Nhiều cư dân lâu đời chung quanh khu phố này gọi khu vực đó là khu chợ Đũi. Nhưng lớp người này đã già theo sự lớn lên của đô thị. Rồi mai đây ai còn nhớ đến tên chợ Đũi khi “thế gian biến cải vũng nên đồi”…?
Chợ Đũi là tên khu vực rộng, khoảng những năm 1930, được khu trú trong khoảng đường Lê Văn Duyệt và Trần Quý Cáp. Nơi đây là chốn cư ngụ trước tác của hai nhà văn Minh Hương và Huỳnh Phan Anh. Về phía đường Lê Văn Duyệt có rạp Nam Quang, đi xuống một chút là Trường Trung học Trường Sơn. Còn khu Trần Quý Cáp có Trường Tân Văn (biệt thự cổ vừa bán tỉ… tỉ), bánh ướt Tân Văn… (do bán trước cửa trường, sau này chuyển qua Bà Huyện Thanh Quan).
Trước đó, bản đồ vẽ năm 1883 cho thấy chợ Đũi nằm gần góc đường Chasseloup Laubat - Thuận Kiều (Nguyễn Thị Minh Khai - Cách Mạng Tháng Tám). Đây là một ngôi chợ thuộc loại “già” có hạng của Sài Gòn, có bán một loại hàng đặc sản dệt bằng tơ gốc được gọi là đũi - nếu như tồn tại cho đến nay. Vì theo nhà báo Trần Nhật Vy trong Từ Bến Nghé tới Sài Gòn xác tín chợ Đũi chính là chợ Điều Khiển có từ thế kỷ 18. Lúc ấy chợ Đũi bao gồm một khu vực rộng lớn từ khu Võ Văn Tần, Cách Mạng Tháng Tám, bao quanh khu nhà thờ Huyện Sỹ (còn gọi là nhà thờ Chợ Đũi của họ đạo Chợ Đũi) đến khu vực Phạm Ngũ Lão. Trên bức tường bao quanh ga xe lửa còn ghi rõ hai chữ Chợ Đũi. Dần dần theo thời gian, không gian bị thu hẹp lại theo trí nhớ và sự quy định, khi nói đến khu chợ Đũi người ta chỉ nghĩ đến khu vực góc Võ Văn Tần và Cách Mạng Tháng Tám.
Nhưng thôi, chuyện chợ Đũi có từ khi nào chỉ là việc “đi tìm lại thời gian đã mất” vì bây giờ chợ Đũi cũng chẳng còn ai nhắc đến. Hiện nay đây là một khu thương mại, có ngân hàng, quán cà phê hiện đại. Dân văn nghệ, trí thức và lao động đã từng sống ở đây hay lai rai mỗi chiều thường nhớ hình ảnh những quán nhậu bình dân lề đường đặc sệt chất chợ Đũi mà họ đã từng ngồi với bạn bè nhìn trời hiu quạnh. Trong nhóm này có nhà thơ Tạ Ký, người từng ngồi nhậu ở chợ Đũi, viết lên câu thơ buồn mà tôi nhớ không chính xác Buồn như ly rượu cạn, không còn bạn để say… Dân học trò Petrus Ký thường gọi nhà thơ là thầy vì ông là giáo sư dạy môn Việt văn. Nhà thơ Tạ Ký trong tạp bút Nhậu ở Chợ Đũi đã chấm phá vài nét về khu vực này: “Các bạn nào đến chợ Đũi nên ghé vào các quán xây ra mặt đường Trần Quý Cáp vì ở đây chỉ có nhậu suông mà thôi. Nếu bạn ghé vào dãy quán ngó ra đường Lê Văn Duyệt thì coi chừng có thể bị bắt cóc vì ở đấy là các demi-bar, cũng có nhậu, có lai rai và có các em ngồi bàn tán nhảm. Ở chợ Đũi làm gì có quán nhậu sang trọng. Tìm đỏ mắt cũng không có bồ câu quay, cua rang muối. Nhưng với dân nhậu thì cần gì món ngon. Ở đây chỉ có khóm (thơm, dứa) chấm muối ớt, xoài xanh chấm ruốc, trái cóc, bưởi… Nếu muốn ngả mặn thì gọi phở xào dòn, bò lúc lắc, lòng heo. Đâu có cần gì phải món đắt tiền mới nhậu được”.
Lúc trước, có những nhà thơ, nhà văn gắn liền tên mình với một khu vực, một quán mà họ thường ngồi uống cà phê, rượu sang trọng hay thuộc loại bình dân học vụ. Như tôi khi đang ngang qua chợ Đũi thường nhớ đến Tạ Ký và những câu thơ trong bài Chỉ đợi một mình mầy và ngược lại. Những địa danh, tên quán sau này được nhắc đến chính là vì nó là chứng nhân của một thời đã qua và đã mất. Cũng như vậy chợ Đũi!
Bây giờ còn ai gọi tên góc đường Võ Văn Tần - Cách Mạng Tháng Tám là chợ Đũi? Chợ đâu còn và đũi cũng còn đâu! Quán nhậu bình dân khắc ghi ký ức dân nhậu ở chợ Đũi cũng đâu còn. Mà khách đã đến rồi đi, có người đã đi hẳn khỏi cõi đời. “Buồn như ly rượu cạn. Không còn chợ Đũi để say”…