Nhất là những tin đồn liên quan tới vệ sinh an toàn thực phẩm, cùng nhiều mặt hàng thiết yếu và cả một số dịch vụ trong cuộc sống hằng ngày, làm nhiều người như rơi vào mê hồn trận, không biết tin cái gì!
Đúng là những tin vô thưởng vô phạt nghe qua rồi bỏ. Nhưng có những tin đồn được cố ý tung ra như thật, lừa biết bao người.
Tin đồn tai hại không chừa một ai
Tại mấy quán cà phê địa ốc ở các quận mới vùng ven, nơi những tay cò nhà đất “đóng đô”, có kẻ làm bộ “hé lộ thông tin” sắp có quy hoạch giải tỏa khu xóm nhà lấn chiếm bên bờ sông Sài Gòn để làm công viên, mục đích đồn tới tai các đối tượng họ nhắm đến. Có người nhẹ dạ cả tin bán nhà đất vì sợ giải tỏa đền bù hỗ trợ chẳng bao nhiêu do đất lấn chiếm hay nhà mua giấy tay. Những kẻ tung tin đồn sẽ cho người đi gom mua giá rẻ, sau đó chạy chọt làm sổ hồng sổ đỏ, bán lại một vốn bốn lời. Hoặc cả những tin đồn vô căn cứ nhưng đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới nhiều bà con nông dân, nhiều người muốn phá ruộng rau, chặt vườn cây. Như gần đây có tin đồn nào là xoài được bọc loại túi nylon độc hại, sầu riêng giú bằng hóa chất cấm, thanh long bơm màu... làm giá các loại nông sản này rớt giá, ế ẩm, cốt làm lợi cho lái buôn Trung Quốc thu gom hay những lái buôn người Việt tiếp tay cho họ.
Lão nông Tám Tâm ở Hóc Môn than với tôi: “Qua trồng rau gần năm chục năm nay, chỉ dùng phân trâu bò, phân heo trộn với rơm rạ, tức phân hữu cơ nhưng bây giờ nói ai tin... Qua buồn lắm, rau sạch của mình bị đánh đồng với rau nhiễm hóa chất nhưng bà con tiêu dùng làm sao phân biệt được. Chỉ buồn là các cơ quan chức năng không giúp gì được cho bà con nông dân làm ăn chân chính”. Đúng là hiện nay những tin đồn, cả những tin đồn vô căn cứ lan truyền rất nhanh, ảnh hưởng tới cuộc sống của mọi người, mọi giới, không chừa một ai.
Tin đồn thực hư gì cũng khổ
Ở TP, hầu như các loại lương thực, thực phẩm, hàng hóa bày bán ở các chợ và ngay cả trong các siêu thị hiện nay đều ít nhiều mang tai tiếng. Có những thông tin trên báo đài về an toàn thực phẩm cảnh báo bà con rất hữu ích. Như thịt heo tạo nạc bằng chất cấm salbutamol, gà nuôi bằng chất vàng ô công nghiệp, rau muống tưới bằng dầu nhớt thải, giá đỗ trồng bằng hóa chất một đêm dài cả tấc, măng chua ngâm tẩy hóa chất... Nhưng đâu phải thịt nào, rau nào cũng nhiễm bẩn! Rồi nhiều tin đồn có khi thiếu căn cứ nhưng cũng làm nhiều người hoang mang. Như gạo nylon, trứng gà giả của Trung Quốc, bánh Trung thu nhân nylon... Bà Ba “trầu” ở cuối hẻm ngày nào đi chợ cũng ngang qua nhà tôi. Cả nhà 10 nhân khẩu, gồm ông bà và hai gia đình nhỏ của hai con trai, một tay bà Ba lo cơm nước. Bà Ba “trầu” bảo: “Cậu nghĩ coi, ngày nào tui cũng nghe tivi nói chuyện thực phẩm bẩn, rồi thực phẩm Trung Quốc độc hại. Thịt cá rau dưa gì cũng nhiễm độc hết trơn, tôi đi chợ lo cho cả nhà mà cái gì cũng nghe theo tin đồn sợ độc hại hết thì 10 cái miệng nhà tui ăn cái gì bây giờ?”.
Còn cô Loan, phụ trách bếp ăn của một trường tiểu học dân lập bán trú ở Bình Thạnh, cũng than khi gặp tôi đón cháu học về: “Anh biết không, em đâu có trực tiếp đi chợ. Toàn bộ hàng thực phẩm là do các đầu mối cung cấp. Họ bảo đảm với mình rằng mọi thứ đều an toàn, mình phải tin thôi. Nhưng cha mẹ học sinh luôn thấp thỏm lo thực phẩm độc hại các cháu, bởi biết bao nhiêu tin đồn này nọ, mình cũng không biết nói sao!”.