Mỹ chuẩn bị giảm lãi suất, tiền đồng sẽ ra sao?

(PLO)- Doanh nghiệp nên đa dạng hóa các đồng tiền thanh toán, không nên chỉ dựa vào một loại ngoại tệ duy nhất, nhằm giảm thiểu rủi ro khi một loại tiền tệ bị suy yếu.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong bối cảnh tỉ giá có dấu hiệu hạ nhiệt và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tuyên bố sẽ giảm lãi suất trong thời gian tới, chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM, PGS.TS Phạm Công Hiệp, Đại học RMIT Việt Nam và PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP.HCM có góc nhìn xung quanh chính sách tiền tệ Việt Nam.

Vẫn cần cẩn trọng với chính sách tiền tệ

.Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước trong giai đoạn vừa qua?

+PGS.TS Phạm Công Hiệp: Việc duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng trong một thời gian dài đã giúp hỗ trợ tốt cho sự phục hồi kinh tế của đất nước. Trong đó người dân và doanh nghiệp có cơ hội để tiếp cận với nguồn vốn giá rẻ, và mạnh dạn hơn trong các vấn đề đưa ra quyết định đầu tư và tiêu dùng. Điều đó đã góp phần giúp cho kinh tế hồi phục tốt trong năm nay và nhiều khả năng sẽ đạt được mục tiêu mà Chính phủ đề ra từ đầu năm.

Thông qua việc hạ lãi suất và triển khai các gói tín dụng ưu đãi, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã giúp giảm gánh nặng tài chính cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng như hỗ trợ người dân tiếp cận nguồn vốn một cách thuận lợi hơn.

NHNN cũng đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại tăng cường cung ứng tín dụng, đặc biệt là cho các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ, và công nghệ cao. Các chính sách tín dụng ưu đãi này giúp đảm bảo dòng vốn cho các hoạt động sản xuất và kinh doanh.

chính sách tiền tệ
PGS.TS Phạm Công Hiệp, Đại học RMIT Việt Nam

Đồng thời, NHNN đã thực hiện các biện pháp ổn định tỉ giá hối đoái và kiểm soát lạm phát, góp phần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Chính sách tiền tệ nới lỏng, kết hợp với các gói kích thích kinh tế từ Chính phủ, đã cho thấy những tác động khá quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

.Phóng viên: Thực tế, Việt Nam đã có những bước đi khá nhanh khi giảm lãi suất khá sớm so với nhiều nước. Điều này cũng đã khiến cho tỉ giá có giai đoạn rung lắc mạnh, và phần nào cũng gây sức ép khá lớn cho thị trường tiền tệ, ông có cho rằng, liệu có sự rủi ro nào với chính sách tiền tệ hay không?

+PGS.TS Nguyễn Hữu Huân: Chính sách tiền tệ luôn có hai mặt. Do duy trì chính sách lãi suất thấp quá lâu nên cũng phần nào gây áp lực đến vấn đề tỉ giá. Khi áp lực rút vốn từ khối ngoại do chênh lệch lãi suất, cũng ảnh hưởng ít nhiều đến việc ổn định vĩ mô trong thời gian qua.

Tuy nhiên, năm nay chúng ta ghi nhận sự phục hồi tốt của khu vực xuất khẩu. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã xuất siêu hơn 12 tỉ USD, tạo dư địa tốt cho việc ổn định tỉ giá trong một số giai đoạn căng thẳng và giúp chúng ta tự tin hơn trong việc điều hành chính sách tỉ giá trong thời gian tới.

Nói như vậy không có nghĩa là áp lực tỉ giá đã qua đi. Bởi tỉ giá sẽ có tính mùa vụ, và chúng ta sẽ phải đối mặt với áp lực tỉ giá tương đối lớn vào giai đoạn cuối năm, khi mà nhu cầu nhập khẩu để sản xuất và tiêu dùng tăng cao.

hinh 5 2 2.jpg
PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP.HCM

Bên cạnh đó, thị trường vàng cũng vẫn là một ẩn số, nếu như giá vàng giai đoạn cuối năm lại tiếp tục nóng sốt, cũng sẽ tác động đến tỉ giá trong thời kỳ này. Do đó, chúng ta không thể buông lỏng quản lý mà phải hết sức cảnh giác để có những chính sách điều hành tỉ giá cho phù hợp.

Những kỳ vọng hỗ trợ nền kinh tế

.Phóng viên: Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã đưa ra thông điệp cắt giảm lãi suất trong thời gian tới, điều này sẽ tác động ra sao với chính sách tiền tệ của Việt Nam?

+PGS.TS Phạm Công Hiệp: Việc Fed đưa ra thông điệp cắt giảm lãi suất trong năm nay có thể tác động đáng kể đến chính sách tiền tệ của Việt Nam trong thời gian tới, chủ yếu thông qua các kênh như tỉ giá hối đoái, dòng vốn đầu tư, và môi trường lãi suất trong nước.

Khi Fed cắt giảm lãi suất, đồng USD thường có xu hướng suy yếu so với các đồng tiền khác trên thế giới. Điều này có thể dẫn đến việc tỉ giá VND/USD có xu hướng tăng lên, tức là tiền đồng mạnh hơn so với đồng USD.

Đối với Việt Nam, một quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu, tỉ giá hối đoái ổn định là yếu tố quan trọng.

Nếu tiền đồng mạnh lên quá nhiều, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ trở nên đắt đỏ hơn trên thị trường quốc tế, từ đó ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu. Trong tình huống này, NHNN có thể cần can thiệp để điều chỉnh tỉ giá, ví dụ thông qua việc mua vào đồng USD để duy trì sự ổn định.

Lãi suất của Fed giảm xuống thường làm giảm lợi suất của các tài sản tài chính bằng đồng USD. Điều này khiến nhà đầu tư tìm kiếm các cơ hội sinh lời cao hơn ở các thị trường mới nổi, nơi có lãi suất cao hơn và tiềm năng tăng trưởng mạnh hơn. Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng và các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, có thể trở thành điểm đến hấp dẫn cho dòng vốn này.

Dòng vốn đầu tư nước ngoài tăng lên có thể mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế, chẳng hạn tăng cường dự trữ ngoại hối, tạo thêm việc làm, và thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp...

Cuối cùng, việc Fed cắt giảm lãi suất có thể tạo ra áp lực giảm lãi suất hoặc tiếp tục duy trì lãi suất ở mức thấp trong nước để duy trì sự cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường quốc tế, cũng như để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

NHNN có thể phải xem xét các biện pháp giảm lãi suất điều hành, hoặc các công cụ tiền tệ khác để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn vay. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất trong nước cần được cân nhắc kỹ lưỡng để tránh các nguy cơ lạm phát và đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.

.Phóng viên: Ông có cho rằng Việt Nam đủ sức duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng khi lạm phát và lãi suất đang có xu hướng tăng?

+PGS.TS Phạm Công Hiệp: Tôi có quan điểm thận trọng hơn một chút về vấn đề này. Bởi bên cạnh thông tin tốt là Fed nhiều khả năng sẽ giảm lãi suất trong thời gian ngắn sắp tới nhưng sẽ quá sớm để nói về một triển vọng phục hồi kinh tế thế giới một cách mạnh mẽ, bởi lẽ còn quá nhiều biến số về kinh tế toàn cầu.

Trong đó, căng thẳng địa chính trị dai dẳng thời gian qua và nguy cơ các cuộc xung đột có thể bùng nổ trên phạm vi lớn hơn sẽ là "bóng ma" cho sự phục hồi của kinh tế thế giới.

Những căng thẳng này có thể gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, làm tăng giá năng lượng và hàng hóa, gây ra sự bất ổn trên thị trường tài chính quốc tế. Các biến động đó có thể tác động mạnh đến các nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, nơi tăng trưởng kinh tế phụ thuộc nhiều vào thương mại quốc tế.

Do đó, chúng ta cần phải hết sức cảnh giác và có những phương án dự phòng thích hợp cho các kịch bản xấu có thể xảy ra.

hinh 5 2 3.jpg
Chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian qua đã mang lại nhiều lợi ích đáng kể, nhưng cũng đòi hỏi sự thận trọng và linh hoạt trong tương lai.

.Phóng viên: Ông có thể nói cụ thể hơn?

+PGS.TS Phạm Công Hiệp: Dự trữ ngoại hối hiện tại của Việt Nam chỉ ở mức vừa đủ, không cao không thấp, nên bất kỳ một cú sốc lớn nào từ bên ngoài, chẳng hạn sự suy giảm mạnh của các nền kinh tế lớn hoặc sự gia tăng mạnh mẽ của giá dầu, cũng có thể tạo ra áp lực lớn lên dự trữ ngoại hối. Theo đó ảnh hưởng đến sự ổn định của tỉ giá hối đoái và lạm phát trong nước và sẽ rất dễ làm nền kinh tế có độ mở lớn như chúng ta dễ bị tổn thương.

Ngoài ra, việc giảm lãi suất cũng cần được cân nhắc cẩn thận. Nếu lãi suất trong nước giảm quá nhiều, điều này có thể dẫn đến nguy cơ lạm phát, khi lượng tiền trong nền kinh tế tăng lên nhanh chóng và vượt quá khả năng cung ứng hàng hóa và dịch vụ.

Bên cạnh đó, lãi suất thấp trong thời gian dài có thể gây ra sự mất cân đối trong thị trường tài chính, như kích thích quá mức đầu tư vào các tài sản rủi ro hoặc làm giảm động lực tiết kiệm. NHNN cần phải cân nhắc những yếu tố này khi điều hành chính sách tiền tệ để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.

Để duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng trong bối cảnh lạm phát và lãi suất tăng, NHNN cần thực hiện các biện pháp cân bằng và các phương án dự phòng thích hợp để đối phó với các kịch bản xấu. Điều này có thể bao gồm việc tăng cường dự trữ ngoại hối, củng cố các quỹ bình ổn kinh tế, và duy trì các chính sách tài khóa và tiền tệ linh hoạt.

Đặc biệt, cần tập trung vào việc kiểm soát các rủi ro từ bên ngoài, đồng thời tiếp tục thúc đẩy các động lực nội tại của nền kinh tế, như tăng cường tiêu dùng nội địa và nâng cao năng suất lao động.

Doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường để giảm thiểu rủi ro

Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, chính sách tiền tệ của NHNN có thể thay đổi theo nhiều hướng khác nhau tùy thuộc vào tình hình kinh tế trong và ngoài nước.

Ví dụ, nếu lạm phát gia tăng hoặc có áp lực từ thị trường quốc tế, NHNN có thể thắt chặt chính sách tiền tệ bằng cách tăng lãi suất hoặc giảm cung tiền. Điều này sẽ làm tăng chi phí vay vốn, khiến các doanh nghiệp phải đối mặt với áp lực tài chính lớn hơn.

Ngược lại, nếu kinh tế chậm lại, NHNN có thể nới lỏng chính sách tiền tệ để kích thích đầu tư và tiêu dùng, dẫn đến việc lãi suất giảm và doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận nguồn vốn hơn.

Theo ông, các doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường để giảm thiểu rủi ro tập trung quá nhiều vào một thị trường để hạn chế các tác động từ các rủi ro chính sách có thể có.

Việc tập trung quá nhiều vào một thị trường như thị trường Mỹ, có thể mang lại những lợi ích ngắn hạn do sự quen thuộc và ổn định trong thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, điều này cũng khiến doanh nghiệp dễ bị tổn thương trước những biến động về chính sách hoặc kinh tế tại thị trường đó.

Các thay đổi trong chính sách thuế, thương mại, hoặc quy định tài chính tại Mỹ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu và dòng doanh thu của doanh nghiệp. Vì vậy, việc đa dạng hóa thị trường là chiến lược quan trọng để giảm thiểu rủi ro này.

Doanh nghiệp nên xem xét mở rộng thị trường sang các quốc gia khác có tiềm năng tăng trưởng, như các thị trường mới nổi ở châu Á, châu Âu, hoặc châu Phi, nơi nhu cầu tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ có thể gia tăng trong tương lai.

Bên cạnh đó, cũng cần phải thực hiện các chiến lược phòng ngừa rủi ro tỉ giá thích hợp để không bị động trước những cú sốc về tỉ giá có thể xảy ra làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Rủi ro tỉ giá là một yếu tố không thể xem nhẹ, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh quốc tế.

Khi tỉ giá biến động, các doanh nghiệp có thể phải đối mặt với chi phí nhập khẩu tăng cao hoặc giảm giá trị doanh thu từ xuất khẩu. Một số biện pháp phổ biến bao gồm sử dụng các công cụ tài chính như hợp đồng tương lai, hoán đổi tiền tệ hoặc quyền chọn ngoại hối.

Những công cụ này cho phép doanh nghiệp khóa tỉ giá tại một mức độ nhất định, giúp ổn định chi phí và doanh thu, tránh những biến động lớn. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng nên đa dạng hóa các đồng tiền thanh toán, không chỉ dựa vào một loại ngoại tệ duy nhất, nhằm giảm thiểu rủi ro khi một loại tiền tệ bị suy yếu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm