Mỹ dùng 'mọi công cụ sẵn có' đối đầu thương mại với Trung Quốc

Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) cho biết họ sẽ thực hiện một cách tiếp cận cứng rắn để giải quyết các vấn đề thương mại và quyền con người với Trung Quốc. Động thái này của Mỹ được cho là dấu hiệu căng thẳng mới nhất giữa Bắc Kinh và Washington dưới thời chính quyền mới, tờ South China Morning Post đưa tin.

Mỹ cứng rắn với Trung Quốc về thương mại và quyền con người

Trong "Chương trình nghị sự Thương mại 2021 và Báo cáo Thường niên 2020" được công bố hôm 1-3, USTR cho biết các hành vi thương mại không công bằng và hạn chế tiếp cận thị trường của Trung Quốc đã đe dọa lợi thế công nghệ của Mỹ, làm suy yếu khả năng phục hồi chuỗi cung ứng và lợi ích quốc gia của nước này.

"Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết sử dụng tất cả các công cụ sẵn có để xử lý hàng loạt hành vi thương mại không công bằng của Trung Quốc đang gây tổn hại cho các doanh nghiệp và lao động Mỹ" - báo cáo cho biết.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải). Ảnh: CNN

Kể từ khi ông Biden nhậm chức, Mỹ đã tiếp tục đường lối cứng rắn với Trung Quốc của chính quyền tiền nhiệm, phớt lờ nhiều lời kêu gọi từ Bắc kinh nhằm đưa quan hệ song phương về “đúng hướng”.

Theo báo cáo, chính quyền ông Biden sẽ đặt việc giải quyết các cáo buộc lạm dụng quyền con người liên quan đến người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác ở khu tự trị Tân Cương và các nơi khác ở Trung Quốc lên ưu tiên hàng đầu.

Trung Quốc đang chịu áp lực ngày càng lớn từ Mỹ và các quốc gia phương Tây về các vấn đề liên quan đến người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Quốc gia này luôn phủ nhận cáo buộc lao động cưỡng bức và nói rằng các khu trại ở vùng cực tây đất nước là nơi đào tạo nghề và để chống lại chủ nghĩa cực đoan tôn giáo và chủ nghĩa khủng bố.

USTR cho biết họ sẽ xem xét tất cả lựa chọn để chống lại lao động cưỡng bức và nâng cao trách nhiệm giải trình của các doanh nghiệp trên thị trường toàn cầu. 

Báo cáo cũng nói về việc tập hợp sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế để đẩy lùi sự “cưỡng bức và lạm dụng” kinh tế của Trung Quốc, gồm việc Bắc Kinh dựng hàng rào thuế quan và phi thuế quan để hạn chế tiếp cận thị trường, các chính sách trợ cấp công nghiệp không công bằng hay các trợ cấp xuất khẩu.

USTR cho biết thêm rằng Trung Quốc là “nước đóng góp chính” vào tình trạng dư thừa năng suất trong lĩnh vực thép và nhôm, sợi quang học và năng lượng mặt trời.

Tín hiệu nguy hiểm từ chính quyền ông Biden

Thành viên cấp cao của Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc Lu Xiang lưu ý rằng bản báo cáo không đề cập đến việc hợp tác với Trung Quốc.

“Đây là một tín hiệu nguy hiểm. Ông Biden có đủ nguồn lực để cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Điều quan trọng là ông ấy có muốn làm như vậy hay không. Ông ấy cần phải rõ ràng về hướng đi mà ông ấy muốn - hợp tác hay đối đầu” - ông Lu Xiang nói.

Các quan chức kinh tế và thương mại của ông Biden sẽ áp dụng các mức thuế trừng phạt đối với các sản phẩm của Trung Quốc và có thể tiếp tục các lệnh cấm đầu tư. Đồng thời, họ đang tiến hành xem xét lại chiến lược với Trung Quốc.

Trong một báo cáo khác hôm 1-3, Ủy ban An ninh Quốc gia về Trí tuệ Nhân tạo kêu gọi các trường đại học Mỹ tăng cường gấp đôi nỗ lực ngăn chặn hành vi trộm cắp các công nghệ nhạy cảm của quân đội Trung Quốc.

Trong khi đó, Lầu Năm Góc cho biết Nhóm Chuyên trách Trung Quốc của họ đã bắt đầu làm việc vào ngày 1-3 để đánh giá những thách thức từ phía Bắc Kinh. Đây là một phần trong quá trình đánh giá quan hệ Mỹ-Trung của chính quyền ông Biden.

Báo cáo của USTR cho biết việc giải quyết thách thức với Trung Quốc “sẽ đòi hỏi một chiến lược toàn diện và cách tiếp cận có hệ thống hơn so với cách tiếp cận từng phần trong quá khứ”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm