UBND huyện Bình Chánh đã có đề án xin thành lập quận Bình Chánh thay vì cơ chế huyện như hiện nay. Trong thời gian chờ ý kiến chính thức của cấp có thẩm quyền, địa phương này kiến nghị cho áp dụng thí điểm cơ chế phường trực thuộc huyện đối với thị trấn Tân Túc cùng bốn xã Bình Hưng, Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Tân Kiên.
Phù hợp thực tế nhưng vướng luật
Ngày 24-8, tại buổi làm việc với Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, lãnh đạo huyện Bình Chánh cho hay: Bình Chánh là cửa ngõ phía tây, có rất nhiều công trình giao thông trọng điểm của TP. Tỉ lệ tăng dân số cơ học rất nhanh, phát sinh nhiều vấn đề phức tạp trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt là trong các lĩnh vực an ninh trật tự, quản lý đất đai, xây dựng, vệ sinh môi trường… Do tổ chức bộ máy quản lý nhà nước cấp xã không theo kịp tốc độ phát triển nên cần phải có cơ chế phường để phù hợp với tình hình hiện nay. Trong đó, năm xã, thị trấn Bình Hưng, Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Tân Kiên, Tân Túc là điển hình.
Tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Lê Văn Làm đánh giá: Với tình hình của Bình Chánh hiện nay, năm xã, thị trấn nói trên đủ điều kiện để áp dụng cơ chế phường. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất là luật chưa quy định về cơ chế phường trực thuộc huyện nên TP phải xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Nghị định 62/2011, để hình thành phường thuộc quận phải đáp ứng bốn điều kiện: Mật độ dân số từ 10.000 người/km2; tỉ lệ lao động phi nông nghiệp từ 85% trở lên; có hệ thống các công trình hạ tầng đô thị được xây dựng đồng bộ và phải có quy hoạch chi tiết được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Năm xã, thị trấn của Bình Chánh hiện đã đáp ứng cơ bản, thậm chí vượt các tiêu chí trên nên đề xuất của Bình Chánh là phù hợp với quy định pháp luật cũng như tình hình thực tiễn.
Ông Làm thông tin thêm TP đã chỉ đạo Sở Nội vụ làm việc về đề xuất của huyện Bình Chánh và một số huyện ngoại thành, đồng thời kiến nghị chính thức với Bộ Nội vụ. “Bộ Nội vụ cho rằng do luật chưa quy định nên cần phải xin chủ trương của Thủ tướng Chính phủ. Muốn vậy, TP.HCM phải làm đề án để trình Bộ Nội vụ cũng như các bộ, ngành liên quan. Sau khi xem xét, Bộ sẽ có tờ trình Thủ tướng” - ông Làm nói.
Thống nhất với đề xuất của Bình Chánh, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong yêu cầu Sở Nội vụ tiếp tục kiến nghị Bộ Nội vụ để TP sớm được thí điểm cơ chế phường trực thuộc huyện.
Khu dân cư Trung Sơn (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM) không còn mang bóng dáng làng xã nông thôn. Ảnh: HOÀNG GIANG
Không còn bóng dáng nông thôn
Ngày 24-8, chúng tôi tìm đến các xã Bình Hưng, Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B và Tân Kiên để tìm hiểu thực tế. Điều đầu tiên dễ nhận thấy là các địa phương này gần như không còn bóng dáng của làng xã nông thôn.
Nằm giáp ranh với khu Phú Mỹ Hưng, quận 7 và trung tâm hành chính quận 8, xã Bình Hưng chẳng có gì khác biệt với các đô thị xung quanh. Hai con đường lớn là Phạm Hùng và quốc lộ 50 đều đi qua xã Bình Hưng, các phường 4, 5, 6 của quận 8 và phường Tân Phong, quận 7. Dọc theo các trục đường này, hai bên nhà cửa san sát, dân cư buôn bán sầm uất. Nếu không có địa chỉ thì không thể biết được đâu là xã, đâu là phường.
Nhiều khu dân cư tại xã Bình Hưng thậm chí còn hiện đại, sang trọng hơn các phường lân cận. Riêng ấp 4B đã có tới hai khu dân cư Him Lam và Trung Sơn và có cả dự án BV Chấn thương Chỉnh hình (đang triển khai bồi thường). Theo thống kê của xã Bình Hưng, chỉ trong khu Trung Sơn đã có hơn 130 khách sạn, rất nhiều trụ sở ngân hàng, công ty cùng các nhà hàng, dịch vụ thương mại.
Tương tự, hai xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B nằm cùng trên tuyến đường Vĩnh Lộc (hương lộ 80 cũ). Dọc hai bên đường, nhiều khách sạn, nhà hàng, tụ điểm vui chơi giải trí, dịch vụ hiện đại mọc lên san sát nhau. Người dân tụ tập buôn bán vô cùng sầm uất. Nhiều tuyến đường còn được gắn cả camera để đảm bảo an ninh trật tự.
Ông Hồ Văn Quân ngụ ấp 6, xã Vĩnh Lộc A cho biết: “Khu vực này từ lâu đã phát triển rất hiện đại. Điện, đường, trường, trạm và dịch vụ, vui chơi giải trí đều phát triển vượt quá tiêu chí của một xã nông thôn. Cùng nằm trên một tuyến đường và cùng phát triển như nhau nhưng khu vực đường Nguyễn Thị Tú thì được công nhận là phường Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân), trong khi khu vực đường Vĩnh Lộc A thì chỉ được công nhận xã. Như vậy chưa có sự tương xứng”.
Còn lãnh đạo xã Tân Kiên cho biết trên địa bàn xã đang triển khai nhiều dự án về hạ tầng giao thông, các công trình lớn của TP như Cụm y tế Tân Kiên, trong đó có BV Nhi TP, khu Depot Metro, đường Võ Văn Kiệt nối dài và cả khu công trình công cộng của TP... Ngoài ra còn có cao tốc Sài Gòn - Trung Lương chạy qua nên chỉ vài năm tới, nơi đây sẽ là khu đô thị, dịch vụ sôi động của TP.
Ông Trương Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Bình Hưng, cho biết hiện nay dân số xã đã đạt gần 80.000 người (trong khi đó bốn năm trước mới chỉ khoảng 66.000 người). Diện tích đất nông nghiệp chỉ còn khoảng 200 ha trên tổng số 1.372 ha; gần 100% lao động trong lĩnh vực phi nông nghiệp. |