“Tôi rất lo ngại rằng Nga có thể giúp đỡ Triều Tiên. Mặc dù chưa có bằng chứng nhưng chúng tôi đang theo dõi sát sao việc này” - Reuters ngày 27-6 dẫn lời đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, bà Nikki Haley, nói với các nghị sĩ Mỹ tại Washington.
Theo Reuters, trong khi Washington đang hối thúc các nước hạ cấp quan hệ với Bình Nhưỡng để trừng phạt nước này theo đuổi chương trình hạt nhân và tên lửa, Nga và Triều Tiên hồi tháng 5 đã khởi động dịch vụ phà xuyên biên giới giữa hai nước. Thêm vào đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng kêu gọi thế giới nên đàm phán thay vì đe dọa Triều Tiên.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, bà Nikki Haley. Ảnh: REUTERS
“Chúng ta cần tiếp tục gây sức ép với Trung Quốc. Nhưng chúng ta cũng cần để mắt tới Nga. Chúng ta cũng cần tiếp tục thể hiện cho chính quyền Triều Tiên biết rằng chúng ta không tìm cách thay đổi chính quyền của họ… Chúng ta chỉ muốn họ dừng các hoạt động hạt nhân” - bà Haley nói.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần hối thúc Trung Quốc cần phải mạnh tay hơn nữa trong việc kiềm chế nước láng giềng và là đồng minh Triều Tiên. Washington cũng cảnh báo mọi lựa chọn đang được tính đến nếu Bình Nhưỡng khăng khăng phát triển chương trình hạt nhân và tên lửa.
Bắc Kinh thường xuyên khẳng định tầm ảnh hưởng của nước này đối với Triều Tiên rất hạn chế và đang làm tất cả những gì có thể để kiềm chế Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump tuần trước vẫn tuyên bố rằng nỗ lực kiềm chế Triều Tiên của Trung Quốc đã thất bại. Các quan chức chính quyền cấp cao cho biết Tổng thống Trump hiện xem xét các hành động thương mại chống lại Bắc Kinh.
Dù vậy, Đại sứ Haley vẫn nhấn mạnh: “Việc gây sức ép với Trung Quốc không thể dừng lại. Chúng ta phải đề nghị Trung Quốc làm theo những gì mà họ phải làm. Đồng thời, tất cả các nước khác cũng cần đảm bảo chắc chắn rằng họ đang thực thi các lệnh trừng phạt mà Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã áp vào Triều Tiên”.
Cùng với các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc, Mỹ đang đẩy mạnh việc trừng phạt Triều Tiên với mong muốn có thể kiềm chế chương trình hạt nhân và tên lửa Bình Nhưỡng.