Hãng tin Bloomberg hôm qua (15-10) dẫn lại lời Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc phỏng vấn trên chương trình “60 phút” của đài CBS cho biết Nhà Trắng dọa sẽ áp dụng thêm vòng đánh thuế mới với hàng Trung Quốc (TQ), đồng thời cảnh báo việc TQ can thiệp vào nền chính trị của Mỹ là một vấn đề nghiêm trọng hơn hành động của Nga trong cuộc bầu cử vào năm 2016.
Mỹ dọa tiếp tục đánh thuế hàng TQ
Khi phóng viên đài CBS hỏi liệu tổng thống có muốn đẩy nền kinh tế TQ vào thế đường cùng hay không, ông Trump trả lời “không”. Tổng thống Trump sau đó so sánh sự suy giảm của thị trường chứng khoán TQ kể từ vòng đánh thuế đầu tiên hồi tháng 7-2018 với sự sụp đổ kinh hoàng của chứng khoán Mỹ xảy ra vào cuộc đại khủng hoảng năm 1929.
“Tôi muốn họ đàm phán một thỏa thuận công bằng với chúng tôi. Tôi muốn họ mở cửa thị trường như thị trường ở Mỹ đang mở cửa” - ông Trump nói trên sóng truyền hình hôm Chủ nhật (giờ Mỹ), không quên nhấn mạnh rằng vòng đánh thuế mới có thể sẽ tiếp tục được áp dụng. Cho đến nay, Mỹ đã áp dụng ba vòng đánh thuế với hàng hóa TQ có giá trị lên đến 250 tỉ USD và Bắc Kinh cũng áp dụng các biện pháp trả đũa thuế quan và phi thuế quan khác nhau. Ông Trump cũng chưa từ bỏ ý định sẽ đánh thuế tất cả những gì Mỹ mua từ TQ.
Khi được hỏi về mối quan hệ với người đồng cấp Nga Vladimir Putin và nỗ lực can thiệp của điện Kremlin với cuộc bầu cử Mỹ năm 2016, Tổng thống Trump nhanh chóng xoay tầm ngắm về phía TQ: “Họ có can thiệp. Nhưng tôi nghĩ TQ cũng làm như vậy”. Tổng thống Mỹ cho rằng “thẳng thắn mà nói thì việc can thiệp của TQ nghiêm trọng hơn”. Tuy nhiên, tổng thống Mỹ không đưa ra các bằng chứng về cáo buộc TQ can thiệp cuộc bầu cử Mỹ 2016 cũng như cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ diễn ra vào tháng 11 tới.
Trước đó, tại cuộc họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào tháng 9, ông Trump cũng đưa ra các cáo buộc tương tự về TQ. Washington sau đó chỉ ra chiến dịch tuyên truyền và quảng cáo trên tờ báo Des Moines Register ở bang Iowa về tác hại của chính sách thuế do ông Trump phát động nhằm vào TQ đối với nông dân Mỹ. Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence hôm 9-10 có bài phát biểu nhằm vào TQ, cho thấy mối quan hệ Mỹ-TQ đang leo thang không chỉ ở vấn đề thương mại.
Đại sứ của Trung Quốc tại Mỹ Cui Tiankai. Ảnh: AFP/GETTY
Bắc Kinh quyết chống lại
Trước sự tấn công dồn dập của Mỹ đối với TQ trên nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là thương mại, phía TQ tỏ ra thận trọng và kín tiếng. TQ từ bỏ ý định đàm phán với Mỹ vì cho rằng “không hiệu quả” cho đến khi bầu cử giữa nhiệm kỳ kết thúc. Bắc Kinh ý thức rằng Washington không phải đang tìm kiếm “thỏa thuận thương mại công bằng” như ông Trump nói, mà là ngăn cản TQ tiến hành việc bành trướng thế lực và lập lại trật tự quyền lực mới tại khu vực vốn trước nay do Mỹ và hệ thống đồng minh kiểm soát.
Thông điệp của chúng tôi rất rõ ràng: Giảm căng thẳng. Xung đột thương mại đang tạo ra sự bấp bênh đối với nền kinh tế toàn cầu. Tổng Giám đốc IMF CHRISTINE LAGARDE |
Hôm 14-10, đại sứ TQ tại Mỹ nói Bắc Kinh không có lựa chọn nào khác nhưng sẽ phản đòn lại cuộc chiến thương mại do Mỹ phát động. “Chúng tôi chưa bao giờ mong muốn chiến tranh thương mại xảy ra nhưng nếu ai đó phát động cuộc chiến thương mại chống lại TQ, chúng tôi phải phản đòn và bảo vệ lợi ích của chính mình” - đại sứ Cui Tiankai nói trên chương trình truyền hình Fox News Sunday.
Đại sứ Cui Tiankai cũng bác bỏ cáo buộc mà ông cho là “vô căn cứ” của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence rằng TQ đã dàn xếp các kế hoạch nhằm can thiệp vào các vấn đề nội bộ của nước Mỹ, như sử dụng gián điệp, thuế quan, đe dọa cũng như các chiến dịch tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức người dân Mỹ. Trước đó, trả lời đài phát thanh quốc gia (NPR), Đại sứ Cui Tiankai cho rằng Mỹ không ứng xử tử tế với TQ trong vấn đề thương mại. Vị này nhấn mạnh “quan điểm của phía Mỹ luôn thay đổi thường xuyên nên chúng tôi không biết chính xác Mỹ muốn ưu tiên điều gì”.
Các phát biểu hiếm hoi của Đại sứ Cui Tiankai trên sóng truyền hình diễn ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ-TQ dường như hoàn toàn bế tắc trong ngắn hạn, nhất là việc đưa ra các giải pháp đối với cuộc chiến thương mại. Phải chờ kết quả bầu cử giữa kỳ kết thúc, cơ cấu quyền lực bộ máy chính trị Mỹ có thay đổi hay không mới có thể xem xét đến các khả năng điều chỉnh quan hệ Mỹ-TQ. Tuy nhiên, ở nhiệm kỳ Tổng thống Trump, khó có khả năng Washington và Bắc Kinh có thể hòa thuận nhanh chóng.
Tăng trưởng toàn cầu tiếp tục giảm Đầu tuần qua, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết xung đột thương mại góp phần làm giảm triển vọng tăng trưởng toàn cầu từ mức 3,9% vào thời điểm ba tháng trước xuống còn 3,7% ở giai đoạn hiện tại. Tăng trưởng kinh tế của Mỹ năm 2019 dự báo ở mức 2,5% trong khi con số năm nay là 2,9%. Nhà kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế Maurice Obstfeld phát biểu hôm 9-10 tại Indonesia rằng: “Tăng trưởng kinh tế không ổn định như chúng tôi kỳ vọng”. Các quan chức tài chính của nhiều nước, trong đó có Nhật Bản, Brazil đã kêu gọi các quốc gia đang đối đầu nhau nhanh chóng tìm kiếm thỏa thuận toàn diện về các vấn đề thương mại. |