Tại buổi làm việc với Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, lãnh đạo huyện Bình Chánh đã tiếp tục kiến nghị cho phép địa phương này thí điểm cơ chế phường với bốn xã (Bình Hưng, Tân Kiên, Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B) và thị trấn Tân Túc. Theo huyện Bình Chánh, với tốc độ đô thị hóa mạnh như hiện nay, cơ chế xã đã không còn phù hợp nữa.
Cơ chế xã “trói” nhiều thứ
Ông Võ Văn Quận, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, cho rằng với tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ, đặc biệt là tại bốn xã nêu trên đã phát sinh nhiều hệ lụy trong công tác quản lý địa bàn. Cụ thể như dân số tăng nhanh, tình hình an ninh trật tự, môi trường, quản lý đất đai, xây dựng càng phức tạp trong khi vẫn phải áp dụng cơ chế của xã là rất khó đáp ứng hiệu quả trong việc quản lý và phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Về bốn xã Bình Hưng, Tân Kiên, Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B và thị trấn Tân Túc, ông Quận cho hay đây là các khu vực đô thị hóa, đảm bảo các điều kiện cần thiết theo quy định của pháp luật.
Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng (từng là chủ tịch UBND huyện Bình Chánh), người từng đề xuất thí điểm cơ chế thị xã Bình Chánh, cũng rất ủng hộ đề xuất này. Theo ông Tuấn, Bình Chánh là địa bàn cửa ngõ phía tây của TP, tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ và dân số cơ học tăng nhanh. Cơ chế quản lý cũng như tổ chức bộ máy của xã như hiện nay không theo kịp sự phát triển kinh tế-xã hội, dẫn đến hạn chế trong công tác quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực như đất đai, xây dựng, môi trường, trật tự an toàn xã hội.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đang phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với lãnh đạo huyện Bình Chánh ngày 23-8. Ảnh: VIỆT HOA
Ông Lê Văn Làm, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, cho hay năm 2014 UBND TP đã chỉ đạo sở này làm việc về đề xuất của Bình Chánh. Khi làm việc với Bộ Nội vụ, bộ này cho biết luật hiện nay không có cơ chế này nên muốn áp dụng thì TP.HCM phải làm đề án trình các bộ, ngành xem xét và trình Thủ tướng chấp thuận.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cũng thống nhất với đề xuất của Bình Chánh. Ông Phong yêu cầu Sở Nội vụ tiếp tục kiến nghị Bộ về vấn đề này. “Nội dung bên trong thì đã là đô thị nhưng hình thức bên ngoài vẫn là xã, cơ chế quản lý rất khó khăn” - ông Phong nói.
Địa bàn “nóng” về xây dựng không phép, sai phép
Theo báo cáo của UBND huyện Bình Chánh, vấn đề nóng nhất tại huyện này là liên quan đến quản lý đất đai và xây dựng. Đặc biệt là tình hình xây dựng nhà không phép, sai phép. Từ đầu năm đến nay đã xảy ra khoảng 535 vụ, tập trung tại các xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Bình Hưng…
“Dù đã có sự chỉ đạo quyết liệt nhưng tình hình vi phạm vẫn còn diễn biến phức tạp. Số vụ vi phạm tăng gần 3% so với cùng kỳ, đặc biệt là các vụ việc được dư luận quan tâm nhưng giải quyết còn chậm” - chủ tịch huyện Bình Chánh nói. Ông Quận cũng thừa nhận công tác phối hợp giữa Thanh tra Sở Xây dựng và các xã chưa chặt chẽ. Công tác tổ chức, phối hợp trong việc kiểm tra, phát hiện vi phạm cũng chưa hiệu quả, để công trình xây dựng hoàn thành gây khó khăn trong việc cưỡng chế.
Theo ông Trần Trọng Tuấn, để giải quyết được tình trạng xây dựng không phép, sai phép thì phải tiếp tục rà soát quy hoạch để điều chỉnh phù hợp với tình hình hiện nay. Vì cứ giữ quy hoạch cách đây 10 năm, 20 năm cũng sẽ tạo điều kiện cho tình trạng xây dựng không phép, sai phép nhiều hơn.
Đồng tình với đề xuất của ông Tuấn, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh: “Việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch là hoàn toàn nằm trong tầm tay của chúng ta mà không phụ thuộc vào cấp trên nào hết nên cần phải làm ngay”. Ông Phong cũng chỉ đạo huyện Bình Chánh xem lại, bên cạnh nguyên nhân từ quy hoạch thì việc xây nhà không phép, sai phép còn bắt nguồn từ đâu để có giải pháp xử lý và quản lý chặt chẽ.