Trước tết Đinh Dậu cũng vậy nhưng lần này thì tin tức có vẻ chắc chắn rằng sau Tết sẽ không còn chợ Cũ nữa… Không chỉ những tiểu thương buôn bán ở đây, những người quen đi chợ này mà nhiều người Sài Gòn đã bần thần và luyến tiếc một địa chỉ, một địa danh lưu lại giai đoạn khởi lập đô thị Sài Gòn, cũng là một cái chợ có “thương hiệu” lâu đời về thức ăn tươi ngon và thực phẩm công nghệ “xịn” như rượu, đồ hộp, bánh ngọt, sau này là băng đĩa nhạc phim ngoại nhập...
Chợ Cũ là nơi đầu tiên tôi biết ở Sài Gòn. Chiếc xe khách đưa chúng tôi vào đến TP đã quá nửa đêm, không liên lạc được với gia đình nên tôi đã ở lại một công sở ngay đầu đường Hàm Nghi - Tôn Thất Đạm. Sáng sớm hôm sau tôi thức giấc vì tiếng rao “bánh mì đây, bánh mì nóng giòn đây…”. Từ trên lầu cao nhìn xuống thấy những người bán bánh mì đi xe đạp chở đằng sau một cần xé lớn phủ kín, chạy thong thả dọc theo đường phố. Thỉnh thoảng dừng lại, mở tấm phủ lấy bánh ra bán. Lạ nhất khi nhìn thấy những chiếc bánh mì dài nhỏ như chiếc gậy, sau này biết đó là bánh mì baguette. Tò mò xuống đường mua bánh, chiếc bánh còn nóng hổi, vỏ dày vàng ruộm, ruột đặc, thơm phức mùi bột và thoảng mùi bơ… Bên kia đường những cửa tiệm mở cửa từ lúc nào, tiệm Như Lan sáng đèn đã nhiều người lui tới. Trên đường Hàm Nghi có những em nhỏ trong bộ đồng phục quần/váy xanh áo trắng và nữ sinh trong bộ áo dài trắng… Trên một con đường nhỏ hàng quán bắt đầu nhộn nhịp là một cái chợ như những cái chợ khác tôi từng biết nhưng vẫn khác, nhiều màu sắc, nhiều loại thức ăn, cây trái hơn và lần đầu được nghe giọng Sài Gòn nhiều như thế, dung dị như thế.
Chợ Cũ năm 1968. (ảnh trên tạp chí Life)
Sau này nói chuyện với bạn bè, đọc mấy cuốn hồi ký thấy nhiều người lần đầu vô Sài Gòn bị choáng ngợp bởi nhà cao đường rộng, xe máy xe hơi, đồ tiêu dùng và quần áo sang trọng… tôi lại nhớ cảm giác đầu tiên của buổi sáng hôm đó khi ngắm nhìn khu chợ Cũ. Với tôi, Sài Gòn là một TP của những con người bình dị. Cảm giác này hơn 40 năm đến hôm nay vẫn không thay đổi.
Chợ Cũ, nguyên thủy là chợ Bến Thành ven kinh Chợ Vải (kinh Lớn), nơi đây là một trong vài bến ghe tàu của thành Gia Định “tụ tập hàng trăm thức hàng hóa, dọc bến sông thuyền buôn lớn, nhỏ nối liền nhau”. Sau khi Pháp chiếm Nam Kỳ một thời gian, ngôi chợ này được xây dựng dãy nhà lồng, người Pháp gọi là Marché de Saigon. Thời gian sau kinh Chợ Vải lấp đi thành đại lộ, đến đầu thế kỷ 20 chợ Bến Thành mới được xây dựng ở gần nhà ga xe lửa thì khu chợ này thành chợ Cũ. Nhà lồng không còn nên hàng hóa bán ở nhà mặt tiền hay dựng sạp ngay lòng đường.
Hơn một thế kỷ chợ Cũ vẫn tồn tại và bình thản thực hiện chức năng buôn bán của nó, đồng thời tạo dựng thương hiệu, uy tín trong lòng người Sài Gòn từ chất lượng hàng hóa đến những quán ăn ngon nổi tiếng mà giá cả rất phải chăng. Thương hiệu ấy có được từ việc nhiều cửa hàng, tiệm ăn buôn bán gia truyền, lấy chữ tín làm đầu, coi khách hàng như người thân… Bởi vậy nhiều người đi chợ này từ đời mẹ đến đời con cháu. Có một thời kinh tế khó khăn, nơi đây không thoát khỏi dịch hàng giả, hàng nhái nhưng rồi chợ Cũ nhanh chóng trở lại vị thế “độc tôn” hàng chất lượng cao từ những “thùng đồ” nửa vòng Trái đất gửi về, rồi hàng từ tàu biển, xuất khẩu lao động, hàng nhập bằng nhiều con đường.
Sáng đầu năm mới dạo quanh khu chợ, phía sau dãy ki-ốt dựng tạm vài năm nay vẫn là ngôi nhà buôn bán lâu năm và vài cái hẻm nhịp sống bình yên khác hẳn sự nhộn nhịp ngoài kia. Chợ Cũ cũng như Sài Gòn, đằng sau sự hào nhoáng ồn ào dễ làm choáng ngợp là sự thâm trầm lắng đọng mà chỉ có những ai thật hiểu và yêu TP này mới nhận ra.