Tin từ CNN, Mỹ đã bắt đầu chuẩn bị các bước cần thiết để đưa một tàu chiến đến biển Đen. Thông tin gây chú ý lớn trong bối cảnh khu vực trên đang rất nóng sau khi Nga nổ súng bắt ba tàu hải quân và bắt giam 24 thủy thủ Ukraine tuần trước.
Biển đen nóng dần
CNN dẫn thông tin từ ba quan chức Mỹ cho biết quân đội Mỹ đã đề nghị Bộ Ngoại giao thông báo với Thổ Nhĩ Kỳ về kế hoạch đưa một tàu chiến đến biển Đen. Động thái này nhằm phản ứng với hành động bắt tàu Ukraine ở eo biển Krech - nối biển Azov và biển Đen.
Sở dĩ Mỹ buộc phải thông báo với Thổ Nhĩ Kỳ nếu muốn đưa tàu chiến đến biển Đen là nhằm tuân thủ Hiệp định Montreux được ký năm 1936, quy định về việc di chuyển tàu quân sự qua các eo biển Bosporus và Bardanelles nối Địa Trung Hải với biển Đen. Theo Hiệp định Montreux thì các nước không có bờ biển ở biển Đen buộc phải thông báo với Thổ Nhĩ Kỳ ít nhất 15 ngày trước khi muốn đưa tàu qua các eo biển này đến biển Đen. Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định Mỹ hành động phù hợp với các điều khoản của Hiệp định Montreux.
Lính thủy quân lục chiến Mỹ tiến vào bờ biển gần TP Mykolayivka thuộc tỉnh Luhansk (Đông Ukraine) trong cuộc tập trận hàng hải Sea Breeze 2017 do Ukraine tổ chức ở biển Đen. Ảnh: US MARINE CORPS
Hạm đội 6 hải quân Mỹ, giám sát các chiến dịch hàng hải của Mỹ trong khu vực, cho biết hạm đội thường xuyên thực hiện các chiến dịch thúc đẩy an ninh và ổn định ở các vùng biển và không phận quốc tế, trong đó có biển Đen và đã sẵn sàng nhận lệnh hành động. Lần gần nhất tàu Mỹ xuất hiện ở biển Đen là vào tháng 10, đó là tàu vận tải USNS Carson City. Tàu khu trục tên lửa USS Carney lớp Arleigh Burke của Mỹ cũng từng xuất hiện và rời khỏi biển Đen hồi tháng 8.
Tại hội nghị các ngoại trưởng NATO vừa rồi, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg không nói gì tới chuyện Ukraine muốn NATO đưa tàu chiến đến khu vực. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết liên minh “sẽ cùng phát triển một loạt phản ứng nhằm thể hiện cho Nga thấy cách hành xử của Nga không thể chấp nhận được”.
21 là số ngày tối đa tàu Mỹ có thể ở lại biển Đen theo Hiệp định Montreux. |
Nga tập trận quân sự
Phần mình, Bộ Ngoại giao Nga ngày 5-12 cho rằng các đe dọa của Mỹ về chuyện Nga bắt tàu và thủy thủ Ukraine là vô lý, đồng thời phản ứng với cảnh cáo trước đó của Mỹ rằng Nga sẽ phải chịu hậu quả nếu không thả ngay tàu và thủy thủ Ukraine. Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Nga thông báo binh sĩ mình ở Đông Crimea, lãnh thổ Nga sáp nhập từ Crimea năm 2014, đã thực hiện một cuộc tập trận quân sự cùng với các hệ thống tên lửa phòng không Pantsir.
Bộ Ngoại giao Nga cáo buộc chính phủ Ukraine “có sự chuẩn bị tích cực” cho một chiến dịch tấn công quân sự vào Đông Ukraine và sử dụng việc ban bố thiết quân luật ở các khu vực có biên giới với Nga như một bình phong. Cụ thể, Ukraine đang chuẩn bị di chuyển một lượng lớn vũ khí, khí tài tấn công đến khu vực và sẽ được phân bổ dọc đường chiến tuyến giữa quân chính phủ và phe ly khai ở miền Đông.
Ngày 5-12, tàu khu trục tên lửa USS McCampbell của Mỹ xuất hiện gần các vùng biển tranh chấp ở biển Nhật Bản, một hành động theo CNN chắc chắn khiến Nga khó chịu. Theo tuyên bố của Hạm đội Thái Bình Dương (Mỹ), “tàu USS McCampbell di chuyển trong vùng phụ cận của vịnh Peter Đại Đế nhằm thách thức tuyên bố chủ quyền hàng hải của Nga cũng như bảo vệ quyền, tự do và việc sử dụng hợp pháp vùng biển”. Vịnh Peter Đại Đế là vịnh lớn nhất ở biển Nhật Bản, nơi có TP Vladivostok của Nga và Hạm đội Thái Bình Dương của hải quân Nga. Mỹ không công nhận tuyên bố chủ quyền của Nga ở vùng biển này. Theo lời quan chức này, đây là lần đầu tiên Mỹ tuần tra tự do lưu thông hàng hải ở khu vực này kể từ năm 1987, kể từ khi Liên bang Xô Viết đưa ra tuyên bố chủ quyền. |