Nghe hát tá lả, chẳng có gu âm nhạc gì cả. Từ trữ tình cho đến sôi động, từ tiền chiến cho đến thời thượng. Thời gian trôi qua, cuộc sống bộn bề, nhiều lời ca quen thuộc trước đây cứ mai một. Chợt nhớ, chợt quên. Quên nhiều hơn nhớ. Nhưng lạ, có một số bài, kể cả những bài dù nay không còn ai hát, vẫn nhớ. Đó là những bài ca về thân phận con người - dưới mắt nhìn của tôi.
Hồi ấy, dù Sài Gòn yên bình hơn so với nhiều tỉnh, thành khác nhưng cái không khí thời chiến vẫn hiện diện trên báo, trong những câu chuyện dưới các mái nhà. Có lẽ vì thế nên có không ít bài hát trữ tình trĩu nặng u buồn khi nói về thân phận con người. Tác giả có nhiều bài hát về loại này chính là cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn… Đại bác qua đây đánh thức mẹ dậy/ Đại bác qua đây con thơ buồn tủi (Đại bác ru đêm), hayChiều đi lên đồi cao/ Hát trên những xác người/ Tôi đã thấy, tôi đã thấy/ Trên con đường, người ta bồng bế nhau chạy trốn (Hát trên những xác người)… Rất nhiều người trẻ yêu nhạc Trịnh luôn ghi nhớ những bài ca trên vì lời ca gợi nhớ sự mất mát, tan vỡ, chia lìa, đau khổ mà thân phận con người phải gánh chịu trong thời chiến.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với Đại bác ru đêm gợi nhớ sự mất mát, tan vỡ, chia lìa, đau khổ trong thời chiến.
Không chỉ Trịnh Công Sơn, một số nhạc sĩ cũng có những “ca khúc thân phận” ở mức độ dẫn truyền cảm xúc khác nhau. Từ câu chuyện về mùa xuân và đứa con phải xa nhà, không về, nhóm nhạc sĩ Trịnh Lâm Ngân đã viết nênXuân này con không về. Thời ấy, qua giọng hát truyền cảm của Duy Khánh, một nỗi niềm rất nhỏ bé của một người trong tết xa quê dường như đã lan tỏa rộng trong sự đồng cảm của bao người.
Số phận một người có thể không giống ai nhưng có khi hàng ngàn, chục ngàn số phận lại tương đồng trong một thời điểm, một không gian nào đó. Như mùa hè đỏ lửa 1972, hàng ngàn sinh viên bị hạ tuổi hoãn dịch, bị đôn quân. Thế là đành Trả lại em yêu khung trời đại học… để anh sẽ ra đi, sẽ đến Nơi có quê hương mịt mù thuốc súng… và Anh sẽ ra đi chẳng mong ngày về (Trả lại em yêu - Phạm Duy).
Trong xu hướng hát như một lời than thở, thậm chí như một lời ai oán… thì có lẽ những bài hát về thân phận người lính chế độ cũ đã dẫn đầu. Rất nhiều người khoác áo lính thời trước đã bần thần khi một ngày vừa tàn, chợt nghe vút lên Hỡi người chiến sĩ đã để lại cái nón sắt bên bờ lau sậy này/ Bây giờ anh ở đâu, bây giờ anh ở đâu/ Còn trên đời này đang xông pha đèo cao dốc thẳm hay đã về bên kia, phương trời miên viễn chiêm bao (Người tình không chân dung - Hoàng Trọng).
Thực tế không cần biết người lính đang ở đâu nhưng bài hát đã khiến bao người đồng cảnh ngộ với anh phải quay quắt, gặm nhấm về thân phận của mình. Chất ai oán còn dâng cao hơn với Tưởng như còn người yêu (thơ Lê Thị Ý - nhạc Phạm Duy). Tôi thật khó quên một tối bị phạt chống thế chờ trong sân trường bộ binh Thủ Đức mà bên kia hội quán cứ vọng về lời ca Ngày mai đi nhận xác chồng/ Say đi để thấy mình không là mình… Em không nhìn được xác chàng/ Anh lên lon giữa hai hàng nến chong/ Mùi hương cứ tưởng hơi chồng/ Ôm mồ cứ tưởng ôm vòng người yêu… Nghe mà choáng cùng nỗi đau tận cùng của người thiếu phụ. Thoáng qua một ý nghĩ đào ngũ vì sự liên tưởng: Mai này liệu có kịp tìm được ai khóc cho ta chăng?
Đất nước thống nhất, những lời ca Sài Gòn năm xưa về thân phận con người vắng tiếng dần.
Một thời hòa bình - một thời phát triển hẳn sẽ khó tìm được những bài ca thở than về phận người. Tôi đã từng nghĩ thế khi bước vào cuộc đời mới sau 1975. Nhưng tôi đã nhầm. Xã hội vẫn còn chìm lắng, ray rứt nhiều thân phận con người, ở nhiều góc độ. Nhà thơ ơi, nhạc sĩ ơi, hãy lắng nghe, hãy cảm nhận và viết. Như nhạc sĩ Minh Khang đã đồng cảm với cậu bé đánh giày, bán vé số lang thang… để bài caĐứa bé được ra đời: Cuộc sống mưu sinh chỉ làm em qua cơn đói từng ngày/ Vì em không cha, vì em đã mất mẹ/ Thương đau vẫn là đau thương...
Vâng, khốn khó phận người vẫn còn trong cuộc sống. Đồng cảm, chia sẻ cùng những phận người ấy đã và đang có những bàn tay thắt chặt để tạo ra những đợt Tiếp sức đến trường hay những Bữa cơm có thịt (tên gọi một số hoạt động xã hội có ý nghĩa)…
Và như thế cuộc sống vẫn chờ đợi nhiều hơn nữa những lời ca cùng giai điệu ấm áp, truyền cảm về phận người để nối gần lại tình cảm cộng đồng.