vậy. Bịa ra, rồi những người anh em lại đi bảo vệ cho những thứ bịa ra như vậy. Không ai tưởng tượng nổi. Đừng có lôi các con vào chuyện này. Tôi nói bằng cái tâm của tôi. Còn lá thư đó là chứng cớ mà mẹ nó nêu. Mẹ nó đủ chuyện để làm, chứ không phải là chuyện lá thư này không. Tôi nói bằng cái lòng người cha. Cô đó cũng biết rằng tôi chưa bao giờ sai với cô cả”.
Bà Thảo: “6 năm qua anh Vũ không quan tâm lo lắng cho các con. Giai đoạn các con trưởng thành, có khi đến chỉ được chơi với người giúp việc, không bao giờ được gặp cha. Bản thân tôi muốn dành mọi thứ, làm sao về mặt tinh thần cho các con đầy đủ. Làm sao cho các con được sống với mẹ. Mong anh Vũ có trách nhiệm của người cha - người hay nói về sự thiện lành. Nguyện vọng các con là cho các con quyền kế nhiệm sản nghiệp cho gia đình phát triển lâu dài”.
Ông Vũ: "Nói cái gì phải đúng với lòng mình. Ở đây còn gia đình, anh em trong công ty, ai cũng biết sự thật. Không ai giành giật cái gì cả. Điều cao nhất là đừng bao giờ làm tổn thương các con, mình đã sai rồi thì đừng bao giờ đưa tụi nó vào tranh chấp này. Còn giữ mấy đứa con làm con tin nữa. Không ai làm điều này hết. Nhà này đâu thiếu tiền. Tôi sợ mỗi lời nói, nói ra rất đau lòng. Toà tuyên xử thế nào không quan trọng, lương tri của mình là điều quan trọng. Mấy cháu làm sao thiếu tiền được. Nuôi con mà thiếu tình người. Nuôi con cũng như Trung Nguyên. Cô nuôi 3 năm không lên ký nào. Cô phải nói sự thật, phải nhìn lại bản thân của mình. Làm sao cho các con ổn định tinh thần. Cha mẹ ai đúng, ai sai chưa biết nhưng đừng bao giờ làm tổn thương các cháu dù một khoảnh khắc nào. Hôm trước, đưa cả các cháu vào tòa, không ai làm chuyện đó”.
Tại tòa, sau khi được hòa giải, bà Thảo đề nghị cùng hàn gắn gia đình. Tuy nhiên, ông Vũ cho rằng đã có một quá trình dài hai bên không thể thống nhất.
Bà Thảo: “Trước khi quyết định đưa nhau ra tòa, trong 3 năm 3 tháng, tôi không dưới 10 lần năn nỉ đưa giải pháp có thể để anh Vũ đồng ý trở về, gia đình có thể đoàn tụ. Tuy nhiên, tôi đành bất lực. Anh Vũ muốn mọi chuyện trở về như cũ, tôi sẵn sàng tha thứ hết. Anh hãy để cho các con có quyền gìn giữ sản nghiệp của gia đình cũng như tiếp nối con đường mà anh mong muốn cho tương lai”.
Luật sư của bà Thảo hỏi ông Vũ khi ông từ chối đề nghị đoàn tụ cùng bà Thảo: “Trong hành trình hướng Trung Nguyên đến tầm nhìn vĩ đại toàn cầu, vì sao ông không muốn có người vợ của ông bên cạnh nữa?”. Ông Vũ trả lời: “Sống với nhau khá lâu nên tôi rất hiểu cái tâm tính. Không có ai muốn loại cô ra khỏi Trung Nguyên này hết. Nhưng có một cái điều, ở đây là những người chồng. Chồng phải ra chồng, vợ phải ra vợ. Trên phải ra trên, dưới phải ra dưới. Nó phải có một cái trật tự. Vợ tôi dữ dằn chứ không như luật sư nói. Cô ấy không những làm tổn thương tôi mà còn làm tổn thương cả gia đình hai bên”.
