Năm 2023: Tiếp tục cải cách tiền lương, khắc phục tình trạng cán bộ nghỉ việc

(PLO)- Năm 2023, Chính phủ đề ra sáu quan điểm, trọng tâm trong chỉ đạo điều hành; 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương ngày 3-1, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã thay mặt Chính phủ trình bày tóm tắt một số nội dung chính của dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) và Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái thay mặt Chính phủ báo cáo dự thảo nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Ảnh: VGP

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái thay mặt Chính phủ báo cáo dự thảo nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Ảnh: VGP

Sáu quan điểm, trọng tâm chỉ đạo điều hành

Theo dự thảo, năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các kế hoạch năm năm giai đoạn 2021-2025. Do đó, Chính phủ xác định chủ đề điều hành của năm 2023 là "Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả", với sáu quan điểm, trọng tâm chỉ đạo điều hành.

Một là, bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; các Nghị quyết chuyên đề, các Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị và các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ.

Tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, các nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược phát triển KTXH 2021-2030, các Kế hoạch năm năm giai đoạn 2021-2025. Trong đó chú trọng ba đột phá chiến lược, sáu nhiệm vụ trọng tâm và 12 nhóm giải pháp chủ yếu.

Hai là, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác nhưng cũng không hoang mang, dao động; luôn bình tĩnh, tự tin, bản lĩnh, chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, không chuyển trạng thái đột ngột, điều hành "giật cục".

Đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm hành động cao nhất để thích ứng linh hoạt, hiệu quả với bối cảnh, tình hình để "biến nguy thành cơ", khắc phục khó khăn, thách thức, tranh thủ thời cơ, thuận lợi để phát triển KTXH. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, thực chất, hiệu quả và xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.

Ba là, nâng cao năng lực phân tích, dự báo; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án thích ứng hiệu quả.

Tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng và các chính sách khác; điều hành kịp thời, cân bằng, hợp lý, hiệu quả giữa tỷ giá với lãi suất, giữa lãi suất với lạm phát; giữa kiềm chế lạm phát với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phù hợp với tình hình thực tiễn.

Bốn là, đồng bộ, thống nhất và quyết tâm, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, vừa tập trung xử lý hiệu quả các nhiệm vụ thường xuyên, các vấn đề tồn đọng kéo dài, vừa kịp thời ứng phó hiệu quả với những vấn đề cấp bách, bất ngờ phát sinh trong ngắn hạn, đồng thời thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp mang tính căn cơ trong trung và dài hạn…

Năm là phát triển văn hóa ngang tầm với kinh tế, chính trị, xã hội. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, đảm bảo tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm môi trường bền vững, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân nói chung, nhất là người có công, hộ nghèo, các đối tượng yếu thế ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và đồng bào dân tộc.

Sáu là, tiếp tục củng cố, giữ vững quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại, nâng cao chất lượng, hiệu quả hội nhập quốc tế; đảm bảo môi trường ổn định, hòa bình, hợp tác để thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững.

Dự thảo Nghị quyết cũng xác định 15 chỉ tiêu chủ yếu theo Nghị quyết 68/2022 của Quốc hội và mục tiêu phấn đấu của Chính phủ; kịch bản tăng trưởng năm 2023 chia theo từng quý và cả năm; 85 chỉ tiêu cụ thể Chính phủ đặt ra cho các ngành, lĩnh vực.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến tham dự hội nghị. Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến tham dự hội nghị. Ảnh: TTXVN

11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu

Với bối cảnh, ý nghĩa của năm 2023, trên cơ sở sáu quan điểm, trọng tâm chỉ đạo điều hành nêu trên, dự thảo Nghị quyết xác định 11 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu với 142 nhiệm vụ.

Thứ nhất, tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp hài hòa, hợp lý, chặt chẽ…Tập trung xử lý các vấn đề tồn đọng, kéo dài đã được Bộ Chính trị cho chủ trương (sáu tổ chức tín dụng yếu kém, tám dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy, Ngân hàng Phát triển Việt Nam …); tiếp tục xây dựng, hoàn thiện phương án xử lý đối với bốn dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả còn lại để trình Bộ Chính trị xem xét, cho ý kiến…

Thứ hai, tiếp tục tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh. Tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và các dịch bệnh mới phát sinh, không để dịch chồng dịch.

Thứ ba, tăng cường xây dựng, hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Đẩy mạnh việc thực hiện hiệu quả Chỉ thị 04-CT/TW ngày 2-6-2021 của Ban Bí thư, tập trung xử lý dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành án, nhất là các vụ việc trọng điểm, phức tạp, kéo dài…

Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với xây dựng Chính phủ điện tử, xây dựng Chính phủ số; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức; đổi mới công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức và các quy định liên quan cán bộ, công chức, viên chức.

Hoàn thành hệ thống thể chế, chính sách để thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27. Sớm khắc phục tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức và tình trạng công chức, viên chức xin nghỉ việc.

Tiếp tục thực hiện tốt công tác tinh giản biên chế theo Kết luận 28-KL/TW của Bộ Chính trị. Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2022-2025 theo Kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết của Chính phủ…

Sớm hoàn thành xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia, thực hiện hiệu quả Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 theo tinh thần năm 2023 là "Năm Dữ liệu số, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới".

Thứ năm, đẩy mạnh thực hiện thực chất, hiệu quả cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tính độc lập, tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế.

Thứ sáu, tập trung phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, đẩy nhanh tiến độ một số công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, có tính liên kết vùng và hạ tầng đô thị lớn.

Triển khai Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, Kế hoạch sử dụng đất quốc gia năm năm, có giải pháp xử lý các vướng mắc của các dự án sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để đưa các nguồn lực vào phát triển.

Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: VGP

Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: VGP

Thứ bảy, chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học-công nghệ.

Thứ tám, phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội; nâng cao đời sống Nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội.

Giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nhân lực, thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế. Nâng cao năng lực hệ thống, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng; nâng cao năng lực điều trị của tất cả các tuyến. Cùng đó là tập trung triển khai Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội…

Thứ chín, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Thứ mười, triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước và nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Triển khai hiệu quả chương trình đối ngoại cấp cao năm 2023. Nâng tầm đối ngoại đa phương và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, hiệu quả gắn với củng cố, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.

Mười một, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trong hệ thống chính trị, góp phần truyền cảm hứng, tạo niềm tin, đồng thuận xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phấn đấu hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KTXH đã đề ra.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm