Mỹ, Mexico và 'cuộc chiến' không bên nào thắng

(PLO)- Các vấn đề liên quan chia sẻ nguồn nước đang đẩy hai nước láng giềng Mexico và Mỹ rơi vào tình trạng căng thẳng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Căng thẳng tại khu vực biên giới giữa Mỹ và Mexico đang gia tăng, song nguồn cơn không phải do vấn đề di cư, mà về chia sẻ nguồn nước.

Theo Hiệp ước Nước năm 1944, Mỹ chia sẻ nguồn nước từ sông Colorado cho Mexico, trong khi Mexico cấp nước cho Mỹ thông qua sông Rio Grande. Tuy nhiên, trước tình trạng hạn hán nghiêm trọng và nhiệt độ tăng cao, Mexico gặp nhiều khó khăn trong việc cung cấp đủ lượng nước cho Mỹ.

Một số chính trị gia Mexico cho biết họ không thể cho tặng những gì họ không có. Tuy nhiên, đối với những người nông dân ở miền nam bang Texas (Mỹ), lập luận trên rất khó chấp nhận.

Chia sẻ nguồn nước giữa Mexico và Mỹ
Một phần của sông Rio Grande tạo thành đường biên giới giữa Mỹ và Mexico. Ảnh: GETTY IMAGES

Theo đó, nhiều nông dân ở nam Texas cho biết việc thiếu nguồn nước từ Mexico đang đẩy họ vào cuộc khủng hoảng, khiến tương lai của ngành nông nghiệp bị mất cân bằng. Một số nhà lãnh đạo Texas đã kêu gọi chính quyền Tổng thống Joe Biden hành động để giải quyết tình trạng này.

Theo đài CNN, tình hình trên cho thấy những khó khăn to lớn trong việc sắp xếp, chia sẻ nguồn tài nguyên nước vốn đang cạn dần, trong bối cảnh thế giới ngày càng nóng hơn, khô hơn.

Dòng sông suy tàn

Theo Hiệp ước Nước năm 1944, theo chu kỳ 5 năm, Mexico phải cung cấp hơn 2,1 tỉ m3 nước đến Mỹ thông qua sông Rio Grande. Lượng nước này được lưu trữ trong các hồ chứa Falcon và Amistad, nằm dọc biên giới hai nước. Ngược lại, Mỹ phải gửi hơn 1,8 tỉ m3 nước mỗi năm đến Mexico, thông qua sông Colorado.

Tuy nhiên, bà Maria Elena Giner – ủy viên đại diện Mỹ trong Ủy hội Nước và Biên giới Quốc tế (cơ quan chung của hai quốc gia giám sát hiệp ước năm 1944) – cho biết Mexico còn cần rất nhiều bước mới hoàn thành mục tiêu được đưa ra.

“Chúng tôi chỉ mới nhận được lượng nước đủ cho khoảng 1 năm, trong khi chu kỳ lần này đã bước sang năm thứ tư” – bà Giner nói. Theo CNN, chu kỳ chia sẻ nguồn nước hiện tại sẽ kết thúc vào tháng 10-2025.

Sông Rio Grande là một trong những con sông dài nhất Bắc Mỹ, dài hơn 3.000 km. Sông Rio Grande bắt nguồn từ dãy núi Rocky của bang Colorado, len lỏi qua 3 bang của Mỹ, 5 bang của Mexico và đổ ra biển ở Vịnh Mexico.

Sau nhiều năm khai thác quá mức để phục vụ nông nghiệp, tình trạng dân số bùng nổ, cùng với nắng nóng và hạn hán do biến đổi khí hậu đã khiến mực nước trên sông Rio Grande giảm đáng kể.

Ông Alfonso Cortez Lara – Giám đốc trường Cao đẳng Biên giới Phía Bắc (Mexico) – cho biết do nhiệt độ tăng làm mất lớp tuyết ở vùng núi đầu nguồn nên dòng chảy của sông cũng giảm.

Ông Giner cho rằng tính khó dự đoán của dòng sông là lý do khiến các cam kết của Mexico dựa trên chu kỳ 5 năm “sẽ có lúc không đủ, có lúc dư”.

Trong những thập niên đầu kể từ khi hiệp ước được ký, việc chia sẻ nguồn nước đều diễn ra tốt đẹp. Tuy nhiên, ông Giner cho biết từ đầu những năm 1990, “có điều gì đó đã thay đổi” và có ít nước chảy vào sông hơn.

Theo CNN, Hiệp ước Nước năm 1944 tính toán lượng nước trên sông Rio Grande dựa trên dữ liệu từ nửa đầu thế kỷ XX. Vào thời điểm ký kết về việc chia sẻ nguồn nước, hiệp ước có tính toán việc lượng nước giảm đi do hạn hán, nhưng việc tính toán này không mấy hiệu quả vì không lường trước được có những thời điểm hạn hán kéo dài.

Giai đoạn đầu tiên Mexico không cung cấp đủ nước theo hiệp ước là từ năm 1992 đến năm 2002. Theo bà Vianey Rueda – nhà nghiên cứu chuyên về Hiệp ước Nước năm 1944 tại ĐH Michigan (Mỹ), “đây là lần đầu tiên chúng ta thực sự chứng kiến ​​những căng thẳng chính trị gia tăng [giữa Mỹ và Mexico] liên quan nguồn nước”.

02-2023-05-14t005011z-1736071212-rc2vx0avq23z-rtrmadp-3-usa-environment-water.webp
Lòng sông Rio Grande khô cạn tại bang New Mexico (Mỹ) vào tháng 5. Ảnh: REUTERS

Hiện tại, Mexico đang phải đối mặt tình trạng tương tự, chỉ có điều lần này nó dữ dội hơn. “Hệ thống cung cấp nước vẫn được giữ nguyên nhưng cuộc khủng hoảng nước ngày càng trầm trọng hơn” – bà Rueda.

Theo CNN, tình trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân.

Nhu cầu về nước tăng lên khi sự phát triển dọc sông Rio Grande được đẩy mạnh. Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (có hiệu lực vào năm 1994) đã dẫn đến sự bùng nổ của các trang trại và nhà máy ở Mexico. Tiếp đó, cả hai bên biên giới đều chứng kiến sự đô thị hóa và dân số tăng lên.

Tuy nhiên, nguyên nhân lớn nhất vẫn là biến đổi khí hậu.

“Bạn có những hiệp ước nhằm mục đích tạo ra khí hậu ổn định, nhưng lại đang cố gắng thực thi chúng trong điều kiện khí hậu không ổn định” – bà Rueda nêu quan điểm.

Cuộc chiến không bên nào thắng

Nước từ sông Rio Grande chảy đến các hồ chứa Falcon và Amistad nằm dọc biên giới. Đây là những hồ chứa cung cấp nước cho các hộ gia đình và trang trại. Nước ở cả hai hồ chứa đều sụt giảm xuống mức thấp lịch sử. Vào giữa tháng 6, nước ở hồ chứa Amistad ở mức dưới 26% khả năng chứa của hồ, trong khi nước ở hồ chứa Falcon chỉ ở mức 9,9% khả năng chứa của hồ.

Ông Brian Jones – một nông dân ở Texas – cho biết: “Nông dân ở Thung lũng Rio Grande của Texas đang thiếu nước hoặc hết nước nhanh chóng”.

Ông Jones cho hay nguồn cung cấp nước thấp từ Mexico, kết hợp với tình trạng ít mưa trong khu vực, đang đe dọa ngành trồng cây có múi của bang. Tuy nhiên, đối với ngành sản xuất đường, tình hình còn tồi tệ hơn.

Nhà máy đường duy nhất của bang Texas, vốn từng sử dụng hơn 500 lao động, đã đóng cửa vào tháng 2 sau hơn 50 năm hoạt động.

“Trong hơn 30 năm qua, nông dân ở miền nam Texas đã đấu tranh với việc Mexico không tuân thủ các điều khoản của Hiệp ước Nước năm 1944” – thông cáo báo chí từ nhà máy đường cho biết.

Bên kia biên giới, người dân Mexico cũng gặp nhiều khó khăn. Mexico đang phải chịu đợt hạn hán nghiêm trọng và lan rộng nhất kể từ năm 2011, ảnh hưởng đến gần 90% diện tích nước này.

Tình hình đặc biệt nghiêm trọng ở miền bắc Mexico. Toàn bộ bang Chihuahua bị hạn hán kể từ tháng 2. Dữ liệu vào cuối tháng 5 cho thấy gần 40% diện tích bang đang ở trong tình trạng “hạn hán đặc biệt”.

Ông Alvador Alcántar – nghị sĩ đại diện bang Chihuahua – cho biết: “Không một giọt mưa nào rơi trong hơn 8 tháng qua. Biến đổi khí hậu vẫn còn tồn tại, chúng ta phải học cách đối phó với nó”.

05-ap24138019092908.webp
Mực nước tại hồ chứa Falcon ở bang Texas (Mỹ) xuống thấp vào tháng 5. Ảnh: AP

Theo CNN, việc đàm phán lại toàn bộ hiệp ước về việc chia sẻ nguồn nước là khó có thể xảy ra. Tuy nhiên, hy vọng vẫn xuất hiện khi Tổng thống đắc cử của Mexico - bà Claudia Sheinbaum cam kết ưu tiên các vấn đề về nước.

Dù vậy, bà Rueda vẫn lưu ý rằng các thỏa thuận về việc chia sẻ nguồn nước cần tính toán đến việc thích ứng biến đổi khí hậu. Theo bà Rueda, thay vì coi việc chia sẻ nguồn nước là một trò chơi có tổng bằng 0 (một bên sẽ nhận được lợi ích từ những gì bên kia bị mất đi), cả hai bên nên nhận ra rằng họ đang “chịu đựng cùng một tình trạng chung vì biến đổi khí hậu”.

“Sau đó, mọi người bắt đầu dừng trò chơi có tổng bằng 0 đó, mọi người bắt đầu nói rằng về cơ bản, cả hai bên đều đang thua. Không ai thực sự chiến thắng cả” – bà Rueda nhận định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm