Theo tờ South China Morning Post ngày 8-2, Mỹ đang tiến hành một cuộc tập trận chung với Úc và Nhật trên đảo Guam. Động thái này diễn ra trong bối cảnh Mỹ lo ngại nguy cơ bị tấn công từ Nga hoặc Trung Quốc.
Cuộc tập trận chung tại Căn cứ Không quân Andersen với tên gọi Cope North 2021, bắt đầu từ ngày 3-2 và sẽ kéo dài đến ngày 19-2. Đây là lần đầu tiên diễn ra một cuộc tập trận chung của các máy bay chiến đấu F-35A ở căn cứ quân sự này.
Máy bay Nhật và Ức trong cuộc tập trận năm ngoái tại Guam. Ảnh: HANDOUT
Cuộc tập trận bắt đầu bằng một hoạt động chung được thiết kế nhằm cải thiện khả năng của ba nước trong việc thực hiện các hoạt động nhân đạo nhằm ứng phó với thảm họa thiên nhiên trong khu vực, theo tuyên bố từ lực lượng không quân Mỹ ở Thái Bình Dương.
Đồng thời, hoạt động này cũng bao gồm các cuộc tập trận không chiến được thiết kế để cải thiện tính linh hoạt và khả năng liên lạc thông thường của ba nước.
Tạp chí Không quân dẫn lời một chỉ huy cho biết mục đích diễn tập là cải thiện khả năng hoạt động của lực lượng từ các sân bay nhỏ, thô sơ với cơ sở vật chất hạn chế. Điều này nhằm giảm nguy cơ cho Mỹ nếu nước này tấn công vào các căn cứ hiện đại.
Theo Chuẩn tướng Jeremy T Sloane - chỉ huy Cánh 36 tại Andersen, Trung Quốc và Nga có thể sẽ tiếp tục đặt các căn cứ ở nước ngoài của Mỹ vào tình thế nguy hiểm. Để thích ứng, lực lượng không quân phải phát triển khỏi sự phụ thuộc vào các điều kiện có sẵn.
Ông Song Zhongping, một nhà phân tích quân sự và là cựu cố vấn của quân đội Trung Quốc cho biết "cuộc tập trận nhằm đảm bảo sự kết nối giữa căn cứ Guam và các căn cứ khác" trong trường hợp bị tấn công từ Bắc Kinh.
“Ngoài ra, máy bay thế hệ thứ tư và máy bay thế hệ thứ năm được kết nối với nhau để hình thành kế hoạch bảo vệ lẫn nhau này nhằm đảm bảo rằng các căn cứ này có thể tồn tại một mặt và tiếp tục thực hiện các cuộc phản công hiệu quả” - ông nói.
Ông cũng cho biết việc đưa Nhật và Úc tham gia cuộc tập trận là nhằm xây dựng chiến lược với các đồng minh để chống lại Trung Quốc và Mỹ có thể sử dụng các căn cứ ở hai nước này để đáp trả bất kỳ cuộc tấn công nào.
Các nhà phân tích quốc phòng tin rằng lực lượng không quân Trung Quốc có khả năng xâm nhập chuỗi đảo thứ nhất - một loạt các quần đảo ở Thái Bình Dương kéo dài từ quần đảo Kuril, qua Nhật và tới Philippines.
Một báo cáo của Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh có trụ sở tại London cho biết máy bay ném bom tàng hình cận âm H-20 của Trung Quốc sẽ trang bị cho nước này năng lực "liên lục địa thực sự" để mở rộng phạm vi hoạt động ra biển.
Ngoài máy bay ném bom tàng hình, họ cho biết Trung Quốc cũng đang phát triển máy bay ném bom tầm trung có khả năng quan sát ở độ cao thấp. Điều này sẽ cải thiện khả năng tấn công của Bắc Kinh ở các căn cứ quan trọng của Mỹ tại Guam và Okinawa.
Mới đây, Trung Quốc đã lên tiếng phản đối một tàu khu trục Mỹ đi vào khu vực Trung Quốc đang có tranh chấp ở Biển Đông sau khi vượt qua eo biển Đài Loan, đánh dấu lần đầu tiên một tàu chiến Mỹ đi qua khu vực kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức.