Thôi nhé Tax ơi…

Kế hoạch này đã có từ năm 2014 và coi như thương xá Tax đã “đi vào cõi nhớ” từ đó, chỉ còn lại hình hài bên ngoài chờ ngày được phát súng ân huệ. Tất nhiên có nhiều ý kiến phản đối nhưng cái gì xong thì đã xong, chỉ mong vớt vát lại chút hình hài của nó để lưu giữ kỷ niệm của bộ mặt TP này. Đối với rất nhiều người Sài Gòn trước năm 1975 và sau này, Tax đã là một phần hồn trong đời sống của họ. Nhà văn Nguyễn Đông Thức trên Facebook cá nhân cho biết là ông đã mua món quà đầu tiên cho bạn gái, chiếc quần jean đầu tiên, mua từ tiền đi dạy, lần đầu tiên ăn kem Pôle Nord với bạn gái cũng tại đây. TS khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu, người vào  Sài Gòn năm 1975, nói lên cảm tưởng khi nghe thương xá Tax bị đóng cửa: “Có một điều mà nhiều người không để ý hoặc chưa quan tâm: Bất cứ một di sản, một tòa nhà cổ nào cũng luôn luôn hiện diện trong ký ức của những con người đã sống ở khu vực đó, ở TP đó. Tình yêu của người ta đối với nơi họ đang sống, đã sống phụ thuộc rất nhiều vào những ký ức của họ. Có thể là tình cảm gia đình, người thân và đối với cảnh quan, nơi họ đã từng có những kỷ niệm. Điều này rất có giá trị. Cho nên nếu đánh giá thương xá Tax chỉ là một địa điểm thương mại, bây giờ đã cũ thì phá đi xây cái mới thì vô hình trung đã xóa bỏ ký ức của rất nhiều người. Như vậy hoàn toàn bất lợi cho việc nuôi dưỡng tình yêu, nuôi dưỡng tình cảm đối với một đô thị có rất nhiều người sinh sống”.

Bất cứ một di sản, một tòa nhà cổ nào cũng luôn luôn hiện diện trong ký ức của những con người đã sống ở khu vực đó, ở TP đó.

Riêng đối với tôi, do cha tôi là người gác cho một ngân hàng Pháp trong thương xá này nên từ nhỏ tôi đã lướt những bước chân nhà quê dọc theo những quán Hột Gà Lộn 11 Ngày, cửa hàng kem, những gian hàng bán quần áo, đồ chơi sang trọng nơi đây. Với tôi đó là những ngày được cha cho đi chơi, ăn quà ngon và ngắm nhìn Sài Gòn xinh đẹp, sang trọng qua đôi mắt trẻ thơ. Tôi nghĩ nếu tổ chức một cuộc thi viết kể về những kỷ niệm với thương xá Tax thì ban giám khảo sẽ ngộp.

Thôi nhắc mà chi khi mà mọi việc đã an bài! Chỉ xin nhắc một chút lịch sử của thương xá này để sau này con cháu khỏi quên khi thấy một tòa nhà 40 tầng cao vòi vọi, cùng với các tòa cao ốc làm ngộp thở mấy ngôi nhà cổ như dinh Xã Tây (UBND TP), Nhà hát lớn... và không gian xung quanh đường Lê Lợi - Nguyễn Huệ.

Được xây dựng từ năm 1880 và khai trương vào năm 1924, tên gọi ban đầu của tòa nhà “Grands Magasins Charner”, viết tắt là GMC, là niềm hãnh diện của Sài Gòn vì ra đời rất sớm cùng các thương xá Le Bon Marché (1852), Printemps và Samaritaine (1865), Galerie Lafayette (1896) tại Pháp. Cùng trong năm 1865, một thương xá khác cũng mang tên Le Bon Marché ra đời tại Bỉ, Rinascente tại Milano (Ý), Marshall Field tại Chicago (Hoa Kỳ)…

Bây giờ, chỉ còn được cái quyền mong ước rằng ba tầng đầu của phần bệ đế của tòa nhà 40 tầng này sẽ được duy trì một phần kiểu dáng của Tax cũ, bảng hiệu cũ, mái che nắng dọc vỉa hè, các đường nét, nhịp điệu của kiến trúc khối bệ, các phần trang trí lót, biểu tượng gà trống, quả cầu đúc bằng đồng gắn ở đầu cầu thang sẽ được phục dựng trở lại để Tax mới vẫn còn vương vấn chút hình bóng cũ.

Và cầu mong đừng có nhà đầu tư nào, sau khi tòa nhà 40 tầng xây xong, nhìn thấy Nhà hát lớn không còn hợp với khung cảnh này bèn đòi đầu tư nữa thì…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm