Muốn dân tin, phải trị mình trước


 
Tiếp tục câu chuyện về những trọng trách lớn lao mà Đảng đang gánh vác trong thời kỳ mới (xin xem bài “Chịu trách nhiệm: Bản lĩnh đổi mới của Đảng”, Pháp Luật TP.HCM ngày 6-2), ông Nguyễn Thọ Chân, nguyên Ủy viên trung ương Đảng (khóa III), nguyên Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, nói: “Trong suốt lịch sử xây dựng và phát triển của mình, Đảng có cái hay, cái dở; có xấu, có tốt; có lúc sai lầm nhưng Đảng trước sau gì cũng nhận ra, sửa chữa, có khi thành khẩn xin lỗi dân. Tôi tin rằng với sức sống được minh chứng qua lịch sử đó, Đảng sẽ tiếp tục vững vàng thực hiện vai trò lãnh đạo, đưa đất nước và dân tộc này tiến lên trong thời gian tới”.

“Tôi đã trăn trở không ít”

. Thưa ông, bằng những trải nghiệm rất thực của mình (ông Nguyễn Thọ Chân năm nay 94 tuổi, đã có 78 năm hoạt động cách mạng, với 75 năm tuổi Đảng - PV), ông có thể làm rõ hơn niềm tin mà ông đã nói trên đây?

+ Sự thật, trước những thực tế diễn ra, tôi đã trăn trở không ít về sự tồn vong của Đảng. Cũng có lúc thoáng qua những suy nghĩ không tích cực cho lắm. Nhưng đến bây giờ tôi vẫn đứng trong đội ngũ của Đảng và vẫn đặt niềm tin vào sức sống của Đảng. Với một Đảng đã hy sinh rất nhiều từ lớp này đến lớp khác, có khi bị dập nát còn rất ít đảng viên mà vẫn hoạt động, vươn lên; những tù đày, tùng xẻo đau đớn cũng chỉ làm lay chuyển một số ít người, còn cả tập thể những người cộng sản chưa bao giờ gục ngã. Sức sống ấy, sự mãnh liệt ấy của Đảng là rất ghê gớm, không có tổ chức nào có được. Và những gì Đảng đã làm, đã hy sinh cho thấy Đảng cộng sản là một Đảng yêu nước, thương dân tới cùng.

Nhiều vụ tham nhũng trọng điểm đã được phanh phui và nghiêm trị đem lại niềm tin cho người dân.Trong ảnh: Xét xử vụ tham nhũng tại Công ty cho thuê tài chính II  ở TAND TP.HCM. Ảnh: HTD

Nhưng phải thấy rằng tình thế mỗi lúc mỗi khác và Đảng cũng đã có những vận động phù hợp để phát triển. Trong những hoàn cảnh rất khó khăn, như thời kỳ bí mật và mấy cuộc kháng chiến, tổ chức kỷ luật rất nghiêm nhưng không phải không có tiêu cực xảy ra, điều này là khó tránh khỏi. Cán bộ đảng viên xuất thân từ những tầng lớp xã hội khác nhau nên khá phức tạp, có những cán bộ, thậm chí là cán bộ cấp cao sai phạm nhưng bị xử lý ngay. Đối với việc lãnh đạo xây dựng và phát triển đất nước, Đảng cũng có lúc nhanh nhạy nhưng có lúc chậm chạp, có những khi để tình thế dồn đến chân tường nhưng rốt cuộc Đảng cũng đã nhận thấy, tự phê bình, tự chỉnh đốn và có chủ trương thích hợp.

Có khi gây thiệt hại to lớn đến nhân dân, Đảng đã phải xin lỗi nhân dân như hồi cải cách ruộng đất và gần đây để kinh tế xã hội xảy ra nhiều tiêu cực, đời sống khó khăn, Ban chấp hành trung ương cũng đã phải xin lỗi dân. Tất cả điều ấy đáng để tôi và nhiều người tiếp tục đứng trong Đảng, xây dựng, góp sức củng cố cho Đảng ngày càng phát triển, tiến bộ và vững mạnh.

Trị nội bộ trước

. Đặt trong tình hình hiện nay, khi nạn tham nhũng, sự suy thoái đang làm ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của Đảng và niềm tin đối với Đảng cũng ít nhiều bị giảm sút. Theo ông, Đảng đã có những hành động tương thích để chữa trị tình trạng này chưa?

+ Nghị quyết trung ương 4 của Đảng đã xác định rõ thực trạng này rồi. Đảng cũng đã chỉ rõ có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Đảng đã thấy rằng muốn dân tin thì phải trị nội bộ trước, điều này là rất tốt. Trong toàn Đảng đã phải tự kiểm điểm; nhiều vụ tham nhũng trọng điểm cũng được phanh phui và nghiêm trị. Nhưng phải thấy rằng kết quả bước đầu còn khiêm tốn, tất nhiên là chưa dễ hoàn hảo đâu. Và Đảng cần phải làm tiếp. Tôi thấy Tổng bí thư kiên quyết lắm và mong rằng sự kiên quyết ấy sẽ được hiện thực hóa bằng hành động, với sự đoàn kết, nhất trí cao của lãnh đạo trung ương và các cấp ủy chứ không phải Tổng bí thư muốn là làm được.

. Nhìn vào bức tranh xã hội hiện nay, điều gì khiến ông còn băn khoăn, trăn trở nhiều nhất?

+ Trong cách mạng và kháng chiến, lực lượng chủ lực là công nông, đặc biệt là nông dân hy sinh nhiều nhất. Công lao của bà con nông dân với cách mạng là to lớn lắm. Đảng ta nhiều người xuất phát từ nông dân, được nông dân nuôi nấng, bao bọc… Thế nhưng nông dân ta hiện nay còn nghèo khổ nhiều. Bà con hiện nay hưởng rất ít trong thành quả lao động của mình. Những chính sách phát triển kinh tế-xã hội của ta có khi gây ra những tổn thương cho người nông dân như việc thu hồi đất đai, bồi thường không phù hợp; điều này còn gây ra nhiều mâu thuẫn nữa. Nông dân nghèo khó bỏ thôn quê, lên đô thị thì lại trở thành dân nghèo thành thị. Thời gian gần đây, chúng ta đã có những chính sách quan tâm, chăm sóc nhiều hơn nên cũng khá hơn lên. Nhưng tôi nghĩ rằng phải làm sao đó đừng để nông dân thấy mình bạc bẽo.

Đối với công nhân cũng thế, ta bây giờ đã có nghị quyết xây dựng giai cấp công nhân nhưng khi thực hiện đừng làm cho họ có cảm giác được ban ơn. Đừng để công nhân cảm giác ta dần lìa xa họ; Đảng phải hiện diện nhiều hơn trong đời sống của công nhân. Vì một khi giai cấp công nhân thấy họ bị gạt ra ngoài, họ thấy đời sống mình chậm được cải thiện, trong khi giám đốc doanh nghiệp nhà nước thì như ông chủ, dần dà họ sẽ giảm độ tin cậy. Đồng thời, công đoàn phải là tổ chức của công nhân chứ không phải của cán bộ phi công nhân. Công đoàn phải thực sự bảo vệ quyền lợi, tổ chức giáo dục bằng tình cảm tha thiết với người công nhân.

. Xin cảm ơn ông.

MINH CƯỜNG thực hiện

 

Tạo thế và lực để bảo vệ chủ quyền

. Phóng viên: Thưa ông, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ hiện nay đang đặt nhiều vấn đề rất nóng. Cần có những phương sách nào để đảm bảo chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc?

+ Ông Nguyễn Thọ Chân: Anh thấy đấy, nước lớn đã lớn rồi nhưng còn muốn lớn hơn nữa, họ không bao giờ thỏa mãn, đó cũng là điều dễ hiểu. Giờ mình muốn giữ chủ quyền của mình phải có mấy điều kiện:

Thứ nhất là dân mình phải yêu nước và đoàn kết, đây là điều vô cùng quan trọng. Chính lòng yêu nước nồng nàn và hạnh phúc trong cuộc sống là giềng mối để nhân dân ta bao đời nay đoàn kết, bảo vệ đất nước.

Thứ hai, kinh tế phải phát triển để cải thiện đời sống cho người dân. Dân có no ấm thì mới giữ nước được. Vì thế, phải làm thế nào để kinh tế phát triển lành mạnh; chú ý xóa đói giảm nghèo, giúp đỡ công nhân, nông dân, bà con vùng sâu, vùng xa… để họ thấy được ấm no, hạnh phúc. Mặt khác, kinh tế mạnh thì vị thế của Việt Nam trong khu vực cũng sẽ được củng cố hơn, điều này là rất quan trọng trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Trong thời gian qua để thất thoát kinh tế nhiều quá, làm cho thế lực của ta yếu đi là một khuyết điểm lớn.

Thứ ba là quốc phòng phải mạnh, ai muốn xâm lược mình, dù trình độ họ cao hơn nhưng họ phải dè chừng khi mình cũng có đủ “nanh vuốt” và sự ủng hộ của loài người tiến bộ. Tóm lại là phải có thế và lực mạnh mới tránh được chiến tranh xâm lược.

Trên tinh thần đó, phải thúc giục toàn dân đoàn kết, tôn trọng pháp luật; gìn giữ kỷ cương trong Đảng, Nhà nước và ngoài xã hội. Mọi người Việt Nam phải cố gắng học tập, làm việc không mệt mỏi đưa đất nước ngày càng phát triển thì mới giữ được nước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới