Mỹ muốn gì ở đất nước giao điểm Á-Âu?

Chuyên gia Marcus Papadopoulos người Anh, chủ bút tạp chí Politics First, nhận định điều này chứng tỏ Mỹ vẫn tiếp tục thực hiện các mục tiêu địa-chiến lược theo kịch bản đã định.

Theo kịch bản, đầu tiên Mỹ sẽ khẳng định các nguyên tắc dân chủ và nhân quyền bị vi phạm nghiêm trọng ở đất nước nào đó. Một số báo, đài sẽ tăng âm cho luận điểm này. Kế đến Mỹ sẽ tuyên bố ủng hộ các nhóm được Mỹ tin tưởng và viện trợ thiết bị quân sự không gây chết người cho các nhóm này. Cuối cùng Mỹ sẽ tiến tới viện trợ vũ khí.

Chuyên gia Marcus Papadopoulos nhận xét: Mỹ muốn cắt đứt quan hệ lịch sử giữa Ukraine với Nga và đẩy Ukraine tiến gần châu Âu và NATO hơn. Ý đồ này sẽ thúc đẩy tình hình trở nên nghiêm trọng khi Ukraine tiếp nhận viện trợ thiết bị quân sự không gây chết người bởi sau đó nội chiến sẽ xảy ra, Mỹ sẽ tiếp tục viện trợ súng đạn và bóng ma chiến tranh sẽ lại xuất hiện.

Kịch bản nêu trên đã từng xảy ra ở Nam Tư cũ, Libya, Syria và bây giờ là ở Ukraine. Bằng chứng là ngày 25-4, Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ Carl Levin kêu gọi: “Phải cung cấp trang thiết bị, áo chống đạn, vũ khí hạng nhẹ và đạn dược (cho Ukraine)”.

 
Lực lượng tự vệ canh gác ở cửa ngõ Slaviansk (miền Đông) ngày 25-4. Ảnh: REUTERS

Trong công trình nghiên cứu đăng trên trang web của Viện nghiên cứu Ron Paul vì hòa bình và phát triển (Mỹ), chuyên gia Mỹ Steve Weissman đã mô tả chi tiết âm mưu của các nhà ngoại giao Mỹ nhằm tổ chức lật đổ ở Ukraine, đất nước nằm trên giao điểm Á-Âu.

Đầu mối của Mỹ ở Ukraine là Oleh Rybachuk, nguyên Phó Thủ tướng dưới thời Thủ tướng Tymoshenko. Hàng chục nhóm đối lập do Oleh Rybachuk thành lập đã đua nhau biểu tình dẫn đến lật đổ Tổng thống Yanukovych. Chỉ trong năm 2013, Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) đã bơm cho Oleh Rybachuk hơn 7 tỉ USD thông qua quỹ Soros và quỹ Pact ở Mỹ.

Steve Weissman đã chỉ đích danh Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland và Đại sứ Mỹ tại Ukraine Jeffrey Payette là những người điều phối tổ chức lật đổ Tổng thống Yanukovych với sự tiếp tay của CIA, Cục An ninh Quốc gia và Lầu Năm Góc.

Từ thời Bill Clinton, Mỹ và châu Âu đã muốn mở rộng NATO đến biên giới Nga, do đó đã nỗ lực xoay chuyển kinh tế Ukraine và các nước Đông Âu theo mô hình phương Tây. Chính sách răn đe chiến lược này chủ yếu nhằm bao vây Nga bằng quân sự và kinh tế. Còn hiện nay, như ghi nhận của báo Mỹ New York Times, Mỹ đang xem xét lại toàn bộ quan hệ với Nga và chuẩn bị thực hiện trở lại chính sách răn đe vốn đã được nhà ngoại giao Mỹ George Kennan đưa ra đầu tiên vào năm 1947. Đó là tiến hành cuộc chiến tranh lạnh mới và cô lập Nga.

DẠ THẢO

- Ngày 26-4, lực lượng tự vệ ở Slaviansk (miền Đông Ukraine) thông báo vẫn giữ các quan sát viên Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu vì họ là gián điệp. Xe bọc thép và trực thăng của quân đội Ukraine đang bao vây Slaviansk. Người đứng đầu chính quyền thân Nga tại đây tuyên bố sẵn sàng biến Slaviansk thành trận chiến Stalingrad.

- Trong điện đàm với Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier hôm 25-4, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ghi nhận muốn thực hiện đầy đủ tuyên bố Genève ngày 17-4, chính quyền Ukraine phải ngừng sử dụng quân đội và các phần tử dân tộc cực đoan có vũ trang ở miền Đông Ukraine. Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nga kêu gọi chính quyền Kiev chấm dứt bạo lực và thù địch, đồng thời rút quân khỏi miền Đông.

- Ngày 26-4, các nước G7 ra thông cáo chung khẳng định G7 sẽ nhanh chóng áp đặt các biện pháp trừng phạt mới với Nga. Lầu Năm Góc thông báo máy bay Nga đã bay vào không phận Ukraine nhiều lần trong 24 giờ qua nhưng không nêu rõ các vụ này xảy ra ở đâu và khi nào. Trước đó Nga đã tuyên bố tập trận ở biên giới Ukraine.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm