Người Sài Gòn xa xứ mang theo hình ảnh chợ Bến Thành trong hoài niệm. Họ cần nhìn chợ Bến Thành là để khuây khỏa nỗi nhớ Sài Gòn, nhớ Việt Nam.
Có lẽ một số ít người Sài Gòn đang sinh sống ở những nơi này còn nhớ một sự kiện vào năm 1971 có liên quan đến ngôi chợ Bến Thành. Vào năm 1964, trong đề án thiết lập trung tâm thương mại Sài Gòn từ nhà ga xe lửa (Công viên 23-9 hiện nay), kiến trúc sư (KTS) Lê Văn Lắm có nhận định: “Lối kiến trúc chợ Bến Thành từ năm 1913 đến nay (1964) không còn hợp thời, công việc buôn bán quá tấp nập… Trong tương lai nên chỉnh đốn kiến trúc chợ Sài Gòn và việc thương mại đặc biệt dành mua bán các thực phẩm: Thịt cá, rau cải, trái cây, đồ hộp...”.
Đồ án trúng giải của KTS Huỳnh Kim Mãng.
Dự án của KTS Lê Văn Lắm không thực hiện được và chính quyền Sài Gòn vẫn nung nấu ý định cải tạo và mở rộng chợ Bến Thành theo nhận định của Tòa Đô chánh được ghi lại trong tạp chí Thế Giới Tự Do: “Sài Gòn phát triển quá mạnh, trong khi đó chợ búa ở Sài Gòn, nhất là chợ Bến Thành vẫn ở trong tình trạng của mấy mươi năm về trước, không có một bước tiến quan trọng nào”. Năm 1971, dân số Sài Gòn có khoảng hai triệu người và thành phố chỉ có ba trung tâm thương mại lớn là: Tax, Sài Gòn Departo và Crystal Palace (thương xá Tam Đa). Tuy nhiên, những trung tâm thương mại này là những nơi bán hàng xa xỉ chứ không có kiểu… chợ búa như chợ Bến Thành và chợ Sài Gòn cũ, chợ Bình Tây (Chợ Lớn mới). Nên chính quyền Sài Gòn quyết tâm biến đổi chợ Bến Thành trở nên hiện đại, phù hợp với yêu cầu phát triển và mang tính thẩm mỹ.
Một cuộc thi đề án kiến trúc xây dựng lại ngôi chợ này được công bố vào cuối tháng 10-1970 và chấm dứt vào ngày 21-4-1971. Có tám đề án dự thi và ngày 10-9-1971, Tòa Đô chánh Sài Gòn trao giải nhất cho KTS Huỳnh Kim Mãng (hiện kim là 1.500.000 đồng). Không có giải nhì, chỉ có giải ba trị giá 400.000 đồng cho KTS Nguyễn Huy và Trần Phong Lưu (hợp tác). Giải khuyến khích trao cho KTS Nguyễn Kỳ, Đào Trọng Cường và Nguyễn Hữu Sơn.
Được biết các đề án đều phải thiết kế chợ mới có diện tích tổng quát là 12.000 m2, nghĩa là hoàn toàn bằng diện tích ngôi chợ cũ. Theo đồ án thiết kế trúng giải của KTS Huỳnh Kim Mãng, chợ sẽ được xây ba tầng. Khi Sài Gòn-Gia Định chỉ có khoảng 250.000 xe máy, 3.500 xe taxi , 2.100 xe lam đang lưu hành thì KTS Huỳnh Kim Mãng đã nghĩ đến việc xây dựng chợ Bến Thành có một tầng hầm đào sâu dưới đất và đậu được 150 chiếc xe hơi. Chuyện này làm ta nhớ đến thiết kế trung tâm thương mại của KTS Lê Văn Lắm, cũng có tầng hầm để xe. Gian hàng xung quanh tầng trệt sẽ bán thịt, các gian hàng kế sẽ là nơi bán trái cây. Khu bên trong sẽ là nơi bán cá. Khu này sẽ thực hiện thấp xuống để giữ vệ sinh cho khói bay ra bên ngoài và phía trên có ánh sáng trực tiếp và thoáng khí.
Tầng một dùng để bán chạp phô và bách hóa các loại. Tầng hai bán quần áo tơ lụa, lập ngân hàng. Lầu ba là thế giới riêng biệt cho trẻ em với nhiều trò chơi giải trí, hàng bán đồ chơi, sách báo nhằm để người đi chợ gửi con. Tầng thượng được dùng làm nhà hàng, quán ăn. Ngoài ra còn có rạp hát bóng, cải lương. Phía trước chợ còn có một ngôi tháp cao 50 m phần trên tháp sẽ sử dụng làm một nhà hàng. Trong chợ có một hệ thống thang máy dành riêng cho khách, một hệ thống thang máy dành riêng để tải hàng. Hệ thống rác để giữ vệ sinh trong chợ. Lối hàng hóa vô chợ hoặc chuyển lên lầu đều riêng biệt, không lẫn lộn với lối đi với khách hàng.
Diện tích của các tầng lầu trên cao được nới rộng làm mái cho các tầng dưới, một vài thiết kế hiện nay thấy giống với hình thức thiết kế này. Do đó, toàn bộ hình thức ngôi chợ Bến Thành như hiện nay với 16 cửa, thông ra bốn mặt đường không còn nữa mà là một khối nhà mới. Nếu so với các tòa nhà Vincom, chuyên bán hàng xa xỉ thì đứng trên mặt… chợ, cung cấp con cá, con gà, rau củ quả cho các bà nội trợ thì thiết kế này đến nay vẫn mang tính hiện đại, ngôi chợ Bến Thành rộng rãi hơn nhiều so với ngôi chợ hiện nay. Khi công bố trao giải, người ta được biết là sẽ khởi đầu thực hiện vào năm 1972 kinh phí lên đến 1,5 tỉ đồng (giá sinh hoạt năm 1972: 414 đồng/USD, vàng 26.100 đồng/lượng. Một chiếc xe SS50 giá 20.000 đồng. Giá xăng năm 1972 là 32 đồng/lít).
Các tính hiện đại, thẩm mỹ, phát triển đều có nhưng duy nhất đồ án này thiếu là tính cách truyền thống nên trong dư luận dân chúng cũng không đồng tình vì mất tiêu hình dáng ngôi chợ ngày xưa đã in sâu vào tâm trí. Ngoài ra, cũng có thể vì VNCH thâm hụt ngân sách là 54 tỉ đồng (1972) nên việc xây ngôi chợ mới đã dần dần đi vào quên lãng để ngày nay người Việt ở Mỹ, Úc vẫn còn hình dáng ngôi chợ ngày xưa để mà nhớ Sài Gòn…