Muốn danh hiệu NSND, phải có giải nhà nước

UBND các tỉnh, thành trên khắp cả nước đang gửi danh sách nghệ sĩ được đề nghị xét tặng Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) và Nghệ sĩ nhân dân (NSND) về Bộ VH-TT&DL.

Rớt vì giải thưởng

Việc xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT năm nay căn cứ theo Nghị định 89/2014 quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT. Đây là năm đầu tiên việc xét tặng những danh hiệu này quy định rõ lượng giải thưởng nghệ sĩ cần có để được xét tặng. Cụ thể, một trong bốn tiêu chuẩn để được xét tặng danh hiệu NSƯT là “có ít nhất hai giải vàng quốc gia hoặc một giải vàng quốc gia và hai giải bạc quốc gia”. Năm nay cũng là năm đầu tiên các danh hiệu này không xét đặc cách cho những trường hợp không đủ tiêu chuẩn trên dù có cống hiến cả đời.

Nghị định 89 cũng cho phép quy đổi để tính giải vàng, giải bạc quốc gia ở một số giải thưởng khác. Tuy nhiên, để đạt được tiêu chuẩn giải vàng, giải bạc quốc gia không phải là điều dễ dàng với nhiều nghệ sĩ. Có nhiều nghệ sĩ lâu năm, cống hiến cả đời cho nghệ thuật không hề lọt nổi vào danh sách của cấp cơ sở.

Những ca sĩ như Mỹ Linh, Hồng Nhung… dù công chúng yêu quý nhưng không tham gia các hội diễn thì không bao giờ chạm đến được danh hiệu NSƯT, NSND. Ảnh: Tư liệu

Nghệ sĩ hài Phú Quý, một trong 11 gương mặt lọt sổ trong đợt xét tặng NSƯT lần này của TP.HCM, cho biết: “Tôi có một vàng và một bạc toàn quốc, tôi thiếu một bạc nữa mới đủ tiêu chuẩn! Cá nhân tôi có được niềm vui, tự hào vì cống hiến, còn Nhà nước thấy được thì thấy, cho thì lấy, không thì chúng tôi vẫn cống hiến hết sức”.

Tuy nhiên, hơn 50 năm gắn bó với sân khấu và được công chúng yêu mến, nghệ sĩ hài Phú Quý vẫn không khỏi xót xa khi phong tặng danh hiệu dựa trên tiêu chuẩn giải vàng, bạc. Bởi thực tế, “trong các hội diễn gần đây, giải vàng hay bạc dành cho cá nhân thường rơi vào các em diễn viên trẻ bởi vai chính thường giao cho các em. Chúng tôi là phận vai phụ thì cao lắm cũng chỉ giải bạc” - nghệ sĩ Phú Quý chia sẻ.

Đạo diễn Nguyễn Mộng Long gửi gắm: “Việc dùng giải thưởng để làm tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu đó là hạn chế của việc khen thưởng. Những nghệ sĩ thường tham gia các hội diễn để có giải thưởng chưa chắc là nghệ sĩ được công chúng biết đến. Thế nên đừng để những nghệ sĩ công chúng yêu quý khi chết đi mới được đặc cách phong tặng danh hiệu như trường hợp diễn viên Văn Hiệp thời gian qua”.

Gian nan từ “ưu tú” lên “nhân dân”

Được danh hiệu NSƯT đã khó vì phải có yếu tố giải thưởng, muốn từ NSƯT lên được NSND, người nghệ sĩ phải đáp ứng tiêu chuẩn “đã được tặng danh hiệu NSƯT và có ít nhất hai giải vàng quốc gia sau khi được tặng danh hiệu NSƯT”. Thế nhưng thực tế, để đạt được NSƯT thì nghệ sĩ phải thỏa mãn tiêu chuẩn “có thời gian hoạt động chuyên nghiệp từ 15 năm trở lên” (riêng xiếc và múa thì 10 năm). Trong 15 năm đó, để có được hai giải bạc và một, hai giải vàng thì mọi tinh hoa của người nghệ sĩ đã phải phát ra hết. Những nghệ sĩ nhận danh hiệu NSƯT hầu hết đều đã qua thời vàng son của nghề, việc đòi hỏi phải có thêm hai vàng thì NSƯT mới được NSND là điều dường như không tưởng.

Nhân về trường hợp của NSƯT Út Bạch Lan mấy năm liên tục không được NSND, đạo diễn Nguyễn Mộng Long nói: “Xét tặng dựa trên giải thưởng nhưng hội đồng xét tặng có nghĩ đến rằng danh hiệu dù là NSND hay NSƯT cũng đều xuất hiện sau này, còn những nghệ sĩ đã ở trong lòng công chúng như cô Út Bạch Lan là người đã cống hiến thời đầu cải lương và được công chúng ái mộ nhiều, trước khi những giải thưởng này xuất hiện. Vậy họ có xứng đáng để trao tặng danh hiệu hay không?”.

Thiết nghĩ với việc xét tặng danh hiệu cần phải có tiêu chí giải thưởng nhưng không nên lệ thuộc hoàn toàn vào tiêu chí này. Với những nghệ sĩ hiếm có cơ hội để đi thi thố, liên hoan để có giải thưởng nhưng từ lâu họ đã ở trong lòng công chúng thì nên có một cơ chế xét tặng riêng.

Đủ vàng, bạc vẫn lọt sổ

Tôi có một Bông sen vàng, một giải đạo diễn xuất sắc nhất và Cánh diều vàng, nếu tính quy đổi tôi có tất cả 2,5 Bông sen vàng, chưa kể đến một số giải bạc ở giải Cánh diều. Theo quy định của Nghị định 89, tôi đủ giải vàng và bạc chứ không thiếu nhưng hội đồng cơ sở ở TP.HCM không hiểu dựa vào đâu mà một phim chỉ xét một giải thưởng nên tôi không được vào danh sách. Điều này ảnh hưởng đến nghệ sĩ lắm!

Đạo diễn NGUYỄN MỘNG LONG, một trong 11 nghệ sĩ “lọt sổ” trong đợt xét tặng danh hiệu NSƯT lần này của TP.HCM

Quy đổi giải thưởng được tính như thế nào?

- Lĩnh vực điện ảnh và phát thanh, truyền hình sẽ lấy Bông sen vàng - giải thưởng chính thức của Liên hoan phim quốc gia (Liên hoan phim Việt Nam) làm chuẩn. Theo đó, các giải thưởng: Cánh diều vàng (giải Cánh diều); huy chương vàng (Liên hoan phim truyền hình toàn quốc); giải thưởng chính thức của ban giám khảo tại Liên hoan phim quốc tế dành cho bộ phim và dành cho cá nhân; giải xuất sắc dành cho cá nhân tại Liên hoan phim Việt Nam, giải thưởng cao nhất dành cho cá nhân của Hội Điện ảnh Việt Nam và Liên hoan phim truyền hình toàn quốc sẽ được quy đổi thành Bông sen vàng khi xét NSƯT và NSND.

- Lĩnh vực âm nhạc, múa, sân khấu đều lấy huy chương vàng của Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc làm chuẩn. Lĩnh vực này chỉ xem xét quy đổi huy chương vàng, giải nhất, giải A, cúp vàng của các hội diễn, liên hoan, cuộc thi về nghệ thuật biểu diễn chuyên nghiệp trong nước hoặc quốc tế.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới