Mỹ khẩn trương tìm kiếm mảnh vỡ khinh khí cầu của Trung Quốc vừa bị bắn hạ

(PLO)- Quân đội Mỹ đang tích cực tìm kiếm mảnh vỡ của khinh khí cầu Trung Quốc, nghi là dùng để do thám, vừa bị bắn hạ.

Quân đội Mỹ cho biết lực lượng này đang tích cực tìm kiếm các mảnh vỡ của khinh khí cầu nghi là Trung Quốc dùng để do thám mà Mỹ đã bắn hạ vào ngày 4-2, theo hãng tin Reuters.

Tướng Glen VanHerck, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Phòng thủ Hàng không Vũ trụ Bắc Mỹ và Bộ Tư lệnh phương Bắc Mỹ, nói: "Lực lượng Hải quân Mỹ hiện đang tiến hành các hoạt động khôi phục (khí cầu) với Lực lượng Tuần duyên Mỹ hỗ trợ bảo vệ khu vực và duy trì an toàn cho cộng đồng”.

Một quan chức quốc phòng Mỹ chia sẻ với tờ The New York Times rằng nỗ lực khôi phục khinh khí cầu bị bắn dự kiến ​​sẽ mất nhiều ngày. Ông nói thêm rằng một tàu Hải quân đã đến hiện trường, và các tàu Hải quân khác cùng các tàu Cảnh sát biển đã được đặt trong tình trạng báo động và được điều động.

Trực thăng hôm 5-2 tìm kiếm mảnh vỡ của khinh khí cầu Trung Quốc vừa bị phía Mỹ bắn hạ. Ảnh: ANADOLU AGENCY

Một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết tất cả các mảnh vỡ cùng bất kỳ vật liệu nào có giá trị tình báo sẽ được thu thập. Các phương án thu thập đang được đánh giá, bao gồm huy động thợ lặn hải quân tới hiện trường, theo tờ Guardian.

Quan chức này nói: “Các mảnh vỡ nằm chủ yếu ở độ sâu hơn 14 m dưới nước…Chúng tôi đã lên kế hoạch lặn ở vùng nước sâu hơn nhiều”. Cũng theo người này, mảnh vỡ sẽ rơi ít nhất trong bán kính khoảng 11 m.

Sau khi các mảnh khí cầu được thu thập, Lầu Năm Góc dự kiến ​​sẽ bàn giao nó để các cơ quan thực thi pháp luật và tình báo liên bang nghiên cứu.

Trong nhiều ngày trước khi khinh khí cầu bị bắn hạ, các quan chức Mỹ đã tranh luận về cách để hạ khí cầu, bao gồm việc sử dụng một tấm lưới hoặc móc khổng lồ. Một quan chức chính quyền cấp cao cho biết hôm 4-2 rằng cuối cùng các quan chức Mỹ đã kết luận rằng khinh khí cầu quá lớn nên việc bắn tên lửa là lựa chọn khả thi duy nhất.

Hôm 4-2, máy bay chiến đấu của Không quân Mỹ đã bắn hạ khinh khí cầu ngoài khơi bờ biển bang South Carolina, một tuần sau khi khí cầu di chuyển vào không phận Mỹ gần Alaska.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới