Lãnh đạo các nước G20 sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh tại đảo Bali, Indonesia trong ngày 15 và 16-11 để đưa ra giải pháp cho những vấn đề "hóc búa" mà kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt, theo hãng tin Al Jazeera.
Trong bối cảnh lạm phát tại nhiều nước trên thế giới đang ở mức cao trong vòng 40 năm qua, đó sẽ là 1 trong những vấn đề chính được bàn luận tại hội nghị lần này.
Theo Al Jazeera, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới lạm phát được cho là do xung đột Nga-Ukraine khiến giá năng lượng tăng vọt và chính sách “zero COVID-19” của Trung Quốc (TQ) làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra từ ngày 15 đến 16-11 tại đảo Bali, Indonesia. ẢNH: OMFIF |
Ngân hàng trung ương của nhiều nước đồng loạt tăng lãi suất để khống chế giá cả khiến nhiều chuyên gia lo ngại thế giới có thể sớm chuyển từ khủng hoảng sinh hoạt giá cả sang suy thoái kinh tế toàn cầu.
Theo nhà kinh học Trinh Nguyen chuyên về kinh tế khu vực châu Á tại ngân hàng Natixis của Hong Kong, trước tình hình chính trị thế giới ngày càng phức tạp, lạm phát sẽ là vấn đề trước mắt mà các nước G20 cần giải quyết; đồng thời, các vấn đề về an ninh năng lượng cũng cần được lưu ý để tránh tình trạng khủng hoảng xảy ra.
Theo bà Trinh Nguyen, một thách thức khác mà G20 phải đối mặt đó là phải đề ra những biện pháp cụ thể để xây dựng một chuỗi cung ứng toàn cầu tích hợp và ít bị tổn thương trước cục diện chính trị thế giới phức tạp.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính lạm phát toàn cầu trong năm 2022 sẽ ở mức 8,8%, tăng 4,1% so với năm 2021, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, giá nhiên liệu tăng cao và xung đột Nga-Ukraine.
Ngoài ra, tại hội nghị lần này, các nền kinh tế hàng đầu thế giới dự kiến sẽ bàn về việc đề ra những hành động cụ thể để ngăn chặn ảnh hưởng của tình trạng biến đổi khí hậu.
Bên cạnh những vấn đề trên, các lãnh đạo G20 năm nay dự kiến sẽ bàn về xung đột Nga-Ukraine, theo đài CBS News.
Hội nghị G20 năm nay sẽ không có sự tham dự của Tổng thống Nga Vladimir Putin, thay vào đó, Ngoại trưởng Sergey Lavrov sẽ là đại diện của Moscow tại sự kiện này. Về phía Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelensky dự kiến sẽ phát biểu trực tiếp tại hội nghị.
Theo CBS News, các nhà lãnh đạo của G20 dự kiến sẽ bàn về xung đột Moscow-Kiev ảnh hưởng đến cục diện thế giới như thế nào, trong đó có cả vấn đề sử dụng vũ khí hạt nhân.
Theo Al Jazeera, mặc dù khẩu hiệu của Hội nghị thượng đỉnh G20 là “cùng nhau phục hồi, phục hồi mạnh mẽ hơn”, song triển vọng hợp tác tại Hội nghị thượng đỉnh năm nay khá mỏng manh khi khối này vẫn tồn tại mâu thuẫn giữa Mỹ, TQ và Nga.
Theo Al Jazeera, Indonesia - nước chủ nhà Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay - đã tìm cách để duy trì tính trung lập của diễn đàn, bác bỏ lời kêu gọi của phương Tây và Ukraine về việc loại Nga khỏi hội nghị. Phía Indonesia cũng nhấn mạnh về những tiềm năng trong hợp tác về an ninh lương thực và năng lượng.