Mỹ ‘giương ăng ten’ an ninh trước lễ nhậm chức của ông Trump

(PLO)- Trong bối cảnh các mối đe dọa trong nước và quốc tế tăng cao, Mỹ nỗ lực siết chặt an ninh cho lễ nhậm chức tổng thống của ông Donald Trump - một sự kiện được đánh giá là thách thức an ninh chưa từng có trong lịch sử hiện đại Mỹ.

Từ lâu nay, lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ luôn là mục tiêu của các hoạt động gây bất ổn, thường gắn liền với các nhóm có quan điểm chính trị đối lập.

Lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Donald Trump diễn ra trong bối cảnh các vụ tấn công chính trị chiếm lĩnh bản tin thời sự Mỹ trong thời gian qua cùng với sự xuất hiện ngày càng nhiều mối đe dọa trong nước và quốc tế. Chính vì thế, lễ nhậm chức lần thứ hai của ông Trump được cho là thách thức an ninh chưa từng có trong lịch sử hiện đại Mỹ.

Tòa nhà Quốc hội Mỹ trước lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Donald Trump. Ảnh: GETTY IMAGES

Lễ nhậm chức 2025: “Mục tiêu tiềm tàng” cho các mối đe dọa

Các cơ quan an ninh quốc gia Mỹ cảnh báo rằng lễ nhậm chức của ông Trump sẽ là một “mục tiêu hấp dẫn tiềm tàng” cho các phần tử cực đoan bạo lực, dù hiện chưa có mối đe dọa cụ thể nào được xác nhận.

Tờ Politico ngày 14-1 dẫn một báo cáo đánh giá nguy cơ từ các cơ quan tình báo và thực thi pháp luật Mỹ rằng những kẻ có ý định gây rối, đặc biệt là những người mang “bức xúc liên quan đến bầu cử” có thể coi lễ tuyên thệ nhậm chức của ông Trump là “cơ hội cuối cùng để tác động đến kết quả bầu cử thông qua bạo lực”.

Các quan chức đã duy trì cảnh giác cao độ trong nhiều tháng qua sau hai âm mưu ám sát ông Trump trong chiến dịch tranh cử năm 2024, cùng với các vụ tấn công gần đây tại TP New Orleans (bang Louisiana) và TP Las Vegas (bang Nevada).

Bản đánh giá nguy cơ, do Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), Cơ quan Mật vụ, Cảnh sát Điện Capitol, chính quyền Washington D.C. và lực lượng cảnh sát Tòa án Tối cao tổng hợp, đã phác thảo hàng loạt kịch bản ác mộng và các đối tượng tiềm năng có thể hiện thực hóa các kịch bản này.

Theo báo cáo, các tổ chức khủng bố nước ngoài, các phần tử cực đoan trong nước và những kẻ tấn công đơn độc có thể tiến hành các cuộc tấn công bằng bom giả, gọi điện báo động giả, điều khiển máy bay không người lái hoặc lao xe vào đám đông.

Ngoài ra, còn có mối đe dọa từ các đối thủ của Mỹ. Báo cáo cảnh báo rằng Iran từ lâu đã tìm cách ám sát ông Trump hoặc các cố vấn an ninh quốc gia của ông để trả thù cho cái chết của Tướng Qassem Soleimani vào năm 2020.

Bản đánh giá cho biết 700.000 người dùng trên mạng xã hội Telegram đã đe dọa ám sát ông Trump một ngày sau Ngày Bầu cử 5-11-2024. Những lời đe dọa này được đưa ra nhằm phản ứng với một video do một kênh truyền thông có liên kết với Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đăng tải.

Các quan chức thực thi pháp luật cũng lo ngại rằng các cuộc biểu tình xung quanh lễ nhậm chức có thể trở nên hỗn loạn. Một số nhóm đã nộp đơn xin giấy phép biểu tình, bao gồm cả những nhóm từng tổ chức các cuộc biểu tình khiến cảnh sát phải hành động.

“Các cuộc biểu tình trước đây của một số cá nhân này đã chặn đường giao thông, xâm phạm trái phép, phá hoại tài sản và chống đối khi bị bắt” - bản đánh giá lưu ý nhưng không đi sâu vào chi tiết về hệ tư tưởng của những người biểu tình này.

Ông John Cohen, cựu quan chức chống khủng bố từng tham gia lập kế hoạch an ninh cho lễ nhậm chức của Tổng thống Joe Biden, nói rằng sự kiện năm nay đối mặt với nhiều mối đe dọa hơn so với bốn năm trước, dù lễ tuyên thệ năm 2021 diễn ra chỉ vài tuần sau vụ bạo loạn ở Điện Capitol.

“Khi tham gia lập kế hoạch cho lễ nhậm chức lần trước, tôi thấy môi trường lúc đó đã rất nguy hiểm. Nhưng với những gì tôi đã làm việc cùng lực lượng thực thi pháp luật trong bốn năm qua, tôi thấy môi trường hiện nay còn bất ổn và nguy hiểm hơn nhiều so với năm 2021” - ông Cohen nhấn mạnh.

Ngày 18-1, ông Trump thông báo sẽ tổ chức lễ nhậm chức bên trong Điện Capitol do thời tiết xấu. Cơ quan Mật vụ cùng các cơ quan an ninh khác đã nhanh chóng lập kế hoạch an ninh mới sau sự thay đổi này, đài CNN đưa tin.

Hợp tác quy mô lớn để đảm bảo an ninh

Luật pháp Mỹ quy định lễ nhậm chức của tổng thống là sự kiện an ninh quốc gia đặc biệt (NSSE), nằm dưới sự điều phối chính thức của Cơ quan Mật vụ, theo đài ABC News.

Theo quy trình này, Cơ quan Mật vụ phải phối hợp mọi nguồn lực từ cấp liên bang, tiểu bang và địa phương cho sự kiện. Mọi khía cạnh của lễ nhậm chức, từ giám sát trên không, kiểm soát lối vào, giao thông công cộng, đóng đường, đến các cuộc kiểm tra an ninh đều phải được lên kế hoạch kỹ lưỡng.

Bộ Quốc phòng Mỹ đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các lễ nhậm chức và bảo đảm an ninh. Các nguồn lực hỗ trợ từ Bộ Quốc phòng sẽ bao gồm kiểm tra an ninh kỹ thuật, an ninh hàng không, và phối hợp với Lực lượng Bảo vệ Bờ biển để bảo đảm an toàn cho sông Potomac (thủ đô Washington, D.C.).

Ngoài ra, Cơ quan Mật vụ, FBI và Sở Cảnh sát Thủ đô Washington sẽ đồng chủ trì hoạt động tình báo liên ngành với nhiệm vụ truy tìm mọi đầu mối ở cấp địa phương, quốc gia và quốc tế nhằm giảm thiểu mọi nguy cơ có thể xảy ra đối với lễ nhậm chức hoặc các nhân vật cấp cao tham dự sự kiện.

Công tác chuẩn bị cho lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Donald Trump tại tòa nhà Quốc hội Mỹ, thủ đô Washington, D.C ngày 17-1. Ảnh: GETTY IMAGES

Từ một tuần trước lễ nhậm chức, các lực lượng thực thi pháp luật đã tăng cường các biện pháp an ninh cho sự kiện ngày 20-1.

Chính quyền Washington, D.C. đã thiết lập hàng rào tạm thời màu đen cao gần 2 m kéo dài 48 km và lập nhiều trạm kiểm soát để bảo đảm an toàn cho hàng trăm nghìn người tham dự sự kiện.

Cảnh sát trưởng Đô thị Washington - bà Pamela Smith cho biết cảnh sát từ khắp nơi trên cả nước sẽ đổ về thủ đô và sở cảnh sát Washington, D.C. sẽ được tăng cường thêm khoảng 4.000 nhân viên. Bên cạnh đó, gần 1.000 cảnh sát cũng sẽ hỗ trợ lực lượng bảo vệ Điện Capitol. Tổng cộng, sẽ có khoảng 25.000 nhân viên an ninh và quân sự được triển khai để bảo vệ lễ nhậm chức.

Sở Cảnh sát Thủ đô Washington D.C. nói rằng đơn vị đã dành nhiều tháng phối hợp với các đối tác để đảm bảo an ninh cho sự kiện.

Một quan chức cấp cao về an ninh tại Điện Capitol (yêu cầu giấu tên) nói với Politico rằng lực lượng cảnh sát tại đây đã thành lập một nhóm chuyên trách cho kế hoạch an ninh lễ nhậm chức từ tháng 5. Hoạt động của cảnh sát Điện Capitol sẽ được tăng cường khi sự kiện đến gần, và họ đã phối hợp với Lầu Năm Góc và Lực lượng Vệ binh Quốc gia D.C.

Vị quan chức không cung cấp số lượng cụ thể các sĩ quan sẽ được điều động đến để hỗ trợ sự kiện nhưng cho biết đây sẽ là lần hợp tác với số lượng lớn nhất các cơ quan thực thi pháp luật từ trước đến nay để đảm bảo an ninh.

Lo ngại về nhiệt độ thấp trong ngày lễ nhậm chức của ông Trump

Năm nay, ngày nhậm chức của ông Trump được dự đoán sẽ là ngày nhậm chức lạnh nhất kể từ năm 1985 khi Tổng thống Mỹ Ronald Reagan tuyên thệ nhiệm kỳ thứ hai trong thời tiết gần -14 độ C.

Ông Trump và các quan chức bày tỏ lo ngại nhiệt độ thấp có thể gây nguy cơ sức khỏe cho những người tham dự và khách mời.

“Tôi không muốn thấy bất kỳ ai bị tổn hại sức khỏe. Điều kiện thời tiết này đặc biệt nguy hiểm cho hàng chục nghìn cảnh sát, người ứng cứu khẩn cấp, chó nghiệp vụ, ngựa, và hàng trăm nghìn người ủng hộ sẽ phải đứng ngoài trời trong nhiều giờ. Dù sao đi nữa, nếu bạn quyết định đến, hãy mặc thật ấm” - ông Trump viết trên mạng xã hội Truth Social.

Năm nay, nhiệt độ vào ngày nhậm chức của Tổng thống dự kiến sẽ ở mức -6 độ C vào lúc 12 giờ trưa khi tân tổng thống tuyên thệ - mức nhiệt thấp hơn gần 7 độ C so với mức bình thường.

Gió có thể thổi với tốc độ từ 16-32 km/giờ, với những cơn gió giật lên đến 48 km/giờ trong ngày 20-1. Những cơn gió này sẽ khiến cảm giác nhiệt độ trở nên cực kỳ lạnh. Cảm giác gió có thể sẽ ở mức khoảng -12 độ C trong suốt ngày và có thể giảm xuống dưới mức -18 độ C sau khi mặt trời lặn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới