Belarus dọa triển khai vũ khí hạt nhân Nga nếu NATO tiến sâu về phía đông

Theo đài RT ngày 18-12, Ngoại trưởng Belarus Vladimir Makei cảnh báo nước này có thể sẽ triển khai vũ khí hạt nhân của Nga trên lãnh thổ của mình.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Minsk và phương Tây đang leo thang, cũng như việc Belarus tỏ ra lo ngại trước sự hiện diện của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở các nước láng giềng của mình.

"Như Tổng thống Alexander Lukashenko đã nói, chúng tôi đang xem xét khả năng triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ Belarus như một cách để phản ứng trước các động thái tiềm tàng của khối NATO trên lãnh thổ Ba Lan trong tương lai" - Ngoại trưởng Makei nhấn mạnh.

Vào cuối tháng 11, ông Lukashenko đưa ra ý tưởng này và cân nhắc sẽ áp dụng nếu tên lửa nguyên tử của Mỹ được triển khai sâu hơn vào Đông Âu.

Ngay sau khi Liên Xô sụp đổ, Belarus đã tham gia Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), tự nguyện từ bỏ vũ khí hạt nhân mà nước này được thừa hưởng. Các hệ thống còn lại được chuyển giao cho Nga vào cuối năm 1996.

Ông Makei nêu rõ Belarus có các lựa chọn khác, ít kịch tính hơn để trả đũa các động thái của phương, trong đó có việc đưa ra các giải pháp kinh tế. Ông cũng nhắc lại ý tưởng ngăn dòng khí đốt tự nhiên cho thị trường Tây Âu.

Ngoại trưởng Belarus Vladimir Makei. Ảnh: TASS

"Đó chỉ là một trong những biện pháp đáp trả khả thi đối với các lệnh trừng phạt mà phương Tây đã áp đặt đối với Belarus" - ông nói.

Mối quan hệ giữa Belarus và phương Tây nhanh chóng xấu đi sau cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 8-2020 và các cuộc biểu tình lớn diễn ra sau đó. Liên minh châu Âu (EU) đã từ chối công nhận kết quả của cuộc bỏ phiếu, trong đó ông Lukashenko đã giành được chiến thắng.

Mối quan hệ thậm chí còn xấu đi trong vài tháng qua, sau khi Minsk cho phép dòng người di cư đi qua biên giới nước này để đến EU nhằm trả đũa các lệnh trừng phạt mà khối này áp đặt. Về phần mình, EU cáo buộc Belarus khuấy động giả tạo tình trạng di cư bất hợp pháp như một phần của "cuộc chiến hỗn hợp" chống lại khối, một cáo buộc mà Belarus luôn bác bỏ.

Động thái của Minsk đã dẫn đến tình hình đặc biệt căng thẳng ở biên giới của nước này với Ba Lan, khi hàng trăm người đang cố gắng gia nhập EU bằng vũ lực. Ba Lan đã triển khai một số lượng lớn cảnh sát và binh sĩ để đáp trả, tìm cách ngăn chặn những người nhập cảnh bất hợp pháp. Hiện tại, khoảng 1.000 người di cư bất hợp pháp vẫn còn trên đất Belarus, theo Ngoại trưởng nước này.


Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm