Chín anh hùng hảo hán
Chùa Cô hồn (Bửu Hưng tự) hiện tọa lạc trên đường Phan Đình Phùng (khu phố 2, phương Quang Vinh, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Người dân quen gọi khu vực này là “Dốc Sỏi”.
Theo cuốn “Biên Hòa sử lược toàn biên” của tác giả Lương Văn Lựu (Quyển 2, phần "Hương hầu Hào vá tám liệt sĩ", do Ty Thông tin Biên Hòa xuất bản năm 1973) thì hưởng ứng phong trào kháng Pháp của hội kín Nam Kỳ (người đương thời còn gọi là Thiên Địa Hội), một số người dân yêu nước ở tỉnh Biên Hòa cũ (nay là tỉnh Đồng Nai) đã bí mật lập ra Lâm Trung trại tại khúc sông Rạch Đông (nay thuộc xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai). Thành phần những người sáng lập ra “hội kín” chống Pháp bí mật này là các tay anh chị, hảo hán ở nông thôn, võ nghệ tinh thông, đầy lòng hào hiệp, ban đầu gồm có: Năm Hi (thủ lĩnh), Tư Hổ, Bảy Đen, Ba Hầu, Sáu Huyền, Ba Thứ, Năm Thanh, Ba Nghi, Năm Rùa, Hai Mạnh, Mười Lợi, Hai Cẩm...
Nhân dân tôn vinh tất cả hội viên sơ khai Lâm Trung trại là những anh hùng, hào kiệt, mang trên vai trọng trách cứu nước. Tổ chức này được lòng dân nhiệt tình ủng hộ nên không bao lâu ra đời, số thành viên nhanh chóng tăng vọt, lượng người xin về tụ nghĩa dưới trướng ngọn cờ “Lâm Trung trại” không ngừng. Từ đây, Lâm Trung trại bắt đầu giương cao ngọn cờ “bài Pháp phục Nam” đầy khí phách, bước đầu công khai chống sự xâm lược của thực dân Pháp ở đất Nam Bộ.
Năm 1914, chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ. Do cần bổ sung quân số tham chiến nên từ năm 1915-1916, thực dân Pháp đã nhiều lần ra lệnh bắt lính. Hàng ngàn thanh niên trai tráng Việt Nam bị bắt để đưa sang “mẫu quốc” để đánh trận hoặc làm bia đỡ đạn. Điều này đã làm cho người dân Việt đang bị áp bức càng thêm căm phẫn tột cùng. Nhân cơ hội đó, vào đêm 12 tháng Giêng năm Bính Thìn (1916), thủ lĩnh Lâm Trung trại quyết định mở cuộc tấn công khám đường Biên Hòa để giải cứu số người bị bắt lính.
Cuộc khởi sự diễn ra đúng kế hoạch, tuy nhiên chỉ giải cứu được một số thanh niên và người dân bị Pháp bắt nhốt. Cũng vì thiếu kinh nghiệm trong hiệp đồng tác chiến, vũ khí trang bị lại thô sơ, lạc hậu nên tất cả các mũi tấn công của Lâm Trung trại đều bị lính Pháp nhanh chóng đè bẹp. Nhiều hội viên bị bắn chết và bị bắt sống tại trận. Sau đó, thực dân Pháp huy động lực lượng tổng tấn công vào căn cứ của Lâm Trung trại rồi từ thủ lĩnh đến các hội viên đều lần lượt sa vào tay giặc.
Tháng 3-1916, tức khoảng hai tháng sau kể từ đêm nổ ra vụ phá khám Biên Hòa, tất cả số hội viên bị bắt đều bị đưa ra xét xử trước tòa đại hình của Pháp với tội danh phiến loạn, cướp của và giết người. Riêng chín người nòng cốt và cầm đầu các đội binh của Lâm Trung trại bị chế độ thực dân kết án tử hình và sau đó lính Pháp nhanh chóng đem ra xử bắn tập thể tại pháp trường ở một địa danh mang tên ngã ba Dốc Sỏi. Chín thân xác nghĩa sĩ Lâm Trung trại đều bị vùi chung trong một hầm mộ.
Kể từ cái ngày định mệnh đó, người dân Biên Hòa luôn tưởng nhớ và tỏ lòng thương tiếc các vị anh hùng Lâm Trung trại vì quốc vong thân. Ban đầu, việc nhang khói, tưởng niệm, cúng bái chỉ được tiến hành vào ban đêm. Về sau, để qua mặt lính Pháp, dân địa phương cho dựng một am nhỏ tại gốc cây đa lớn ở đầu Dốc Sỏi, nơi chín nghĩa sĩ ngã xuống để thờ Phật và cầu siêu cho những người đã khuất. Nhân dân đặt tên cho cái am nhỏ tre tranh vách lá là “miếu cô hồn”. Từ đó, nơi đây được xem là nơi thờ tự, lưu dấu hồn thiêng của chín vị anh hùng Lâm Trung trại, lưu danh trong sử sách.
“Miếu cô hồn” - di tích lịch sử
Theo lời ni sư trụ trì hiện nay Diệu Minh thì chùa Cô hồn trải qua nhiều biến cố và gắn liền với những sự kiện lịch sử mang tính trọng đại. Từ nền tảng là cái am nhỏ thờ vong linh những người đã khuất, năm 1920, ngôi miếu được nâng cấp lên thành ngôi chùa thờ Phật. Từ đây, chùa Cô hồn được vị sư tổ trụ trì đổi lại hiệu là Bửu Hưng tự cho đến ngày nay. Bửu Hưng tự cũng trải qua nhiều lần trùng tu vào các năm 1967, 1999...
Mặt bằng hiện hữu của Bửu Hưng tự nằm trên một diện tích đất khá nhỏ hẹp. Kiến trúc được xây theo kiểu khối nhà vuông (nhà tứ trụ hay dân gian còn gọi là nhà mái bánh ít) truyền thống nối dài liền nhau có dạng chữ “nhị” gồm: chánh điện, nhà giảng, nhà bếp. Bộ khung sườn của chùa được làm bằng các gây gỗ quý (căm xe, gỗ đỏ), tường xây gạch thẻ, mái lợp ngói vảy cá, nền chùa lót gạch bông.
Bửu Hưng tự không chỉ là nơi ghi dấu buổi hành quyết đẫm máu đối với các anh hùng Lâm Trung trại năm nào mà còn là một di tích lịch sử cách mạng. Theo tài liệu nhà chùa lưu giữ lại thì nơi đây từng diễn ra hội nghị cán bộ Đảng ở Biên Hòa vào tháng 6-1945 do Bí thư Tỉnh ủy Biên Hòa Hoàng Minh Châu triệu tập. Đây là hội nghị quyết định những vấn đề quan trọng về chủ trương, đường lối để chuẩn bị cho nhân dân Biên Hòa nổi dậy giành chính quyền trong giờ khắc cách mạng mùa thu tháng 8 lịch sử.
Hằng năm, vào các ngày rằm tháng Giêng, tháng 4, tháng 7 nhà chùa đều tổ chức lễ cầu an cho bá tánh và cầu siêu cho các linh hồn anh hùng liệt sĩ theo nghi thức Phật giáo cổ truyền phái Lục Hòa Tăng, đã thu hút nhiều Phật tử gần xa và nhân dân địa phương về chiêm bái Phật pháp và thực hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc.
Như vậy, di tích chùa Cô hồn là nơi thể hiện sự hòa quyện tốt đẹp giữa đạo và đời, vừa gìn giữ Phật pháp, vừa ghi nhớ công lao những người xả thân vì nước. Đồng thời, đây là một địa điểm gắn chặt với sự kiện quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Năm 1979, chùa Cô hồn (Bửu Hưng tự) đã được UBND tỉnh Đồng Nai xếp hạng di tích cách mạng.