Hôm qua (16-10), Bloomberg dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nói rằng Mỹ không cố gắng kiềm chế Trung Quốc (TQ), sẵn sàng hợp tác với Bắc Kinh bất cứ khi nào có thể nhưng có nhiều lần hai nước đã “mích lòng nhau”.
Bất ngờ hạ giọng với Bắc Kinh
Động thái này của ông Mattis được cho là “hạ giọng” với Bắc Kinh trong bối cảnh hai nước liên tục gia tăng căng thẳng trong thời gian gần đây. Vài tuần trước, các quan chức Lầu Năm Góc tiết lộ Mỹ đang xây dựng chương trình hành động nhằm vào TQ ở quy mô toàn cầu, dựa vào Hạm đội Thái Bình Dương triển khai hải quân tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Cuộc chiến thương mại Mỹ-TQ cũng bước vào giai đoạn căng thẳng khi Tổng thống Donald Trump hồi đầu tuần dọa sẽ tiếp tục áp thuế hàng TQ, sau ba vòng đánh thuế lên gói hàng trị giá 250 tỉ USD của TQ.
“Rõ ràng là chúng tôi không tìm cách kiềm chế hay kiểm soát TQ. Chúng tôi đứng ở một lập trường hoàn toàn khác và đã được cân nhắc” - ông Mattis nói với PV khi trên máy bay đến Việt Nam. Ông Mattis cho biết thêm: “Chúng tôi tìm kiếm một mối quan hệ với TQ dựa trên nguyên tắc công bằng, có đi có lại và tôn trọng chủ quyền của tất cả quốc gia khác dù là nước lớn hay nước nhỏ”.
Ông chủ Lầu Năm Góc cũng cho biết Washington đang hợp tác với TQ trong nhiều vấn đề khác nhau, bao gồm vấn đề Triều Tiên và Liên Hiệp Quốc. “Mỹ và TQ là hai cường quốc, hai quốc gia lớn tại Thái Bình Dương và đồng thời là hai nền kinh tế quan trọng. Có những lúc chúng tôi “giẫm chân lên nhau”, vậy nên chúng tôi đang tìm cách để quản lý một cách hiệu quả quan hệ hai bên” - ông Mattis nhận định.
Bộ trưởng Mattis (phải) và Tổng thống Trump. Ảnh: REUTERS
Các phát biểu của bộ trưởng Quốc phòng Mỹ được đưa ra khi ông đang trên đường đến tham dự Hội nghị bộ trưởng quốc phòng thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), nơi mà ông Mattis dự kiến sẽ gặp gỡ các quan chức TQ. Biển Đông được dự đoán là chủ đề quan trọng tại hội nghị lần này của ASEAN, được mở rộng với các đối tác Mỹ, TQ, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản tại Singapore từ ngày 18 đến 20-10.
Trước đó, vào cuối tháng 9, TQ đã tuyên bố hủy bỏ hội nghị cấp cao về an ninh với ông Mattis dự kiến diễn ra vào giữa tháng 10 sau khi xung đột Mỹ-TQ leo thang vì Washington thông báo lệnh trừng phạt hôm 20-9 đối với Cục Phát triển thiết bị thuộc quân đội TQ và người đứng đầu cơ quan này vì mua chiến đấu cơ Sukhoi Su-35 và tên lửa phòng không S-400 từ công ty Nga. Đây là lần đầu tiên Mỹ đưa ra trừng phạt theo Đạo luật chống đối thủ Mỹ thông qua các lệnh trừng phạt (CAASTA), trong đó ngăn chặn một quốc gia, tổ chức hay công ty thuộc bên thứ ba giao dịch hoặc có liên đới với các cá nhân, tổ chức hay công ty Nga bị liệt vào danh sách đen, theo tờ The Guardian.
Hoài nghi quan hệ Trump-Mattis
Phát biểu có phần “xuống giọng” với Bắc Kinh của ông Mattis càng khiến dư luận để ý đến quan hệ giữa ông và Tổng thống Trump - người luôn tỏ ra cứng rắn và tuyên bố “luôn ở thế kèo trên” với TQ. Trong cuộc phỏng vấn với đài CBS hôm 14-10, Tổng thống Trump nói bóng gió rằng ông Mattis có thể rời khỏi Lầu Năm Góc.
Ông Trump bất ngờ gọi ông Mattis “có hơi hướng thuộc về đảng Dân chủ”. Dù khẳng định với PV CBS rằng ông Mattis là người có năng lực và hai bên đã sát cánh cùng nhau trong thời gian khá dài và thuận lợi nhưng ông Trump úp mở: “Ông ấy có thể ra đi. Ý tôi là trong một thời điểm nào đó, mọi người có thể sẽ ra đi”. Tuy nhiên, ông Trump nói thêm: “Mattis chưa bao giờ nói với tôi về kế hoạch rời khỏi Lầu Năm Góc” và từ chối trả lời thẳng thắn liệu tổng thống có muốn ông Mattis từ chức hay không.
Bộ trưởng Mattis ngay lập tức bình luận về phát ngôn của ông Trump, khẳng định: “Tôi thuộc đội của Tổng thống Trump. Cả hai chúng tôi chưa bao giờ nói về việc tôi rời khỏi Lầu Năm Góc. Và như các bạn có thể thấy, ngay lúc này đây chúng tôi đang tiếp tục làm công việc của mình. Không có chuyện gì xảy ra cả”. Bộ trưởng Mattis thậm chí còn tiết lộ ông đã có cuộc điện thoại trực tiếp với tổng thống vào trưa 15-10 và Tổng thống Trump đặt lòng tin 100% với người đứng đầu Lầu Năm Góc.
Ông Mattis được đánh giá là người giữ ổn định các chính sách đối ngoại của Mỹ dưới chính quyền Trump, điển hình như quản lý khủng hoảng ở Triều Tiên hay Syria, được ông Trump ca ngợi là nhà lãnh đạo có năng lực không thể ngờ. Nỗ lực mới nhất của ông Mattis nhằm chuyển đến Bắc Kinh thông điệp hòa hiếu hơn trong bối cảnh hai nước leo thang căng thẳng suốt nhiều tuần qua, cả hai cường quốc kinh tế đang bế tắc trong cuộc chiến thương mại không có lối thoát trong ngắn hạn.
Bộ trưởng Mattis đến TP.HCM Chiều qua (16-10), nhân dịp dự Hội nghị bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng tại Singapore, ông James Mattis đã đến TP.HCM, bắt đầu chuyến thăm trong hai ngày 16 và 17-10 tới Việt Nam. Đây là lần thứ hai, Bộ trưởng Mattis đến Việt Nam, sau lần thăm Hà Nội vào tháng 1. Bộ trưởng Mattis đã đến chào xã giao Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, trước khi hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch và đến thăm căn cứ không quân Biên Hòa vào hôm nay (17-10). |