Mỹ: Nga có thể triển khai vũ khí hạt nhân ở Belarus

Theo đài RT, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 19-1 đã lên tiếng cảnh báo về việc Nga có thể triển khai vũ khí hạt nhân ở Belarus theo các điều khoản trong dự thảo hiến pháp mới của Minsk.

Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Washington và Moscow tìm cách đạt được thỏa thuận về đảm bảo an ninh ở khu vực châu Âu.

Phát biểu tại một cuộc họp kín, quan chức Mỹ giấu tên bày tỏ lo ngại rằng những thay đổi được đưa ra có thể cho thấy "kế hoạch của Belarus cho phép Nga triển khai lực lượng hạt nhân và thông thường trên lãnh thổ của mình”.

Theo quan chức trên, một động thái như vậy sẽ đặt ra thách thức đối với an ninh khu vực châu Âu và các nước phương Tây có thể phải đưa ra phản ứng thích hợp. 

Quan chức này cho hay nỗi lo lắng của mình đến từ “các báo cáo về hoạt động chuyển quân của Nga tới Belarus, cũng như là các cuộc tập trận quân sự chung được lên lịch thường xuyên giữa hai nước”.

Hệ thống tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Topol-M trong buổi diễn tập duyệt binh trên Quảng trường Đỏ ở Moscow. Ảnh: SPUTNIK

Vào ngày 17-1, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã thông báo rằng Minsk và Moscow sẽ tổ chức các cuộc tập trận quân sự chung gần biên giới phía đông của NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) và Ukraine vào tháng 2 tới.

Trước tuyên bố của ông Lukashenko, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Wendy R. Sherman cho biết việc này “chắc chắn làm dấy lên lo ngại rằng Nga có thể có ý định triển khai lực lượng đến Belarus dưới chiêu bài tập trận để tấn công Ukraine từ phía bắc”.

"Và việc để người Belarus tham gia vào một cuộc tấn công như vậy sẽ hoàn toàn không thể chấp nhận được” - bà Sherman chỉ trích.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban của Hội đồng Liên bang Nga về các vấn đề quốc tế Vladimir Dzhabarov hôm 19-1 đã khẳng định rằng hiện tại Moscow không có kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ Belarus.

“Ông Lukashenko đã gợi ý rằng, nếu cần, Nga có thể triển khai lực lượng hạt nhân của mình trên lãnh thổ của Belarus. Tuy nhiên, theo như tôi biết, chúng tôi vẫn chưa có bất kỳ cuộc đàm phán nào về vấn đề này” - ông Dzhabarov nói.

Mối lo ngại của các quan chức Washington xuất hiện sau khi Belarus công bố đề xuất sửa đổi hiến pháp của nước này vào tháng trước, theo đó, Belarus dường như đã loại bỏ việc “hướng tới mục tiêu biến lãnh thổ của mình trở thành khu vực phi hạt nhân và một nhà nước trung lập”.

Trước đó, vào cuối tháng 11, phía Belarus cho rằng Nga nên triển khai các đầu đạn hạt nhân trên lãnh thổ của mình nếu NATO đưa vũ khí hạt nhântiến về phía đông châu Âu, RT đưa tin.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm