Hai giếng cổ 'vuông - tròn' không bao giờ cạn ở giữa lòng thành phố

Bí ẩn” hai cái giếng nước trăm năm

Giếng tròn nằm ở đầu xóm Giếng

Người dân Biên Hòa lâu nay gọi tên một khu xóm dân cư lao động nghèo đông đúc tổ 25, khu phố 2, phường Hòa Bình, TP Biên Hòa (Đồng Nai) là “xóm Giếng”. Bởi vì hiện ở xóm Giếng vẫn còn tồn tại hai cái giếng do người xưa đào lấy nước sử dụng, một cái giếng hình tròn nằm đầu xóm và một cái hình vuông nằm giữa xóm. Đến nay, người dân xóm Giếng vẫn duy trì thói quen xài nước của hai cái giếng được đào cách đây hàng trăm năm, dù thời buổi bây giờ nhà nào cũng gắn đồng hồ nước máy phông-tên.

Giếng hình tròn có đường kính 1 m, sâu khoảng 10 m, nguồn nước luôn dồi dào dâng tràn và không bao giờ cạn đáy. 

Thành giếng hình tròn bao quanh được xây bằng loại gạch thẻ xưa, rất chắc chắn. Trải qua bao năm tháng thành giếng đã hiện lên nhiều vết tích từng mảng rêu phong. 

Cách vị trí giếng tròn 100 m là đến vị trí của cái giếng hình vuông nằm giữa xóm. 

Giếng hình vuông giữa xóm, lại nằm lọt thỏm giữa hai căn nhà thì được người dân góp tiền tôn tạo xây thêm thành giếng cao 50 cm. Xung quanh miệng giếng lót gạch tàu, nhằm phòng tránh trẻ nhỏ ra giếng nghịch phá.

Ngay cả những người lớn tuổi nhất còn sống trong xóm Giếng cũng không ai biết rõ hai cái giếng có tự bao giờ, có người nói “tuổi thọ” hai cái giếng hơn trăm năm (?). Và các cụ lớn tuổi cũng không giải thích được vì sao người xưa lại đào một cái giếng hình tròn, rồi cách khoảng 100 m lại đào thêm một cái giếng hình vuông (?). Dù trải qua bao biến cố của thổ nhưỡng và tốc độ đô thị hóa nhưng thật “kỳ lạ” mạch nước giếng không hề có mùi tanh, hôi, phèn đục mà vẫn trong mát và đặc biệt không bao giờ cạn đáy.

Cũng như giếng tròn, nguồn nước ở giếng vuông luôn trong vắt. 

Mùa mưa, nước giếng dâng ngập ngang miệng, người dân chỉ cần ngồi trên miệng giếng lấy cái ca múc nước lên mà tắm giặt, gội đầu, rửa chân rửa tay. Nhưng hàng chục hộ dân xóm Giếng xài chung hai cái giếng này chỉ sử dụng nguồn nước vào mục đích sinh hoạt đơn thuần hằng ngày, còn ăn uống phải xài nước máy để bảo đảm sức khỏe hơn. Tiếp chuyện với chúng tôi, bà Cao Ngọc Được (50 tuổi) khoe: “Tụi tôi xài nước của hai giếng cổ rất thoải mái, lại còn tiết kiệm được kha khá tiền nước máy, tiền điện hằng tháng nữa đấy...”.

Hai giếng cổ “cứu” dân thoát khỏi “bà hỏa”

Cụ bà Nguyễn Thị Tư (86 tuổi) cho chúng tôi biết khi bà còn nhỏ đã thấy hai cái giếng này tồn tại ở xóm rồi. Bà Tư cũng không biết hai cái giếng cổ “độc đáo” ở xóm Giếng có tự bao giờ nhưng đến hôm nay mạch nước vẫn trong mát. Mấy chục năm nay, bà Tư vẫn “thích” có thói quen là mỗi sáng thức dậy bước ra cái giếng hình vuông kế bên nhà mình lấy cái gàu múc nước rửa mặt. Bà Tư còn tiết lộ thêm với chúng tôi là bà sống cả đời ở đây chưa bao giờ chứng kiến chuyện trẻ con hay ai đó bị... “lọt” xuống giếng như những cái giếng nước thường thấy ở miền quê. “Chắc dưới giếng có “bà Thủy” che chở người trần?” - bà Tư cười nói.

Người dân sống ở xóm Giếng chủ yếu sử dụng nguồn nước vào sinh hoạt giặt giũ, tắm rửa hằng ngày. Còn ăn uống phải dùng nước máy cho bảo đảm sức khỏe. 

Bà Cao Ngọc Được bồi hồi nhớ lại, vào khoảng 18 giờ 10 ngày 19-2-2011, tại dãy nhà thuộc tổ 25, khu phố 2, phường Hòa Bình, TP Biên Hòa (Đồng Nai) đã xảy ra vụ hỏa hoạn lớn do chập điện. Vụ hỏa hoạn bất ngờ đó đã làm cháy 12 căn nhà, 11 căn bị thiêu rụi hoàn toàn. Lực lượng chức năng TP Biên Hòa phải huy động hai xe bồn đến ứng cứu. Nhưng lần đó, xe cứu hỏa chỉ có thể chạy được đến đầu hẻm khu phố vì không thể luồn lách, di chuyển sâu vô con hẻm nhỏ, dài và chật hẹp. Trong tình thế cấp bách đó, người dân nơi đây đã huy động hơn 100 thanh niên khắp nơi trong khu phố múc từng thùng nước liên tục từ hai cái giếng cổ để chữa lửa. Nhờ đó, mà dập tắt kịp thời lửa không lan qua các căn nhà khác, giảm đáng kể thiệt hại do “bà hỏa” bất ngờ gây ra.

Nhờ xài nước hai giếng này mà một số hộ dân tiết kiệm được khá nhiều tiền điện, tiền nước máy hằng tháng. 

Ông Bảy Hoàng, chánh tế đình Tân Lân (phường Hòa Bình, TP Biên Hòa), cho chúng tôi biết thêm, từ nhỏ cho đến tận bây giờ gia đình chú luôn gắn bó mật thiết với hai cái giếng này với biết bao kỷ niệm vui buồn của xóm lao động nghèo. Ông Bảy Hoàng cho rằng đây là hai cái giếng cổ “quý hiếm” do cha ông đào để lại cho con cháu đời sau nên người dân sống ở đây luôn ý thức, nhắc nhở nhau phải bảo vệ gìn giữ nguồn nước giếng được trong và sạch quanh năm. Tuy nhiên, ông Bảy Hoàng cũng lo ngại “chất lượng” nguồn nước ngầm hiện nay của hai giếng cổ này vì trải qua hàng trăm năm mà cả hai giếng chưa một lần nào được nạo vét, xúc rửa nguồn nước hoặc chưa có ai lấy mẫu nước đi xét nghiệm kiểm tra xem nước giếng có “bị” ô nhiễm không (?).

Hầu hết, người dân sống ở xóm Giếng rất mong cơ quan chức năng của ngành văn hóa tỉnh Đồng Nai hoặc bảo tàng tỉnh Đồng Nai cần khảo sát cụ thể lịch sử của hai giếng nước trăm năm còn nguyên vẹn giữa lòng TP Biên Hòa. Biết đâu đây sẽ là một địa chỉ cho mọi người tham quan tìm hiểu thêm về lịch sử quá trình hình thành và phát triển của mảnh đất Biên Hòa - Đồng Nai, nhân kỷ niệm 320 năm sắp tới.

Cụ bà Nguyễn Thị Tư (86 tuổi) vẫn duy trì thói quen xài nước giếng.

 

"Để tồn tại sinh sống, con người cần phải có nước, lửa. Và giếng đã ra đời. Giếng nước có từ bao giờ thì chưa ai lý giải được. Có lẽ tổ tiên ta từ xa xưa lấy nước từ các dòng sông, ao hồ để sinh hoạt, rồi sau đó mới đào giếng để lấy nước.

Ở miền Bắc Việt Nam giếng thường có cấu tạo hình tròn như mặt trăng. Theo thuyết âm dương, vì giếng được đào sâu dưới lòng đất nên giếng là phần âm, mà biểu tượng mặt trăng cũng mang tính chất âm nên từ đó, người ta đào giếng tròn mà không đào giếng vuông. 

Hơn nữa, cũng có thể, vì nếu đào giếng tròn, bao giờ việc chuẩn bị bi giếng và vận chuyển hạ xuống giếng cũng dễ dàng hơn bi giếng vuông. Tuy nhiên, trải rộng xuống khu vực phía nam thì chúng ta thấy còn có cả giếng vuông. 

Các nhà khảo cổ học cho biết trong khu vực Hoàng thành - Tử Cấm thành (Huế) có 14/18 giếng là vuông. Chỉ có bốn giếng tròn. Nếu tính tổng số 28 giếng trong khu vực Cổ thành Huế con số là  24 giếng vuông, còn lại chỉ có bốn giếng tròn. Điều đó cho thấy qua suốt cả ngàn năm lịch sử phong cách chủ đạo của giếng Việt Nam là giếng tròn, tức là khác hoàn toàn với giếng Chăm ở Đàng Trong - vốn quen với phong cách giếng vuông. 

Nhà Nguyễn vừa kế thừa truyền thống dân tộc trong kỹ thuật đào giếng vừa tiếp thu những nét ưu việt của kỹ thuật giếng Chăm nên đã tạo được cả một hệ thống giếng có loại hình phong phú: Giếng tròn và giếng vuông...

... Ngày xưa, sau khi đã đào giếng, người ta rất kiêng chuyện lấp đi. Nguyên do là việc đào giếng, xây giếng không phải dễ dàng lại đụng chạm rất nhiều đến quan niệm về đất đai, phong thủy. Nếu lấp giếng sẽ ảnh hưởng đến long mạch, đến các vị thần linh, đến nhiều vấn đề tâm linh khác.

Cũng may mắn thay, nhờ quan niệm đó mà đến ngày nay, hàng loạt những giếng cổ quý giá đều còn nguyên vẹn, vẫn "trơ gan cùng tuế nguyệt" hiển hiện trong ngõ xóm, thôn làng. Nhờ đó mà các thế hệ tiếp nối sẽ phần nào hiểu được cuộc sống của cha ông trong một thời kỳ lịch sử dài đằng đẵng...” (Theo: Một chút với giếng xưa, Nguyễn Học, Tạp chí Ngày nay số tháng 4-2010).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm