Những cơn mưa, lội nước bì bõm làm trẻ con chúng tôi thích thú. Con hẻm nhỏ nơi lũ trẻ con chúng tôi được sinh ra và trưởng thành chỉ cao hơn bờ ruộng một ít nên có những cơn mưa lớn, nước thoát không kịp cũng có mức xấp xỉ cao hơn mắt cá chân. Thế là tụi tôi tha hồ chạy nhảy, té nước và cầu mong cho con hẻm nhỏ ngập nước để chúng tôi có thể thi nhau nằm bơi trên những nền đất đã ngập tràn nước nhưng niềm vui qua sao nhanh quá. Con nước cạn đã rút đi lúc nào, chỉ trơ vơ nền đất sũng.
Bây giờ con đường ấy mỗi khi mưa lớn nước ngập đi, không chịu rút. Chung quanh những bờ ruộng thoát nước ấy đã được lấp đất và có nhiều biệt thự khang trang mọc lên. Tôi không biết lũ trẻ con ngày hôm nay chắc không còn thú vui này bởi một khi trời mưa lớn, những ngôi nhà ngay mặt đường sẽ hứng đầy nước từ đường chảy vào nhà vì “người ta” chống ngập bằng cách nâng đường. Mặt đường cao hơn nhà. Nhà bây giờ là chỗ trũng, chỗ thoát nước cho con đường. Ngày khô ráo, muốn vào nhà thì phải chun xuống. Thế thì còn gì thú vui… khi mưa lớn, những “cơn mưa cực đoan” để rồi hí hửng khi tìm ra từ mới cho vào từ điển chống ngập của công ty thoát nước…
Đi trong mưa TP.HCM, ai đã từng không một lần đẩy xe, bì bõm lội trong vũng nước.
Trong suốt những ngày vừa qua, chuyện ngập trở thành dư luận chính thống và kể cả chính chủ. Đi trong mưa TP.HCM, ai đã từng không một lần đẩy xe, bì bõm lội trong vũng nước. Rồi sau đó quên đi. Rồi lại tục bàn luận một vài ngày sau khi ngập. Rồi lại quên đi. Âu cũng là sự dễ tính cố hữu của người Sài Gòn?!
Tôi không tin rằng bí thư, chủ tịch TP bây giờ chống được ngập trong một sớm một chiều. Và cũng không tin rằng TP này sẽ hết ngập. Chỉ cần mong giảm ngập là tốt rồi. Bởi cái vùng trũng, đã trở thành đô thị mới trong mơ, chính là vùng thoát nước của TP. GS Lê Huy Bá xác tín: “Càng mở rộng đô thị hiện đại ở vùng Nam Sài Gòn, Bình Chánh, quận 7, Nhà Bè tức là đang ngăn đường thoát nước của TP”. Thực tế cho thấy hiện nay khu đô thị Phú Mỹ Hưng ở Nam Sài Gòn tọa lạc ngay trên khu vực vùng trũng - nơi trước đây từng là những hồ tự nhiên chứa nước của TP. Thêm nữa, toàn bộ khu Nhà Bè, quận 7 - cửa thoát nước chính của Sài Gòn cũng đang bị đô thị hóa mạnh mẽ, mà hệ quả của nó là tình trạng san lấp kênh rạch vô tội vạ. Nhiều đại biểu đã chỉ ra sai lầm trong quy hoạch của TP.HCM. “Từ giai đoạn 1954-1975, các chuyên gia đã yêu cầu TP nên tập trung hướng phát triển về vùng cao là đông-đông bắc, giới hạn phát triển về phía nam (Nhà Bè, Cần Giờ) vì vùng đất này yếu, trũng” - ông Bạch Anh Tuấn thuộc ĐH Tôn Đức Thắng nói.
Và bây giờ, theo các chuyên gia có lương tâm, bước giảm ngập cho TP, đầu tiên là cấm tuyệt đối việc san lấp kênh rạch. Đối với các vùng trũng nên xây dựng hồ điều hòa dạng chìm chứa lượng nước chưa kịp tiêu thoát. Tất nhiên không thể “bứng” Phú Mỹ Hưng đi như thần đèn nhưng có thể chấm dứt ngay những dự án xây dựng về phía nam TP.