Hai ông bà già sống nương tựa nhau trên chiếc bè chật hẹp chỉ 5m2 đậu ở làng cá bè trên sông Cái, một nhánh sông Đồng Nai, thuộc khu phố 6, phường Tân Mai (TP.Biên Hòa).
Ông bà có cả thảy 5 người con, đều đã có gia đình riêng. Tuy nhiên, ai cũng có cuộc sống nghèo khó, tạm bợ bằng nghề nuôi cá bè rất bấp bênh và chênh vênh trên mặt sông.
Dù tuổi cao, sức yếu nhưng ngày nào cụ Chước cũng ngồi đầu ghe lênh đênh dọc theo con nước sông Đồng Nai với dụng cụ quen thuộc là cây vợt vớt rác. Địa điểm mà cụ Chước hay tấp vô một những quán nhậu ven sông thuộc phường Thống Nhất (TP.Biên Hòa) để tìm vớt những lon bia mà người ta uống xong thẳng tay liệng ra sông.
Hai ông, bà cụ sống bằng tiền trợ cấp hàng tháng của nhà nước cho người cao tuổi với vỏn vẹn gần 500.000 đồng. Ngoài ra, còn có chút ít số tiền nhỏ từ nguồn gom góp bán rác ve chai. Vậy mà, hai vợ chồng già vẫn cười mỉm nói rằng coi vậy cũng đủ sống lay lắt qua ngày đoạn tháng.
Cụ Chước là dân làng chài sông nước thứ thiệt. Cụ hiểu rõ mọi luồng lạch con sông Đồng Nai như trong lòng bàn tay. Làm nghề chài tôm cá phải theo con nước ròng, nước lớn, nên còn thời gian rảnh rỗi, như thành thói quen, ông cụ giong chiếc ghe nhỏ dọc theo bờ sông nhặt rác, ve chai.
Sau đó, cụ Chước đem ‘thành quả’ về nhà cho bà cụ Sáu phân loại ra. Cái nào bán ve chai được thì để riêng, còn lại mấy thứ rác tạp nham như túi ni lon, bao xốp, quần áo rách... thì ông gom lại đem lên bờ đốt. Năm 1995, đôi mắt cụ Chước đột nhiên bị kéo cườm, sau một lần mổ mắt thì thị lực cụ giảm sút nên đành giã từ nghề chài lưới. Kể từ đó, công việc mưu sinh chính của cụ Chước là cái nghề vớt rác, ve chai trên sông...
Cứ sau khoảng 4-5 ngày, bà cụ Sáu gom lại đem mấy bao ve chai lên bờ đến vựa ve chai cân ký bán được khoảng từ 50.000 - 80.000 ngàn đồng...
Ông cụ Chước tuy tuổi già nhưng hai tai còn thính lắm. Ông vẫn thích nằm võng cầm cái radio áp sát lỗ tai để cập nhật tin tức hàng ngày. Ông bảo, việc vớt rác, ve chai trên sông, ngoài kiếm được thu nhập thêm vào cho cuộc sống còn phần nào góp phần vớt bớt rác rến trôi nổi, bởi sông bây giờ sao nhiều rác quá!