Phát biểu trong họp báo ngày 23-3 (giờ địa phương), Tổng thống Donald Trump khẳng định thế giới cần chung tay bảo vệ người châu Á nói chung và người Mỹ gốc Á nói riêng trước nạn kỳ thị, khẳng định họ không phải là thủ phạm gây ra đợt bùng phát COVID-19 trên toàn cầu, theo tờ South China Morning Post.
“Họ là những người tuyệt vời và sự lây lan của virus không phải lỗi của họ dưới bất cứ hình thức nào... Những người châu Á đang phối hợp với chúng ta để loại bỏ virus đó. Chúng ta sẽ cùng nhau chiến thắng. Đó mới là điều quan trọng” - ông Trump nhấn mạnh.
Được biết những bình luận này cho thấy sự thay đổi rõ rệt trong thái độ của ông Trump so với vài ngày trước đó khi ông chỉ trích Trung Quốc (TQ) làm dịch COVID-19 lan rộng và gọi SARS-CoV-2 là “virus TQ”. Nhiều lãnh đạo đã chỉ trích việc gọi như vậy không chỉ ảnh hưởng đến người TQ mà còn cả những cộng đồng người châu Á khác trên toàn thế giới.
Khi kỳ thị đáng sợ hơn dịch bệnh
Cho đến thời điểm này, người châu Á sinh sống ở phương Tây đang phải trải nghiệm những điều xấu xí nhất trong xã hội phương Tây - chủ nghĩa bài ngoại và phân biệt chủng tộc, theo bài viết đăng trên tờ The Financial Times của tác giả người gốc TQ Andrew Chan.
Theo đó, các vụ kỳ thị nếu nhẹ nhàng và lịch sự thì người da trắng, người da đen tránh đến các cửa hiệu TQ hay Thái… vốn luôn là những địa điểm ẩm thực phổ biến. Trường hợp nặng hơn, người châu Á có thể bị la ó, tẩy chay và thậm chí bị hành hung.
Đầu tháng 3, một sinh viên người Singapore tên Jonathan Mok đang học tập tại Anh bất ngờ bị một nhóm người lạ mặt tấn công giữa ban ngày. Theo lời kể của anh, khi anh đang đi trên phố thì bị bốn thanh niên tiếp cận, hét lớn “Bọn tao không muốn virus COVID-19 của chúng mày sống ở đây”, rồi xông vào hành hung anh. Các vết thương nặng đến nỗi bác sĩ đã phải đề nghị phẫu thuật điều chỉnh lại cấu trúc xương và cơ mặt.
Không chỉ xuất hiện ở các độ tuổi vị thành niên mà ngay cả trẻ nhỏ cũng không thể thoát khỏi tâm lý kỳ thị xấu xí này. Tờ The Los Angeles Times tuần trước ghi nhận một cậu bé người Mỹ gốc Việt, 13 tuổi, tên Dylan Muriano bị giáo viên trong trường kỳ thị vì ho trong lớp.
Cụ thể, cậu bé bị yêu cầu lập tức xuống phòng y tế và khi quay lại, giáo viên đứng lớp tiếp tục bắt cậu ngồi một góc suốt thời gian còn lại. Muriano sau đó còn bị các bạn cùng lứa trêu chọc rằng cậu nhiễm virus COVID-19.
Các vụ việc dần trở nên nghiêm trọng đến mức nhiều người châu Á bị hành hung và kỳ thị bằng lời nói hoặc chỉ vì mang khẩu trang. Một cái khàn giọng, ho hay xì mũi đều khiến người châu Á bị gọi bằng những từ ngữ phân biệt nặng nề.
Người dân đi trên đường phố TP Los Angeles, Mỹ ngày 23-3. Ảnh: THE LOS ANGELES TIMES
Đối với các nước châu Âu và Mỹ, khẩu trang chỉ dành cho người đang có bệnh chứ không dùng để phòng vệ như cách hiểu của người châu Á. Do đó, khi nhìn thấy một người da vàng đeo khẩu trang, tâm lý phương Tây chỉ thấy họ là một con dịch di động cần phải tránh xa.
Theo tờ South China Morning Post, một sinh viên TQ theo học tại ĐH Sheffield (Anh) đã bị quấy rối tình dục vào tháng 1 vừa qua vì đeo khẩu trang. Ở một diễn biến khác, một phụ nữ TQ bị tấn công ở TP New York (Mỹ) vào tháng 2 cũng vì lý do tương tự.
Bình luận về hiện tượng trên, GS Gilbert Gee thuộc ĐH California (Mỹ) cho biết: “Mọi người (ở phương Tây) có xu hướng đánh đồng người bị bệnh với cộng đồng của họ. Đó là nguyên nhân dẫn đến hành vi phân biệt đối xử. Khi bạn chỉ trích toàn bộ nhóm người chỉ vì một cá nhân, điều đó trở thành định kiến”.
“Nên chữa trị cho những ai có triệu chứng bệnh thay vì chỉ nhăm nhe đánh giá người khác qua bề ngoài rồi tìm mọi cách cách ly hoặc cấm họ tới những nơi công cộng. Đó là suy nghĩ bình thường và không để nỗi sợ hãi, hoảng loạn đẩy chúng ta quay lại với nỗi sợ hãi sai lầm về người ngoại quốc” - chuyên gia này nói.
Trong một nghiên cứu năm 2015 do ĐH Stanford (Mỹ) thực hiện, các thông tin dịch bệnh đã được chứng minh có thể khiến con người thay đổi hoàn toàn góc nhìn và quan điểm của mình.
Nghiên cứu lấy hai nhóm mẫu người tham gia có nền tảng văn hóa, học thuật, sắc tộc đa dạng nhưng cho họ trả lời câu hỏi trong hai hoàn cảnh hoàn toàn khác nhau. Nhóm thứ nhất được cho biết thông tin rằng một loại dịch bệnh lạ đang bùng phát ở Mỹ, nhóm thứ hai thì không.
Sau đó những người tham gia được hỏi về việc có nên hợp pháp hóa việc định cư của những người nhập cư trái phép nhưng đã sinh sống đủ lâu trong khoảng thời gian nhất định tại Mỹ hay không. Đúng như dự đoán, nhóm đầu có xu hướng phản đối chính sách hợp pháp hóa.
Tính đến 20 giờ ngày 24-3, tờ South China Morning Post dẫn nguồn Ủy ban Y tế quốc gia TQ ghi nhận toàn thế giới có 16.869 người tử vong vì COVID-19, 378.927 ca nhiễm. Đại dịch hiện đã lan ra hơn 196 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các cơ quan y tế TQ cũng cho biết có 97.679 bệnh nhân đã được xuất viện sau khi điều trị thành công. |
Đừng biến sợ hãi thành kỳ thị
Đến nay, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đã khuyên mọi người không nên hoảng sợ về COVID-19 và chống lại những người phân biệt đối xử giữa dịch bệnh. Trên thực tế, một số chính quyền tiểu bang của Mỹ cũng đã cố gắng giảm nỗi sợ hãi người gốc Á vì COVID-19.
Là bang có cộng đồng người gốc Á lớn nhất ở Mỹ, California nỗ lực ngăn chặn làn sóng kỳ thị trước khi chúng lan rộng. Giới chức bang khuyến khích người dân lên tiếng mỗi khi thấy hành động, lời lẽ kỳ thị vì dịch COVID-19 xảy ra với người khác.
Tại TP Toronto, Canada, các chính khách và quan chức trường học, cộng đồng kêu gọi không lặp lại sự kỳ thị đã bao trùm TP vào năm 2003 khi dịch SARS (Hội chứng suy hô hấp cấp tính) làm 44 người ở đây tử vong.
Trong khi đó, Thị trưởng TP Paris Anne Hidalgo ngày 12-3 đã khẳng định người Pháp đoàn kết với cộng đồng châu Á trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Một tờ báo địa phương ở Pháp cũng đã buộc phải xin lỗi sau khi làm dấy lên làn sóng bức xúc với tiêu đề “Alerte Jaune” (Cảnh báo vàng) hàm ý kỳ thị người gốc Á.
“Có hai điều mọi người cần nhớ mỗi sáng thức dậy: Rửa tay và đừng trở thành kẻ phân biệt chủng tộc” - bà Hidalgo chia sẻ.
Việt Nam xử lý nghiêm hành vi kỳ thị người nước ngoài Trong Công văn số 2052/VPCP-KGVX do Văn phòng Chính phủ ban hành ngày 17-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương khẩn trương chỉ đạo rà soát về tình hình khách du lịch nước ngoài trên địa bàn; chỉ đạo các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch, cơ sở lưu trú, nhất là tại các khu, điểm du lịch thực hiện nghiêm quy định của Luật Du lịch về việc không phân biệt đối xử đối với khách du lịch; chấn chỉnh và xử lý nghiêm mọi hành vi kỳ thị, từ chối phục vụ khách du lịch là người nước ngoài. |