Mỹ khẩn cấp xử lý cháy rừng, bão tuyết

(PLO)- Mỹ đang bận rộn và khẩn trương xử lý cháy rừng vẫn hoành hành Los Angeles (bang California) và bão tuyết dày đặc các bang miền nam

Những ngày đầu năm 2025 Mỹ đã chứng kiến hai thảm họa thời tiết nghiêm trọng, gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản.

Cháy rừng như hỏa ngục ở California

Đã một tuần kể từ khi cháy rừng bùng phát dữ dội tại quận Los Angeles (bang California). Tờ The New York Times dẫn thông tin từ chính quyền địa phương rằng tính đến tối 12-1 (giờ Mỹ), cháy rừng ở Los Angeles đã cướp đi sinh mạng của 24 người.

Thống đốc bang California - ông Gavin Newsom gọi vụ cháy rừng là thảm họa thiên nhiên tàn khốc nhất trong lịch sử Mỹ khi sáu đám cháy bùng phát cùng lúc, phá hủy hàng nghìn ngôi nhà và buộc 100.000 người phải sơ tán. Các quan chức cho biết khoảng 12.300 công trình đã bị hư hại hoặc phá hủy.

Một lính cứu hỏa đang chiến đấu với đám cháy Palisades trong trận cháy rừng ở Los Angeles (bang California, Mỹ). Ảnh: DPA

Ngày qua, lực lượng cứu hỏa đã dập lửa cả trên không và trên bộ. Trên không, lính cứu hỏa thả nước (bao gồm cả nước lấy từ Thái Bình Dương) và chất làm chậm cháy xuống đám lửa, dưới đất, các đội cứu hỏa sử dụng dụng cụ cầm tay và vòi phun nước để giữ vững phòng tuyến chống lại đám cháy Palisades trước khi đám cháy lan đến khu vực Brentwood và các khu dân cư đông đúc khác ở Los Angeles.

Đám cháy Palisades, nằm ở phía tây Los Angeles, đã thiêu rụi 96 km² đất đai và hiện đám cháy này đã được khống chế 11%. Ở phía đông Los Angeles, đám cháy Eaton thiêu rụi 57 km² và lính cứu hỏa đã tăng phạm vi khống chế lên 27% trong ngày 12-1, so với mức 15% của ngày hôm trước.

Ở phía bắc, đám cháy Hurst đã được khống chế 89% và ba đám cháy ở các khu vực khác hiện đã được khống chế 100%, theo báo cáo của Sở Lâm nghiệp và Phòng cháy chữa cháy California (Cal Fire). Cal Fire cảnh báo rằng các khu vực trong phạm vi khống chế vẫn có thể xảy ra cháy.

Nguyên nhân chính của các vụ cháy được cho là do điều kiện khô hạn kéo dài ở Los Angeles, kết hợp sức gió Santa Ana mạnh đã khiến tình hình trở nên tồi tệ. Cuối tuần qua, lính cứu hỏa đã cố gắng tận dụng thời tiết gió lặng để có thể dập tắt hai đám cháy lớn nhất là đám cháy Palisades và Eaton. Tuy nhiên, gió mạnh trở lại vào đầu tuần này khiến việc khống chế đám cháy thêm phần khó khăn.

Các quan chức địa phương dự báo ​​những cơn gió mạnh nhất sẽ xuất hiện vào ngày 14-1. “Những cơn gió này, kết hợp với không khí khô và thảm thực vật khô, sẽ duy trì mối đe dọa cháy rừng trong khu vực” - Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ dự báo, nói thêm rằng gió được dự báo ​​sẽ dịu bớt vào ngày 16-1.

Những ngày qua, chính quyền cả cấp liên bang và tiểu bang ở Mỹ đã nỗ lực khống chế cháy rừng, bảo đảm sự an toàn cho người dân cũng như sự ổn định về trị an trong tình hình phức tạp.

Thống đốc Newsom ngày 12-1 thông báo sẽ triển khai thêm 1.000 binh sĩ thuộc Lực lượng Vệ binh Quốc gia tới Los Angeles, nâng số thành viên Vệ binh Quốc gia được triển khai tới khu vực lên khoảng 2.500 người.

Theo ông Newsom, 53 nhóm thanh tra đang kiểm tra tất cả các công trình bị hư hại do cháy rừng, mở đường cho chủ sở hữu bất động sản bắt đầu giải quyết bảo hiểm và xây dựng lại.

Cũng trong ngày 12-1, Tổng thống Joe Biden đã triệu tập “các quan chức chủ chốt” để họp trực tuyến về những nỗ lực dập tắt cháy rừng ở Los Angeles và cách các nguồn lực liên bang hỗ trợ cho công tác ứng phó của địa phương.

Theo Sở Cải huấn và Phục hồi chức năng California, có 931 tù nhân đang làm việc suốt ngày đêm để hỗ trợ làm chậm sự lây lan của các đám cháy rừng ở Los Angeles.

Bão tuyết hoành hành ở các bang miền nam

Bão tuyết khiến đường trơn trượt, gây tai nạn giao thông ở TP Plano, bang Texas (Mỹ) ngày 9-1. Ảnh: GETTY IMAGES

Một cơn bão mùa đông mang theo cái lạnh thấu xương cùng lượng tuyết lớn đã tràn vào miền nam nước Mỹ, khiến trường học phải đóng cửa và gián đoạn hoạt động giao thông.

Đài CBS News dẫn thông tin từ phần mềm theo dõi FlightAware rằng tính đến chiều 11-1 (giờ địa phương), khoảng 1.000 chuyến bay đến và đi từ Sân bay quốc tế Hartsfield-Jackson Atlanta (bang Georgia) đã bị hủy hoặc hoãn. Các sân bay lớn ở North Carolina cũng tiếp tục báo cáo tình trạng gián đoạn.

Trước đó, ngày 10-1, các trường học ở nhiều bang miền nam và đông nam như Texas, Georgia, South Carolina, Kansas, Arkansas,... phải đóng cửa do lượng tuyết quá dày.

Những ngày qua, bão tuyết đã mang theo lượng tuyết lớn khiến đường sá trơn trượt. Ở một số thành phố, bão tuyết dẫn đến lượng tuyết rơi nhiều hơn lượng tuyết của cả năm, chẳng hạn, Arkansas chứng kiến tuyết rơi dày đến 31 cm. TP Memphis (bang Tennessee), nơi thường có lượng tuyết rơi 6,9 cm/năm, đã ghi nhận lượng tuyết rơi hơn 18 cm tại một số địa điểm.

Theo Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ, Atlanta đã hứng chịu lượng tuyết dày hơn 5 cm hôm 10-1. Cơ quan này cho biết đây là lần đầu tiên thành phố này có lượng tuyết rơi hơn 2,5 cm kể từ năm 2018.

Sang ngày 12-1, dù tình hình đã được cải thiện sau khi cơn bão đi qua nhưng 100 chuyến bay đến và đi từ Sân bay quốc tế Hartsfield-Jackson Atlanta tiếp tục bị hoãn và nhiều cơ sở công cộng tiếp tục thông báo đóng cửa.

“Về cơ bản, thời tiết đang ấm dần lên và băng cuối cũng bắt đầu tan một chút sau đợt tuyết rơi” - theo ông Dylan Lusk, nhà khí tượng học của Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ tại Georgia.

Thời tiết ấm hơn được dự báo sẽ xuất hiện, nhưng một số khu vực vẫn đang đối mặt với tình trạng băng giá. Chính quyền cảnh báo người dân lái xe chậm và thận trọng với những đoạn đường trơn trượt, đặc biệt khi nhiệt độ giảm sâu vào ban đêm, khiến tuyết và băng tan chảy đóng băng trở lại.

“Băng đen (lớp băng mỏng khó nhận thấy trên mặt đường) sẽ xuất hiện trở lại khi nhiệt độ giảm xuống dưới mức đóng băng từ tối nay đến sáng 13-1” - Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ cảnh báo hôm 12-1.

Cũng theo dự báo của Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ, nhiều khu vực trên khắp nước Mỹ có thể chứng kiến tuyết rơi và chuẩn bị đối phó với một khối không khí lạnh, khô từ vùng Bắc Cực trong tuần này.

Nhiều nước muốn hỗ trợ Mỹ ứng phó cháy rừng ở Los Angeles

Sáng 13-1, Tổng thống Hàn Quốc bị luận tội Yoon Suk-yeol đăng tải một bài viết trên mạng xã hội Facebook, yêu cầu chính phủ Hàn Quốc cung cấp hỗ trợ cho các nỗ lực ngăn chặn cháy rừng ở Los Angeles (bang California, Mỹ), theo hãng thông tấn Yonhap.

“Nếu cần giúp đỡ, tôi yêu cầu chính phủ hỗ trợ và làm hết sức mình để ngăn chặn mọi thiệt hại cho công dân Hàn Quốc của chúng ta” - ông Yoon cho hay.

Ngày 12-1, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng lính cứu hỏa Ukraine đã sẵn sàng để có thể hỗ trợ dập tắt cháy rừng ở Los Angeles.

“Tôi đã chỉ thị cho Bộ trưởng Nội vụ Ukraine và các nhà ngoại giao của chúng tôi chuẩn bị cho khả năng lực lượng cứu hộ của chúng tôi tham gia vào việc chống cháy rừng ở California” - ông Zelensky viết trên mạng xã hội X.

“Tình hình ở đó cực kỳ khó khăn và người Ukraine có thể giúp người Mỹ. Chúng tôi đã đề nghị hỗ trợ phía Mỹ thông qua các kênh liên quan. 150 lính cứu hỏa của chúng tôi đã sẵn sàng” - ông Zelensky lưu ý.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau trước đó đã thông báo rằng 60 lính cứu hỏa Canada đã được triển khai để hỗ trợ California.

70 lính cứu hỏa từ Mexico cũng đã đến California vào chiều 11-1.

Thống đốc California Newsom nói rằng lực lượng lính cứu hỏa từ Mexico sẽ tham gia cùng hơn 14.000 nhân viên địa phương để dập lửa.

“California vô cùng biết ơn sự ủng hộ của những người hàng xóm trong cuộc chiến chống cháy rừng ở Los Angeles” - ông Newsom viết trên mạng xã hội X.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới