Những bộ xương khủng long hóa thạch với chiều dài cả chục mét đang trở thành món hàng “hót” tại các cuộc đấu giá nghệ thuật khắp nơi trên thế giới. Lý do: Ngày càng có nhiều nhà sưu tập giàu có muốn sở hữu một tuyệt tác khổng lồ của tạo hóa trong phòng khách của họ.
Những bộ xương khủng long giá triệu đô
Hôm 4-6, bên trong tháp Eiffel ở Paris (Pháp), hãng đấu giá Aguttes tổ chức đấu giá một bộ xương khủng long hóa thạch chưa xác định được loài nhưng thuộc chi khủng long ăn thịt Theropoda ở kỷ Jura (150-200 triệu năm trước Công nguyên).
Người mua tập trung trong một căn phòng ở tầng hai của tháp Eiffel. Không khí tại cuộc đấu giá rất căng thẳng. Mọi người tham gia đấu giá suy nghĩ, tính toán rồi nâng mức giá đấu và nín thở chờ đợi. Sau 30 phút, bộ xương khủng long hóa thạch đã được bán cho một nhà sưu tập nghệ thuật người Pháp ẩn danh với giá hơn 2,3 triệu USD. Theo thỏa thuận, Aguttes cho phép người chủ mới được quyền đặt tên cho khủng long này miễn là phải mang tính khoa học và phải được cộng đồng khoa học duyệt.
Bộ xương khủng long dài 9 m này được phát hiện trong quá trình khai quật ở hệ tầng địa chất Morrison tại bang Wyoming (Mỹ). Đây là dãy địa chất hình thành nên miền Tây nước Mỹ ngày nay, từ 148-155 triệu năm trước. Bộ xương khủng long vẫn còn “nguyên vẹn” ở mức 70% và nó được xem là một loài khủng long mới đối với giới khoa học.
Đây chỉ là một trong nhiều vụ đấu giá bộ xương khủng long hóa thạch có giá hàng triệu USD trong thời gian gần đây. Hồi tháng 4, hai bộ xương khủng long hóa thạch được bán đấu giá tại hãng đấu giá Binoche et Giquello ở Paris với giá gần 3 triệu euro. Hai mẫu vật hóa thạch này gồm một bộ xương khủng long dài 12 m, thuộc chi khủng long ăn thực vật Diplodocus, sống vào cuối kỷ Jura, được bán với giá 1,4 triệu euro; bộ còn lại có chiều dài 3,8 m thuộc chi khủng long ăn thịt Allosaurus, bán với giá 1,41 triệu euro. Giá đấu thành công của chúng cao gấp đôi so với mức định giá ước tính ban đầu. Người mua hai bộ xương khủng long hóa thạch là một khách hàng ở nước ngoài tham gia đấu giá trực tuyến qua mạng Internet.
Vào tháng 12-2016, tại TP Lyon, Pháp, hãng đấu giá Aguttes cũng đã bán đấu giá thành công một bộ xương khủng long hóa thạch dài 7,5 m, cao 2,5 m thuộc chi khủng long ăn thịt Allosaurus với giá 1,1 triệu euro. Khách hàng mua là người Pháp ẩn danh đặt mua qua điện thoại. Vị khách hàng này cam kết sẽ giữ bộ xương tại Pháp và sẽ gửi đến viện bảo tàng để công chúng chiêm ngưỡng.
Một bộ xương khủng long hóa thạch được bán đấu giá ở bên trong tháp Eiffel ở Paris (Pháp) hôm 4-6. Ảnh: ABC News
Để khai quật một bộ xương khủng long hóa thạch phải mất nhiều tháng. Ảnh: Inquisitr
Trào lưu thời thượng lan tới Hollywood
Cho đến nay, giá đắt nhất thuộc về bộ xương của khủng long bạo chúa (Tyrannosaurus rex) 68 triệu năm tuổi, có biệt danh Sue, được Bảo tàng lịch sử tự nhiên Field ở Chicago (Mỹ) mua với giá 8,36 triệu USD trong một cuộc đấu giá tại Mỹ vào năm 1997. Các công ty đa quốc gia bao gồm McDonald’s và Walt Disney đã hỗ trợ một phần tài chính cho Bảo tàng lịch sử tự nhiên Field để thực hiện thương vụ này. Đây là bộ xương khủng long bạo chúa còn nguyên vẹn nhất và được bảo tồn tốt nhất được tìm thấy cho đến nay. “Hàng triệu người đến bảo tàng này để chiêm ngưỡng nó mỗi năm và điều đó tạo ra sự quảng bá tuyệt vời cho thương hiệu của các công ty” - Eric Mickeler, chuyên gia lịch sử tự nhiên của hãng đấu giá Aguttes, nói.
Các cuộc đấu giá trên cho thấy trào lưu lùng mua các bộ xương khủng long hóa thạch đang trỗi dậy trong giới sưu tập cá nhân. Iacopo Briano, chuyên gia về xương hóa thạch ở hãng đấu giá Binoche et Giquello, nói: “Chắc chắn đang xuất hiện một trào lưu mà trong đó ngày càng có nhiều người mua các bộ xương khủng long hóa thạch và các tuyệt tác tự nhiên, đặc biệt là những mẫu vật có kích thước lớn. Các bộ xương khủng long đang trở nên thu hút như là mốt chơi thời thượng và số người muốn sở hữu chúng đang tăng lên”.
Briano cho biết các nhà sưu tập cá nhân, theo truyền thống, thường đấu giá để mua các bức họa của các danh họa châu Âu trước năm 1800, các món đồ cổ Trung Quốc hoặc các tác phẩm nghệ thuật hiện đại từ thập niên 1860 đến thập niên 1970. Nhưng giờ đây họ đang bị hút vào những bộ xương khủng long hóa thạch quý hiếm. Trào lưu này thậm chí lan đến cả kinh đô điện ảnh Hollywood. Các nam diễn viên gạo cội người Mỹ như Leonardo DiCaprio và Nicolas Cage đều là những nhà sưu tập xương khủng long hóa thạch có tiếng.
Xương khủng long hóa thạch và các bức họa
Iacopo Briano cho rằng sức quyến rũ của các bộ xương khủng long hóa thạch chính là yếu tố lịch sử của những mẫu vật có độ tuổi trăm triệu năm. Bên cạnh đó, một khía cạnh hấp dẫn khác là giá cả của các bộ xương khủng long dù khá đắt nhưng vẫn “mềm” so với giá của các bức họa nổi tiếng. Briano nói: “Các nhà sưu tập có đủ khả năng mua một bộ xương khủng long thật với giá chỉ bằng một phần nhỏ giá các bức họa được nhiều người ao ước”.
Ngoài ra, những bộ xương khủng long chào bán qua các hãng đấu giá được xem là các mẫu vật mang tính nghệ thuật thiết kế hơn là mang tính khoa học. Briano nhận định: “Các bộ xương khủng long đã trở thành những tác phẩm trang trí thực sự giống như những bức tranh nghệ thuật. Các nhà sưu tập bị hút vào chúng vì họ đam mê những điều diệu kỳ của hành tinh chúng ta, từ hiện tại lẫn quá khứ. Trong kỷ nguyên mạng xã hội hiện đại, chúng ta thường trải nghiệm mọi thứ theo cách ảo nên khi chúng ta đối diện một thứ gì đó rất thực, từ 150 triệu năm trước đây, chúng ta không thể cưỡng lại được”.
Một yếu tố nữa khiến các bộ xương khủng long hóa thạch được giới sưu tập cá nhân săn lùng là mức độ quý hiếm của chúng. Hằng năm chỉ có khoảng năm bộ xương khủng long hóa thạch được bán đấu giá trên thế giới. Trước đây các bảo tàng ở Mỹ và châu Âu thường là những khách hàng chính trong các cuộc đấu giá này. Nhưng giờ đây ngày càng có nhiều nhà sưu tập cá nhân giàu có cạnh tranh với họ để sở hữu các bộ xương khủng long hóa thạch.
Theo Briano, trong hai đến ba năm gần đây, giới nhà giàu Trung Quốc bắt đầu quan tâm đến cổ sinh vật học và đang săn lùng những mẫu vật xương khủng long hóa thạch lớn tại Trung Quốc để đưa vào các viện bảo tàng hoặc để sở hữu riêng. Những nhà sưu tập mới này đang ganh đua với các viện bảo tàng trên thế giới, các tập đoàn đa quốc gia và giới siêu giàu của Mỹ và châu Âu tại các cuộc đấu giá xương khủng long.
Xung đột giữa giới khoa học và giới nghệ thuật Thị trường xương khủng long hóa thạch ngày càng phát triển cũng gây ra những tranh cãi. Các nhà khoa học, những người muốn kiểm soát thị trường này, đã xung đột với những nhà sưu tập nghệ thuật vốn chỉ muốn đẩy giá các bộ xương khủng long lên cao. “Các bộ xương khủng long hóa thạch là những mẫu vật có sức quyến rũ về mặt mỹ thuật nhưng giá trị của chúng còn nằm ở ý nghĩa khoa học vốn không thể định một mức giá cụ thể” - Paul Barrett, nhà nghiên cứu khủng long thuộc Bảo tàng lịch sử tự nhiên ở London, nói. Barrett cho rằng dù các nhà sưu tập cá nhân thường quan tâm đến khoa học nhưng ông vẫn lo họ không có đủ kiến thức và thông tin cần thiết để chăm sóc và bảo quản các bộ xương khủng long hóa thạch. Tuy nhiên, Tom Lindgren, đồng giám đốc tư vấn thuộc hãng đấu giá Bonhams ở Los Angeles (Mỹ), nói: Một khi nhà sưu tập cá nhân đã bỏ ra số tiền lớn để mua những bộ xương khủng long hóa thạch hiếm, họ sẽ bảo vệ và chăm sóc bằng cách nhờ các chuyên gia hoặc làm thủ tục đưa chúng vào viện bảo tàng chăm sóc trong dài hạn. |