Luật sư của bà Thảo sang ngồi bên ông Vũ và mong muốn ông Vũ qua ngồi bên bà Thảo để hòa giải. Nhưng ông Vũ nói: “Không qua được đâu người anh em. Ở đây không ai giành của cổ hết. Khi cổ thiện, “Qua” giao hết cho cổ. Còn bây giờ cổ không có đủ thiện”.
LS hỏi: “Vậy bây giờ làm thế nào để hòa giải?”. Ông Vũ đáp: “Không, không. Phải thành tâm chứ. Sau bao nhiêu việc đó, vẫn chưa xin lỗi mẹ mà còn nói vậy. Vẫn hỗn hào, vẫn to tiếng như vậy”.
LS hỏi tiếp: “Thế thì khả năng để quay lại sao?”. Ông Vũ trả lời: “Không, không. Qua nói cho người anh em biết, đã đi đến một cái mức độ khủng khiếp cỡ này thì người anh em phải nhìn ra tiến trình của nó. Nếu như đó là vợ của người anh em thì người anh em có sống nổi không?”.
LS im lặng, ông Vũ nói tiếp: “Qua hỏi từ trong lòng, người anh em có sống được không? Cái thứ hai, Qua nói luôn cho người anh em, bây giờ an ninh của Qua đi đâu, tâm tính đi đâu đều thấy sợ. Qua là cái người luôn muốn mọi thứ đều thiện. Bản thân Qua sống với mọi người, chưa bao giờ Qua có ý hại ai từ suy nghĩ đầu tiên chứ đừng nói người vợ của mình”.
Thẩm phán chủ toạ đã dành thời gian để hai bên hoà giải tại phiên toà: “Cả anh Vũ và chị Thảo đều là những người giỏi trong kinh doanh, có những đóng góp to lớn cho sự phát triển của đất nước. Chị nên suy nghĩ lại, rút đơn ly hôn để quay về lo cho các con, tài sản vẫn là của chung của hai người để anh Vũ có thể đưa Trung Nguyên thực hiện những sách lược và nâng lên tầm cao mới. Anh Vũ là người có tài điều hành Trung Nguyên từ một doanh nghiệp nhỏ thành một doanh nghiệp hàng đầu. Tài sản sau này cũng sẽ thuộc về các con của anh chị. Tiền chị vẫn giữ và tài sản vẫn là tài sản chung của vợ chồng. Chị chỉ có được, như một bà hoàng, sống tốt, lui về hậu trường chăm lo cho gia đình”.
Tuy nhiên, bà Thảo phản đối lời khuyên này của chủ toạ: “Từ trước đến giờ, việc xây dựng Trung Nguyên, tôi đóng góp rất lớn. Tôi cũng là một doanh nhân có danh tiếng không những ở trong và ngoài nước. Nếu thẩm phán đề nghị tôi trở về, ở nhà lo việc nhà thì thẩm phán có đảm bảo rằng anh Vũ không tiếp tục ngoại tình, anh Vũ không tiếp tục đưa những người phụ nữ khác vào nhà, hoặc anh Vũ sẽ không chuyển công ty sang người khác hay không. Thẩm phán có thể đảm bảo an nguy cho mẹ con tôi không? Trong suốt 5-6 năm qua, mẹ con tôi vô cùng khổ sở. Chúng tôi đã phải nỗ lực rất nhiều để mọi người hiểu rằng mẹ con tôi cũng là một phần vô cùng quan trọng của Trung Nguyên. Hai mươi mấy năm qua tôi đều nhường hết cho chồng mình, tất cả những điều tôi làm tôi đều nghĩ rằng để anh ấy toả sáng thì gia đình mình cũng toả sáng thôi. Không bao giờ tôi nghĩ rằng mình phải lo lắng hay đề phòng gì với chồng mình cả".
Chủ toạ: “Anh ấy rất quan tâm đến vợ và con, thể hiện ở chỗ là toàn bộ số tiền ở ngân hàng mà toà xác minh, tất cả đều do chị đứng tên. Như vậy anh ấy rất tin chị, mới giao hết cho vợ nắm quyền hành. Thiền, yoga để nâng cao sức khoẻ, không có tội gì cả. Không có dấu hiệu nào cho thấy anh Vũ ngoại tình. Mấy ngày phiên toà diễn ra, anh Vũ thể hiện là người rất thông minh, sáng suốt. Một người đàn ông hùng hục đi lao động ở ngoài, kiếm tiền về cho vợ con, như con đại bàng đực chỉ có tha mồi về cho đại bàng cái nuôi con. Sướng quá đi chứ. Tại sao chị lại tự nhiên ôm khổ vào thân. Tôi nghĩ như thế là hợp tình hợp lý, hợp với đạo lý và hợp với phong tuc tập quán của dân tộc Việt Nam mình”.
Ông Vũ: "Tôi đã nói ngay từ đâu, tôi xin hỏi lại thẩm phán chủ toạ và những người đàn ông ngồi ở đây. Nếu trường hợp các người anh em đàn ông ngồi ở đây mà có một người vợ như vậy, mình có thể sống chung lại ngay lập tức được hay không. Tôi chỉ khuyên cô ấy một điều thôi, cô hãy chịu khó lui về đi, tu tập, tu tâm lại. Tại vì cái đó nó phát sinh ra cái nghiệp rất là xấu. Nói ra tôi thấy rất là khó chịu. Phải sám hối thì cô mới hết cái tội được... Còn những gì đang diễn ra, xin thẩm phán hãy hỏi những người anh em còn trong tổ chức công ty, thậm chí hỏi người thân của chính cô ấy”…
Trước lời khuyên của chủ tọa, luật sư của bà Thảo đã lên tiếng phản đối vì cho rằng lời khuyên này trái với luật Hôn nhân gia đình và các quy định pháp luật.
“Tại sao lại kêu gọi một doanh nhân, một người mẹ, một người bị cấm không cho vào công ty mấy năm nay đi về nấu cơm nấu nước, chăm lo cho chồng? Lời khuyên không phù hợp. Ở đây có những người là phụ nữ, thử hỏi lời khuyên này có hợp với pháp lý và đạo lý hay không?”
Vụ ly hôn của vợ chồng ông chủ cà phê Trung Nguyên được TAND TP.HCM thụ lý từ tháng 11-2015.
Tháng 8-2017, toà áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, bảo vệ khối tài sản của ông Vũ và bà Thảo.
Ngày 3-8-2018, hoà giải lần 1
Ngày 3 và 14-8-2018, hoà giải lần 2. Bà Thảo vắng
Ngày 4-9-2018, bà Thảo gửi đến khiếu nại đến TAND TP.HCM yêu cầu huỷ bỏ phiên toà dự kiến mở vào ngày 15-9-2018.
Sáng 14-9-2018, TAND TP.HCM tiếp tục tổ chức hòa giải để làm rõ việc thẩm định giá của các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Trung Nguyên và tranh chấp xoay quanh vấn đề con cái. Tuy nhiên, bà Thảo lại không đến tòa nên những vấn đề này chưa đi đến thống nhất.
Ngày 22-10-2018, TAND TP.HCM ra quyết định tạm đình chỉ vụ án để thu thập thêm chứng cứ. Bà Thảo kháng cáo, đề nghị TAND Cấp cao tại TP.HCM hủy bỏ quyết định này.
Ngày 20 và 21-2-2019, TAND TP.HCM mở phiên toà xét xử sơ thẩm vụ ly hôn và phân chia tài sản này.
Bà Thảo đề nghị được trực tiếp nuôi dưỡng 4 người con chung. Về cấp dưỡng cho 4 người con, bà Thảo đề nghị ông Vũ cấp dưỡng 5% cổ phần của ông Vũ/người con, để các con kế nghiệp sản nghiệp lâu dài của cha mẹ.
Về yêu cầu này của bà Thảo, ông Vũ trình bày, ban đầu ông chỉ đồng ý cấp dưỡng 5% cổ tức/người con nhưng bà Thảo cho rằng cổ tức liên quan đến lời lỗ của tập đoàn và việc điều chỉnh sổ sách kế toán nên ông Vũ đưa ra con số sẽ cấp dưỡng 10 tỉ đồng/năm/4 cháu. Và tại phiên tòa, ông Vũ giữ nguyên ý kiến này.