Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho hay thực tế có nhiều ý kiến băn khoăn về việc trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh, vốn đầu tư công triển khai chậm… “Đặc biệt, các trụ cột của nền kinh tế như DN nhà nước, DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), DN tư nhân cũng có sự hụt thu. Vậy thì con số tăng trưởng đưa ra có tính thuyết phục như thế nào? Tôi nghĩ rằng trong báo cáo Chính phủ nên có những minh chứng rõ hơn để chúng ta có niềm tin vững chắc vào tính hiện thực của những kết quả mà chúng ta đạt được” - bà Mai nói.
Bà Mai cũng cho rằng thu ngân sách hiện nay cũng thiếu tính bền vững, phần vượt thu chủ yếu là từ đất đai, tài nguyên, khoáng sản. Đồng tình với quan điểm của đại biểu Mai, đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) cho rằng thu ngân sách của khối DN giảm thì có mấy vấn đề xảy ra gồm: Thứ nhất, doanh thu giảm tức hoạt động sản xuất, kinh doanh giảm. Thứ hai, hiệu quả giảm thì thuế, lợi tức cũng giảm. “Một DN mà doanh thu giảm, lợi tức giảm nghĩa là DN không phát triển. Điều này cho thấy DN thời gian qua rất khó khăn” - ông Bình nhấn mạnh.
Doanh nghiệp làm thủ tục thuế tại Cục thuế TP.HCM. Ảnh: HTD
Đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cho rằng Chính phủ cần phân tích rõ hơn về những khó khăn, thách thức cũng như có giải pháp khắc phục. Cụ thể, phát triển kinh tế tăng trưởng cao nhưng còn băn khoăn về tính vững chắc của tăng trưởng, giải ngân đầu tư xây dựng cơ bản chỉ đạt 40%, trong khi giải ngân vốn vay nước ngoài ODA còn thấp hơn nữa.
Theo ông Lâm, cổ phần hóa DN nhà nước chậm đang làm giảm tăng trưởng, bởi nếu huy động được các nguồn lực vào trong quá trình sản xuất, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế sẽ còn cao hơn nữa. Hay như Hà Nội, TP.HCM không tắc đường hàng giờ, nhích từng tí thì sự lưu thông của nền kinh tế còn lớn hơn nữa để đóng góp cho tăng trưởng.