Mỹ đã không hề được các bên tham vấn về thỏa thuận cho phe nổi dậy ở Aleppo đầu hàng, Reuters dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby cho biết ngày 14-12.
Tuy nhiên, theo ông Kirby, Mỹ hoan nghênh thỏa thuận này đã mang lại yên bình cho người dân Aleppo.
“Chuyện thỏa thuận do ai đàm phán và đạt được thế nào không quan trọng lắm, điều quan trọng hơn là thỏa thuận này đã đàm phán và đã đạt được” -theo ông Kirby.
Tuy nhiên, ông Kirby cho rằng thỏa thuận đầu hàng này dù chấm dứt chiến sự ở Aleppo nhưng sẽ không chấm dứt được cuộc chiến ở Syria.
“Nó sẽ còn tiếp tục. Phe nổi dậy sẽ tiếp tục chiến đấu, các phần tử cực đoan vẫn đang hiện diện ở nhiều địa phương khắp Syria. Rất nhiều người dân vô tội sẽ còn phải tìm đường rời Syria đi tị nạn”.
Người dân đến quận Fardo sau khi sơ tán khỏi quận Bustan al-Qasr (đông Aleppo) ngày 13-12. Ảnh: AFP
Trình bày với Hội đồng Bảo an LHQ, Đại sứ Mỹ tại LHQ Samantha Power nói Mỹ muốn các nhà quan sát quốc tế vào Aleppo để giám sát quá trình sơ tán của dân và rút đi của phe nổi dậy.
Trong khi quân chính phủ kiểm soát Aleppo và phe nổi dậy đang bắt đầu rút đi thì làn sóng chỉ trích phương Tây không cứu Aleppo bắt đầu lan rộng.
Biểu tình ở London (Anh) chỉ trích phương Tây không cứu Aleppo tối 13-12. Ảnh: MEE
CNN cho biết rất nhiều người dân Aleppo chỉ trích thế giới đã bỏ mặc cho Aleppo bị phá hủy. Trong khi đó tối 13-12 tại London (Anh) đã diễn ra hai cuộc biểu tình. Khoảng 1.000 người đã tập trung biểu tình bên ngoài Đại sứ quán Syria. Khoảng 300 trăm người Hồi giáo tập trung biểu tình trước dinh Thủ tướng Anh. Họ chỉ trích chính phủ Anh và các nước phương Tây thờ ơ, không cố gắng cứu Aleppo, ngăn chặn bạo lực và thảm họa nhân đạo ở Aleppo và cả Syria.
Người biểu tình yêu cầu các bên liên quan tạo điều kiện, xúc tiến cứu trợ nhân đạo - bao gồm dùng trực thăng thả hàng cứu trợ và mở hành lang an toàn cho người dân và phe nổi dậy “ôn hòa” rời khỏi Aleppo.